Ảnh: Trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại 18, Phạm Hùng, Hà Nội
Làm thế nào để đưa trụ sở Cục về Hà Nội? Tôi luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm giải pháp thực hiện. Những năm 80, 90, công việc khi đó không có nhiều, thu nhập của VR cũng ít, đời sống cán bộ, công nhân viên chức khó khăn. Đảng và Nhà nước phát động công cuộc đổi mới. Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tác động đến tư duy của tôi rất nhiều: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”.
Về được Hà Nội thì quan hệ của VR với các cơ quan quản lý của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học công nghệ, Văn phòng Chính phủ, cũng như quan hệ với các Ngành mà VR phục vụ như: Vinashine, Vinalines, PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), ô tô, tàu hỏa, Petrolimex (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam) v.v… được mật thiết hơn, có hiệu quả hơn. Về được Hà Nội, VR có khả năng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực vận tải khác như: đường bộ, đường sắt và cả hàng không.
Tôi đến gặp các anh lãnh đạo Cục Hàng hải để hỏi kinh nghiệm di dời. Vì trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã chuyển về Hà Nội. Tôi bắt đầu thăm dò ý kiến của cán bộ, công nhân viên khu vực Văn phòng. Tôi gặp gỡ và xin ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo Bộ và các Vụ quen biết. Hầu hết, mọi người đều ủng hộ phương án di dời. Tôi thấy an tâm về hướng đi của tôi là đúng. Tôi đề nghị anh Viên, là Cục trưởng lúc bấy giờ, triệu tập họp Thường vụ Đảng ủy Cục và lãnh đạo Cục để tôi báo cáo phương án di dời, để các đồng chí đó xem xét và cho ý kiến chỉ đạo. Mọi người đều nhất trí, song đề cập đến nhiều khó khăn, phải lường trước. Khó khăn thì tất nhiên rồi. Nhưng đây là cơ hội, ngàn năm có một. Tôi nghĩ thiên thời, địa lợi, nhân hòa đang đến với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nhất quyết phải di dời, không thể chậm trễ được.
Để làm việc lớn này, mình tôi làm sao được, tôi đề nghị anh Viên cho tôi dẫn một số đơn vị và cá nhân về Hà Nội tìm nhà dân thuê, ở và làm việc tạm thời. Một là để thực hiện phương án di dời, hai là triển khai ngay các công việc mà tôi mới triển khai, đó là lĩnh vực đăng kiểm trong lĩnh vực dầu khí và sản phẩm công nghiệp.
Thật may mắn, anh Tiệm Trưởng phòng Giàn khoan, anh Vịnh, anh Phan Trưởng phòng Quan hệ quốc tế hoàn toàn đồng ý với tôi. Anh Tiệm, Anh Phan và cháu Hương giúp tôi tiếp cận với PVN, tổ chức các hội thảo về công trình biển giữa VR - PVN - và các tổ chức Đăng kiểm nước ngoài. Anh Vịnh giúp tôi tiếp cận với lãnh đạo và chuyên viên của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, để ra Quyết định số 75/TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VR và trụ sở của VR đóng tại Hà Nội. Chúng tôi thuê một căn hộ (tòa nhà tư nhân 3 tầng) ở phường Lạc Trung, Thanh Nhàn để ở, còn làm việc thì mượn một số phòng của Chi cục Đăng kiểm số 1, Hà Nội, đặt ở đường Kim Ngưu. Chúng tôi tự nấu ăn, ô tô thì đi nhờ chiếc xe cũ nát của Chi cục Đăng kiểm số 1.
Để có thể di dời trụ sở Cục từ Hải Phòng về Hà Nội, nhất định phải có Quyết định của Thủ tướng. Những người giúp tôi trong việc này là anh Lê Văn Khang, Trưởng phòng Nhân sự (lúc đó vẫn ở Hải Phòng). Anh Vịnh, là người nhiệt tình, hăng hái và tâm huyết đối với công việc đăng kiểm. Tôi đề nghị anh Viên và Phòng Nhân sự bổ nhiệm anh Cao Xuân Vịnh là Phó phòng Giàn khoan, theo tôi về Hà Nội làm việc. Ba anh em chúng tôi phải gặp gỡ, báo cáo, trao đổi với lãnh đạo các Vụ của Bộ GTVT. Các đồng chí lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, của Bộ Nội vụ: Anh Nguyễn Văn Bền - Vụ trưởng, anh Phan Đăng Luyến – Phó vụ trưởng, anh Tung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Văn phòng Chính phủ, đó là những người chúng tôi chưa hề quen biết. Làm nhiều với nhau, hiểu nhau nên sau này trở thành thân. Tôi gọi điện xin gặp, các anh đều sẵn lòng tiếp đón. Các anh ấy là những người hiểu biết và hoàn toàn ủng hộ.
