Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ tại khu vực Tokyo-MOU là 4,37% (16 tàu bị lưu giữ trên tổng số 366 tàu được kiểm tra, con số của cùng kỳ năm 2014 là: 29/372 = 7,80%), đây là tỷ lệ thấp nhất trong 20 năm qua tính từ khi các chính quyền cảng trên thế giới đẩy mạnh công tác kiểm tra PSC, và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 5,5% do Bộ Giao thông vận tải đặt ra.
Trên phạm vi toàn cầu, 6 tháng đầu năm 2014 có 19 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC (16 lượt tại khu vực Tokyo-MOU, 02 lượt tại khu vực Indian Ocean-MOU và 01 lượt tại khu vực Paris-MOU), giảm 14 lượt so với cùng kỳ năm 2013 (số lượng tàu Việt Nam bị lưu giữ trong 6 tháng đầu năm 2013 trên toàn thế giới là: 27 lượt tại khu vực Tokyo-MOU và 04 lượt tại khu vực Indian Ocean-MOU). Một điều rất đáng lưu ý là hầu hết các tàu biển Việt Nam bị lưu giữ trong thời gian qua đều do Chính quyền cảng Trung Quốc và Ấn Độ thực hiện.
Ngày 01 tháng 5 năm 2014, Tổ chức Tokyo-MOU đã công bố báo cáo hàng năm 2013. Theo báo cáo này, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ rất quan trọng trong năm 2013 như sau:
- Tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ bởi các thành viên Tokyo-MOU trong năm 2013 là 6,13%, đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi Việt Nam tham gia tổ chức này từ năm 1999, bằng 89% so với tỷ lệ của năm 2012.
- Từ vị trí thứ 15 trong số các quốc gia có tỷ lệ tàu bị lưu giữ tại khu vực Tokyo-MOU cao nhất nhất thế giới trong năm 2012, Việt Nam đã chuyển lên vị trí thứ 17, ở thứ hạng cao hơn các nước như Indonesia (15,09%), Philippin (8,38%), Ấn Độ (6,67%), Thái Lan (6,53%), … Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Philippin và Ấn Độ trong bảng xếp loại này.
Cũng theo báo cáo hàng năm 2013, Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) đã đạt được những thành tích cao là:
- VR tiếp tục khẳng định vị trí là tổ chức đăng kiểm có mức độ thực hiện chức năng cao nhất, tốt hơn Đăng kiểm Croatia (CRS) và Ấn Độ (IRS) là thành viên của Hiệp hội các tổ chức Đăng kiểm quốc tế (IACS).
- Tỷ lệ trách nhiệm của VRliên quan đến tàu bị lưu giữ trong năm 2013 tại khu vực Tokyo-MOU là 4,0% (2 trên tổng số 50 tàu bị lưu giữ). Con số này của Đăng kiểm Đức (GL) là 5,71%, Đăng kiểm Hoa Kỳ (ABS) là 4,88%, Đăng kiểm Nhật Bản (NK) là 4,78%.
Theo đánh giá 6 tháng đầu năm 2014 của Tokyo-MOU, VR là tổ chức đăng kiểm duy nhất không phải là thành viên IACS đáp ứng tiêu chí rủi ro thấp về tàu bị lưu giữ PSC, và tiêu chí này sẽ được Tokyo-MOU sử dụng để lựa chọn tàu là đối tượng kiểm tra PSC cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2015.
Có được kết quả đáng khích lệ nói trên là do tất cả các bên liên quan trong ngành hàng hải đã triển khai thực hiện một cách quyết liệt Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 24/10/2011 của Bộ GTVT về việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài và Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo-MOU vào cuối năm 2014 theo Quyết định số 1133/QĐ-BGTVT ngày 02/5/2013 của Bộ GTVT.
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC tại bởi Tokyo-MOU trong 6 tháng đầu năm 2014 vẫn ở mức cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Indonesia: 10,0 %; Philippines: 4,30%; Thái Lan: 3,70%; Malaysia: 2,78%). Trong 6 tháng cuối năm 2014, tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC có nhiều khả năng biến đổi theo chiều hướng xấu vì các lý do sau đây:
- Tình hình phức tạp trên biển Đông.
- Chính quyền cảng các quốc gia thành viên Công ước Lao động hàng hải (MLC) chính thức kiểm tra PSC theo quy định của Công ước này từ ngày 20/8/2014.
- Tokyo-MOU và Paris-MOU tiến hành Chiến dịch kiểm tra tập trung về việc thực hiện số giờ làm việc và số giờ nghỉ ngơi của thuyền viên trên tàu từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 30 tháng 11 năm 2014.
Điều này đòi hỏi các bên liên quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BGTVT và Quyết định số 1133/QĐ-BGTVT để đạt được mục tiêu “đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo-MOU vào cuối năm 2014”. Trước mắt, cần tập trung vào công tác tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các công ty vận tải biển và sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu thực hiện một cách tốt nhất Công ước MLC và Sửa đổi, bổ sung Manila của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW), lưu ý đến số giờ làm việc và số giờ nghỉ ngơi của thuyền viên trên tàu, để tránh việc tàu bị lưu giữ do có các khiếm khuyết liên quan.