Tại khóa họp, MEPC đã thông qua các quy định về bảo vệ môi trường đối với tàu hoạt động tại các cực của trái đất, sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra, tiếp tục các công việc liên quan đến ngăn ngừa ô nhiễm không khí, các biện pháp hiệu quả năng lượng tàu thủy, quản lý nước dằn và tái sinh tàu an toàn, thân thiện với môi trường.
Thông qua các quy định về bảo vệ môi trường của Polar Code
MEPC đã thông qua các quy định về bảo vệ môi trường của Bộ luật quốc tế về tàu hoạt động tại vùng nước thuộc các cực của trái đất (Polar Code). Đồng thời cũng tại khóa họp này, MEPC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) nhằm mục đích quy định bắt buộc áp dụng Polar Code.
Tàu hoạt động tại các vùng nước thuộc Bắc Cực và Nam Cực phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về an toàn và bảo về môi trường của Polar Code. Các quy định về an toàn của Polar Code đã được Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của IMO thông qua tại khóa họp thứ 94 (tháng 12 năm 2014), cùng với việc thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) để quy định bắt buộc áp dụng Bộ luật này. Polar Code đưa ra các quy định bao trùm toàn bộ việc thiết kế, đóng tàu, trang thiết bị, vận hành, huấn luyện thuyền viên, tìm kiếm và cứu nạn đối với tàu hoạt động tại các vùng nước xung quanh hai cực của trái đất.
Polar Code dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và áp dụng cho các tàu được đóng từ ngày đó. Các tàu đóng trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 phải áp dụng một số quy định của Bộ luật này tại đợt kiểm tra định kỳ hoặc trung gian đầu tiên sau ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục I của Công ước MARPOL
Về các yêu cầu ngăn ngừa ô nhiễm do dầu từ tàu theo quy định của Công ước MARPOL, MEPC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với quy định 12 của Phụ lục I liên quan đến két chứa dầu cặn của tàu. Sửa đổi, bổ sung này cập nhật và chỉnh sửa quy định 12, mở rộng các yêu cầu đối với liên kết và đường ống xả để đảm bảo rằng dầu cặn trên tàu được thanh thải một cách thích hợp.
Thông qua phạm vi mở rộng của rặng san hô Great Barrier và vùng biển nhạy cảm đặc biệt Torres Strait
MEPC đã thông qua một nghị quyết về mở rộng giới hạn phía đông của rặng san hô Great Barrier hiện thời và vùng biển nhạy cảm đặc biệt (PSSA) Torres Strait để bao trùm phần tây nam của biển Coral, khu bảo tồn biển thuộc biển Coral của Autralia, là hệ sinh thái ngoài khơi tạo ra nơi trú ngụ của nhiều loài động vật di trú có giá trị thương mại đang bị đe dọa.
Các biện pháp bảo vệ kết hợp được đề xuất, bao gồm việc quy định các tuyến hải trình mới, các khu vực tàu không được đi qua nhằm mục đích giảm rủi ro va chạm với tàu và tàu bị mắc cạn bằng cách cách ly các tuyến chạy tàu ngược chiều nhau, đồng thời đảm bảo tàu cách xa các rặng san hô, bãi cạn và đảo nhỏ, đã được Tiểu ban hành hải, thông tin liên lạc và tìm kiếm, cứu nạn (NCSR) của IMO nhất trí trong tháng 3 năm 2015, và sẽ được đệ trình lên khóa họp thứ 95 của MSC xem xét, thông qua trong tháng 6 tới.
Xem xét các vấn đề liên quan đến quản lý nước dằn tàu
Tình trạng gia nhập Công ước quốc tế về quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004 (BWM) đã được MEPC xem xét. Hiện tại, công ước BWM đã gần hội tụ đủ các điều kiện để có hiệu lực, khi đã được 44 quốc gia thành viên IMO với tổng dung tích đội tàu tổng cộng chiếm 32,86 phần trăm đội thương thuyền thế giới tham gia. Theo quy định, Công ước này sẽ có hiệu lực sau 12 tháng tính từ khi được 30 quốc gia với tổng dung tích đội tàu tổng cộng chiếm không dưới 35 phần trăm đội thương thuyền thế giới phê chuẩn.
Tại khóa họp thứ 67 (tháng 10 năm 2014), MEPC đã thông qua một nghị quyết về các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ước BWM có hiệu lực, bao gồm cả việc rà soát lại hướng dẫn phê chuẩn hệ thống quản lý nước dằn (G8) trang bị cho tàu. Ở khóa họp này, MEPC đã xem xét và đã cho ý kiến đối với báo cáo sơ bộ của nhóm làm việc qua thư tín (Correspondence Group) để thực hiện việc rà soát nói trên. Căn cứ kết quả xem xét báo cáo, MEPC đã quyết định tái thành lập nhóm công tác này để tiếp tục công việc rà soát hướng dẫn G8.
MEPC đã nhất trí “Lộ trình thực hiện Công ước BWM”, trong đó nhấn mạnh đến việc những tàu đã lắp đặt sớm hệ thống xử lý nước dằn được phê chuẩn theo hướng dẫn G8 hiện thời sẽ không gặp phải các vấn đề bất lợi khi Công ước có hiệu lực. Theo nội dung lộ trình thực hiện mới được nhất trí, MEPC phải xây dựng hướng dẫn về các biện pháp khẩn cấp, và phải kéo dài thời gian thử nghiệm đối với hướng dẫn lấy mẫu và phân tích nước dằn tàu theo Thông tư BWM.2/Circ.42.
Tại khóa họp thứ 68, MEPC đã xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với quy định B-3 của Công ước BWM nhằm phản ánh Nghị quyết A.1088(28) của Đại hội đồng IMO liên quan đến việc áp dụng Công ước. Dự kiến, dự thảo sửa đổi, bổ sung này sẽ được phê chuẩn tại khóa họp thứ 69 của MEPC (tháng 4 năm 2016), và sẽ được xem xét thông qua khi Công ước BWM có hiệu lực. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định khung thời gian thích hợp để tàu có thể tuân thủ tiêu chuẩn chức năng nước dằn theo quy định D-2 của Công ước BWM.
MEPC đã tiếp nhận báo cáo tiến độ nghiên cứu việc thực hiện tiêu chuẩn chức năng nước dằn theo quy định D-2 của Công ước BWM được thực hiện từ khóa họp thứ 67 của Ủy ban. Việc nghiên cứu do Ban Thư ký IMO tiến hành cùng với Trường Đại học Hàng hải thế giới (WMU). Báo cáo nghiên cứu cuối cùng sẽ được đệ trình lên khóa họp thứ 69 của MEPC.
Sau khi xem xét báo cáo khóa họp thứ 30 và 31 của Nhóm công tác quản lý nước dằn thuộc Nhóm liên kết các chuyên gia khoa học về bảo vệ môi trường biển (GEMSAMP), MEPC đã thực hiện phê chuẩn cơ bản cho 05 hệ thống quản lý nước dằn sử dụng hoạt chất và phê chuẩn cuối cùng cho 01 hệ thống loại này.
Tiếp tục xây dựng hướng dẫn về hiệu quả năng lượng tàu thủy
MEPC tiếp tục việc xây dựng hướng dẫn hỗ trợ thực hiện các quy định hiệu quả năng lượng bắt buộc đối với tàu thủy hoạt động tuyến quốc tế, bao gồm:
• Thông qua sửa đổi, bổ sung nhằm cập nhật Hướng dẫn năm 2014 về kiểm tra và chứng nhận chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) tàu thủy; xác nhận việc áp dụng sửa đổi, bổ sung này từ ngày 01 tháng 9 năm 2015, đồng thời khuyến khích việc áp dụng sớm hơn.
• Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Hướng dẫn tạm thời năm 2013 về xác định công suất đẩy tối thiểu để duy trì khả năng điều động tàu trong điều kiện thời tiết xấu.
• Thông qua sửa đổi, bổ sung nhằm cập nhật Hướng dẫn năm 2014 về phương pháp tính chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đạt được đối với tàu mới.
Tiếp tục việc rà soát đối với chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI)
MEPC đã xem xét báo cáo tiến độ thực hiện công việc của Nhóm giải quyết công viện qua thư tín về rà soát hiện trạng phát triển công nghệ phù hợp để thực hiện giai đoạn 2 của EEDI theo quy định 21.6, Phụ lục VI “Ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra”, của Công ước MARPOL. Ủy ban đã quyết định tái thành lập nhóm công tác này để tiếp tục các công việc và trình báo cáo lên khóa họp thứ 69 của MEPC.
Thống nhất nội dung để tiếp tục xây dựng hệ thống thu thập số liệu nhằm phân tích hiệu quả năng lượng tàu thủy
MEPC đã thống nhất nội dung để tiếp tục tục xây dựng hệ thống hoàn chỉnh phục vụ cho việc thu thập số liệu về tiêu thụ nhiên liệu dùng cho tàu thủy, sẵn sàng sử dụng cho việc áp dụng tự nguyện hoặc bắt buộc. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban lưu ý mục đích của hệ thống thu thập số liệu là để phân tích hiệu quả năng lượng, và để việc phân tích đạt hiệu quả thì phải có số liệu của một số hoạt động vận tải. Tuy nhiên ở giai đoạn này, vẫn chưa nhận biết được các tham số thích hợp phục vụ cho hệ thống.
Việc thu thập số liệu áp dụng cho tàu có tổng dung tích từ 5000 trở lên, bao gồm các thông tin: số phân biệt của tàu (số IMO), các thông số kỹ thuật, tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ hàng năm (loại nhiên liệu với đơn vị tính bằng tấn) và hoạt động vận tải. Phương pháp thu thập số liệu phải được nêu trong Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng cụ thể của tàu (SEEMP).
Số liệu được tập hợp hàng năm và được chủ tàu hoặc người khai thác tàu báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch để trình lên IMO đưa vào cơ sở dữ liệu. Chỉ có quốc gia thành viên IMO mới có thể truy cập cơ sở dữ liệu này và số liệu được công bố dưới hình thức ẩn danh.
MEPC nhất trí khuyến nghị lên Hội đồng IMO việc thành lập một nhóm công tác liên kỳ (Intersessional Working Goup) trong tháng 9 năm 2015 để tiếp tục xem xét các hoạt động vận tải nhằm đưa vào hệ thống thu thập số liệu, các vấn đề mang tính bảo mật, xây dựng các hướng dẫn cần thiết và đệ trình báo cáo lên khóa họp thứ 69 của Ủy ban.
Xem xét mục tiêu giảm khí hiệu ứng nhà kính trong vận tải biển quốc tế
MEPC đã xem xét báo cáo do Marshall Islands đệ trình liên quan đến mục tiêu giảm định lượng phát thải khí nhà kính trong vận tải biển quốc tế. Trong quá trình thảo luận, các quốc gia thành viên đã ghi nhận và đánh giá tầm quan trọng của vấn đề do Marshall Islands đưa ra, đồng thời thừa nhận rằng mặc dù IMO đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm phát thải từ tàu, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy vấ đề ưu tiên ở giai đoạn này là tiếp tục các công việc hiện tại, đặc biệt là hoàn chỉnh cơ chế thu thập số liệu để đo lường một cách chính xác phát thải từ tàu. Đề xuất của Marshall Islands có thể được đưa ra tại khóa họp thích hợp trong tương lai của Ủy ban. MEPC cũng đã cân nhắc sự cần thiết tiếp tục xen xét đề xuất này cùng với kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC COP 21) sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp, vào cuối năm nay.
Nhất trí về các yêu cầu và hướng dẫn ngăn ngừa ô nhiễm không khí sửa đổi
MEPC đã xem xét một số sửa đổi, bổ sung đối với các yêu cầu và hướng dẫn hiện có liên quan đến các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu, cụ thể là:
• Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Hướng dẫn năm 2009 về hệ thống làm sạch khí thải (Nghị quyết MEPC.184(59)). Sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc thử phát thải (đo lượng phát thải đi ô xít các bon (CO2) và đi ô xít lưu huỳnh (SO2)), quy định cụ thể chỉ tiêu thử giới hạn pH trong nước rửa thải, và phương pháp dựa trên tính toán để thẩm tra giải pháp thay thế đối với các phép đo thực.
• Phê chuẩn dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật kỹ thuật NOx năm 2008 nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử động cơ sử dụng khí và động cơ sử dụng hai loại nhiên liệu phù hợp với chiến lược phát triển động cơ thỏa mãn tiêu chuẩn phát thải ô xít ni tơ mức III (NOx Tier III strategy). Dự kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung này sẽ được MEPC thông qua tại khóa họp thứ 69.
• Phê chuẩn dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI của Công ước MARPOL liên quan đến các yêu cầu ghi nhận sự tuân thủ trong hoạt động khi tàu ở tại khu vực kiểm soát phát thải ô xít ni tơ mức III (NOx Tier III emission control areas). Dự thảo sửa đổi, bổ sung này dự kiến cũng sẽ được thông qua tại khóa họp thứ 69 của MEPC.
• Phê chuẩn hướng dẫn quy định 13, Phụ lục VI của Công ước MARPOL về các yêu cầu đối với động cơ sử dụng nhiên liệu khí và động cơ sử dụng hai loại nhiên liệu thỏa mãn tiêu chuẩn phát thải ô xít ni tơ mức III.
• Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Hướng dẫn năm 2011 về các nội dung bổ sung đối với Bộ luật kỹ thuật NOx năm 2008 liên quan đến các yêu cầu cụ thể đối với động cơ diesel được trang bị hệ thống giảm phát thải sử dụng chất xúc tác (Nghị quyết MEPC.198(62)).
MEPC cũng đã nhất trí tiếp tục xây dựng hướng dẫn cho việc lấy mẫu và thẩm tra chất lượng dầu nhiên liệu dùng cho tàu biển để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tàu.
Việc xem xét hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu sẽ được bắt đầu trong năm nay
MEPC đã nhất trí các điều khoản tham chiếu phục vụ cho việc xem xét mức độ sẵn có của dầu nhiên liệu hàng hải với hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5 phần trăm khối lượng đáp ứng nhu cầu toàn thế giới từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 phù hợp với quy định 14 (ô xít lưu huỳnh và chất dạng hạt), Phụ lục VI của Công ước MARPOL. Ủy ban đã yêu cầu Ban Thư ký IMO bắt đầu công việc xem xét từ ngày 01 tháng 9 năm 2015, với kế hoạch báo cáo cuối cùng về việc xem xét tính sẵn có của dầu nhiên liệu tuân thủ quy định sẽ được đệ trình lên MEPC tại khóa họp thứ 70 (tháng 8 năm 2016). Báo cáo này sẽ là nguồn thông tin thích hợp để các quốc gia thành viên Công ước MARPOL cân nhắc đưa ra các quyết định tương lai.
Một Ban Chỉ đạo bao gồm 13 quốc gia thành viên, một tổ chức liên chính phủ và 6 tổ chức phi chính phủ quốc tế đã được thành lập để giám sát việc xem xét nói trên.
Theo quy định của Phụ lục VI, Công ước MARPOL, từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu dùng cho tàu hoạt động ngoài khu vực kiểm soát phát thải (ECA) không được quá 0,5 phần trăm khối lượng. Tùy thuộc vào kết quả xem xét mức độ sẵn có của dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh tuân thủ quy định, yêu cầu này có thể được hoãn đến ngày 01 tháng 01 năm 2025. Trong khu vực kiểm soát phát thải, hàm lượng lưu huỳnh của dầu nhiên liệu dùng cho tàu không được quá 0,1 phần trăm khối lượng.
Tái thành lập Nhóm giải quyết công việc qua thư tín về chất lượng dầu nhiên liệu
MEPC đã rà soát báo cáo của Nhóm giải quyết công việc qua thư tín được thành lập để xem xét các biện pháp kiểm soát chất lượng có thể thực hiện trước khi dầu nhiên liệu được cấp cho tàu. Từ đó, MEPC đã quyết định tái thành lập nhóm này để tiếp tục xây dựng dự thảo về thực hành tốt nhất nhằm đảm bảo chất lượng dầu nhiên liệu cấp cho tàu, kiểm tra tính đầy đủ của khung pháp lý hiện thời trong Phụ lục VI, Công ước MARPOL, trong việc đảm chất lượng dầu nhiên liệu hàng hải. Báo cáo kết quả hoạt động của nhóm sẽ được trình lên MEPC tại khóa họp thứ 69.
Thống nhất định nghĩa các bon đen (black carbon)
Ủy ban đã thống nhất định nghĩa phát thải các bon đen (black carbon emission) từ vận tải biển quốc tế, dựa trên định nghĩa “Bond et al.”, mô tả các bon đen là một kiểu phân biệt của vật liệu có chứa các bon, chỉ được tạo ra trong lửa trong quá trình đốt nhiên liệu có gốc các bon, được phân biệt với các dạng các bon và hỗn hợp các bon khác trong khí quyển bởi các đặc tính vật lý duy nhất có.
Sửa đổi hướng dẫn về danh mục vật liệu nguy hại của Công ước tái sinh tàu
MEPC đã thông qua Hướng dẫn năm 2015 về xây dựng danh mục vật liệu nguy hại (IHM) theo quy định của Công ước quốc tế Hồng Kông về tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường năm 2009 (Công ước SR). Hiện tại Công ước này chưa có hiệu lực.
Phê chuẩn hướng dẫn ứng phó dầu tràn
Ủy ban đã phê chuẩn hai bộ hướng dẫn hỗ trợ ứng phó dầu tràn do Tiểu ban về phòng ngừa và ứng phó ô nhiễm (PPR) của IMO xây dựng:
• Hướng dẫn về yêu cầu sự trợ giúp quốc tế trong ứng phó sự cố ô nhiễm dầu trên biển - được dự định là công cụ hỗ trợ quản lý các yêu cầu về nguồn lực ứng phó tràn dầu và các đề xuất trợ giúp từ các quốc gia và tổ chức khác, khi phải đối phó với các sự cố tràn dầu trên diện rộng, phức tạp hoặc lượng dầu tràn lớn.
• Hướng dẫn sử dụng chất phân tán dầu để chống lại ô nhiễm dầu trên biển - Phần III (Thông tin về vận hành và kỹ thuật đối với việc sử dụng chất phân tán trên bề mặt biển). Phần I (Thông tin cơ bản) và II (Chính sách quốc gia) của Hướng dẫn IMO về chất phân tán đã được phê chuẩn trước đây và sẽ được xuất bản cùng với Phần III vừa được MEPC phê chuẩn. Phần IV liên quan đến việc áp dụng chất phân tán dưới biển đang được xây dựng với các kinh nghiệm thu được từ sự cố dàn khoan dầu biển sâu Horizon xảy ra tại Mê-Hi-Cô năm 2010, cùng với các phát triển kỹ thuật mới nhất.