May mắn hơn nữa, là các anh Lãnh đạo các vụ Tổ chức Cán bộ, pháp chế, Khoa học công nghệ và các anh lãnh đạo Bộ GTVT phụ trách VR đều nhất trí ủng hộ. Do vậy, tờ trình gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ trưởng ký nhanh hơn, kèm theo là dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và trụ sở của Cục. Trên cơ sở ý kiến nhất trí của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đã trình Phó Thủ tướng kí quyết định này. Ngày 03/02/1997, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương đã kí Quyết định số 75/TTg. Nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VR đã được mở rộng, trụ sở của Cục Đăng kiểm Việt Nam được đặt tại Thủ đô Hà Nội. Đây là một dấu mốc lịch sử rất quan trọng đối với VR.
Nhiều anh em đề nghị lấy ngày mồng 3 tháng 2 hàng năm là ngày kỷ niệm Cục Đăng kiểm Việt Nam chuyển về Hà Nội và năm 2017 tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Đăng kiểm Việt Nam chuyển trụ sở - một dấu mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của VR.
Cũng từ đây, tên giao dịch quốc tế của Cục Đăng kiểm Việt Nam là “Vietnam Register”, không phải là VIRES (Vietnam Register of shipping) như trước nữa; lô gô của VR cũng được thay đổi theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Chính phủ trao cho.
Nhân đây, xin kể thêm chuyện đặt tên tiếng Anh và lô gô của VR. Lô gô đầu tiên của VR tôi chưa về VR, nên không rõ, lô gô thứ hai và thứ ba thì tôi trực tiếp tham gia, vẽ và đưa ra ý tưởng.
Năm 1979, khi đó tôi làm ở Phòng Tiêu chuẩn, được anh Đinh Văn Khai, là Cục trưởng và anh Nguyễn Văn Thắng – kỹ sư nồi hơi, là Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính giao cho anh Cường kỹ sư vỏ tàu của Chi cục Đăng kiểm số 1, Hà Nội và tôi thiết kế lô gô theo quyết định 267/CP chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ GTVT ký. Anh Cường vẽ rất nhiều mẫu. Tên giao dịch quốc tế tiếng Anh “Vietnam Register of Shipping” viết tắt là “VIRES”. Vì theo quy định này, Bộ trưởng mới chỉ giao cho VIRES giám sát kỹ thuật an toàn các loại phương tiện vận tải thủy. Nên trong giữa lô gô chỉ có hình một chiếc mỏ neo đơn giản, không rườm rà. Chúng tôi báo cáo anh Khai, anh xem và chấp thuận phương án này.
Năm 1997, lô gô thứ 3, được thiết kế phù hợp với nội dung của Quyết định 75/TTg. Nhiệm vụ của VR đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh tôi lấy theo “LLoyd’s Register” của Anh, còn hình dáng tôi lấy là hình ô van, theo lô gô của Đăng kiểm Na Uy (DnV), do đó tên giao dịch tiếng Anh của Đăng kiểm Việt Nam là Vietnam Register, viết tắt là VR. Lô gô có nền trắng, chữ màu xanh. V - là Vietnam mang sắc đỏ màu cờ Việt Nam, màu của sự thành công. R - là Register, có màu xanh, biểu thị cho nguồn gốc của VR và là màu của bảo vệ môi trường xanh, đó là một trong những mục tiêu mà VR hướng tới để phục vụ. Tôi vẽ qua, nhân có ông Kurahara, trưởng đại diện của Đăng kiểm Nhật Bản (NK) tới chơi, tôi đưa cho ông xem ý tưởng của tôi, ông ấy đồng ý. Thế là tôi quyết định giao cho anh Trần Đăng Viên, họa sĩ của Cục thiết kế hoàn chỉnh lô gô thứ ba này. Dấu mạn khô được gắn trên hai mạn tàu thủy mang cấp của Đăng kiểm Việt Nam, được gắn chữ V và R thay chữ ĐKVN như trước đây.
Công việc tiếp theo vô cùng quan trọng và rất khó khăn, đó là tìm đất làm trụ sở cơ quan Cục và tìm nhà ở cho gia đình. An cư mới lạc nghiệp, các cụ đã dạy rồi. Mấy anh em chúng tôi bàn nhau, thống nhất tìm nhà để mua. Thật không may cho chúng tôi thời gian ấy giá đất, giá nhà ở Hà Nội vẫn còn đắt, chưa xuống. Đầu tiên là anh Vịnh, anh Tiệm, Tôi và anh Phan. Mua được nhà xong thì giá đất, giá nhà xuống, không may cho chúng tôi, nhưng lại may cho các gia đình từ Hải Phòng lên Hà Nội sau đó. Việc cá nhân của chúng tôi thì dễ, nhưng đất làm trụ sở cơ quan Cục thì khó khăn và phức tạp hơn nhiều.
Vừa tìm đất, vừa đưa ra phương án di dời từ Hải Phòng về Hà Nội càng sớm càng tốt. Rất nhiều phương án đưa ra, nhưng đều không tìm được nhà, được đất; đồng thời phải xúc tiến mở rộng công tác đăng kiểm trong lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực sản phẩm công nghiệp và chuẩn bị cho việc kiểm định ô tô (thực hiện Nghị định 36/CP về an toàn GTVT đường bộ). Vì thời gian đó an toàn giao thông vận tải đường bộ của nước ta rất kém, tai nạn rất nhiều, trong đó có nguyên nhân là chất lượng, an toàn của xe cơ giới đường bộ.
Công việc nhiều, vất vả, nhưng rất vui, anh em chúng tôi ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Làm ngày, làm đêm, không có ai đòi hỏi gì, tất cả cho công việc. Triển khai Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về an toàn giao thông đường bộ. Nghị định 38/CP ngày 5/12/1996 của Chính phủ về an toàn giao thông đường thủy nội địa; Nghị định 39/CP ngày 5/7/1996 của Chính phủ về an toàn giao thông đường sắt.
Trong đó có hai Nghị định rất quan trọng đối với Cục ta, có hai nhiệm vụ mới phải triển khai đó là công tác đăng kiểm đối với phương tiện cơ giới đường bộ và phương tiện cơ giới đường sắt. Đúng là một núi công việc đang chờ chúng ta.
Ngày 1/8/1995 là ngày toàn quốc triển khai Nghị định 36/CP đúng là một ngày Hội về an toàn giao thông của cả nước. Triển khai nghị định này là cả một chiến dịch đã được chuẩn bị từ một năm trước. Đối với VR, đây thực sự là một ngày trọng đại - là một ngày không thể nào quên đối với những người làm công tác đăng kiểm ô tô. Sau khi có Quyết định 75/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tôi họp Ban lãnh đạo Cục và Thường vụ Đảng ủy Cục, báo cáo phương án di dời. Các phòng ban phải về Hà Nội để làm việc sớm, hợp sức triển khai các công tác mới đó là kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ và đường sắt. Kế hoạch đặt ra là trước mắt các phòng về tòa nhà số 1C Kim Ngưu, Thanh Nhàn, làm cùng chỗ với Chi cục đăng kiểm số 1, Hà Nội. Sau đó tìm đất làm trụ sở mới. Mọi việc phải diễn ra song hành, không thể chờ việc này xong, mới làm việc khác được.
Vậy là ngày 7/4/1998 trụ sở Cục chính thức được dời từ số nhà 16 Trần Hưng Đạo, Hải Phòng về số nhà 1C Kim Ngưu, Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngày 25/4/1998 Cục tổ chức Lễ kỷ niệm 34 năm thành lập Cục, cùng là ngày khai trương trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại Thủ đô Hà Nội.
Thật là may mắn "thiên thời địa lợi nhân hòa ". Nhà đất ở Hà Nội lúc bấy giờ đang bị đóng băng, giá rẻ, mọi người ở văn phòng Cục đều hồ hởi muốn về Hà Nội. Sau 5 năm tìm đất, kiếm tiền, xây nhà, một tòa nhà 9 tầng cao đẹp, lộng lẫy nhất khu vực đường Phạm Hùng lúc bấy giờ đã được xây dựng xong. Đó là trụ sở chính thức của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Năm 2003 tất cả các phòng, ban, trung tâm của Cục chuyển về làm việc tại đó, ai cũng muốn về Hà Nội làm việc. Bây giờ nhà nào từ Hải Phòng về Hà Nội cũng có nhà cao cửa đẹp, ở những khu dân cư có văn hóa cao. Các cháu, con em cán bộ, công nhân viên của Cục đều học rất giỏi, hầu hết các cháu đều được bố mẹ gửi đi học ở nước ngoài, gia đình hạnh phúc. Đặc biệt hơn nữa là Cục phát triển rất nhanh ra nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, quan hệ quốc tế rộng mở, hiệu quả cao.
Anh Lã Ngọc Khuê - Thứ trưởng thường nhắc nhở tôi rằng: Bây giờ Cục Đăng kiểm Việt Nam các cậu “Vua đã biết mặt, Chúa đã biết tên”. Tôi biết đó vừa là lời khen, vừa là lời nhắc nhở. Hoạt động đăng kiểm đã được mở rộng sang lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đã thử nghiệm cả lĩnh vực hàng không dân dụng. Tổng thu toàn ngành năm 2015 đã gấp 10 lần so với năm 1998. Thật là một sự thay đổi không thể tưởng tượng nổi.
Nguyễn Văn Ban
Nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam