Theo Bộ GTVT, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện từ năm 2011 - 2020, đã trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước của Bộ và thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cùng với sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân đã chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Phát huy những kết quả đã đạt được và để Phong trào thi đua tiếp tục đạt kết quả toàn diện, góp phần hoàn thành thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua, cụ thể:
1. Tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt và về đích sớm các mục tiêu, nội dung theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; huy động mọi nguồn lực tích cực tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông nông thôn đồng bộ đến các xã, thôn, bản.
2. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến và đề xuất các giải pháp hữu ích trong xây dựng, tổ chức thực hiện Quyết định số 932/QĐ-BGTVT ngày 18/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành “Hướng dẫn thực hiện tiêu chí về giao thông thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới/xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới/huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025”.
4. Tham gia chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào một số vấn đề như tạo cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước về giao thông nông thôn, tạo nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn, ứng dụng về khoa học công nghệ, tập huấn cho nhân lực quản lý giao thông nông thôn, công tác bảo trì giao thông nông thôn, công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng, khai thác các công trình giao thông nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới.
5. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, nội dung có liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần tập trung triển khai nhiệm vụ, đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng cao.
6. Các Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với vùng, miền, địa bàn và dân cư để nâng cao chất lượng hiệu quả Phong trào thi đua.
Về tiến độ thực hiện, theo Kế hoạch Phong trào thi đua “Ngành Giao thông vận tải chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, căn cứ tình hình thực tiễn, các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm vào năm 2023 và tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ hàng năm tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, thực hiện Phong trào thi đua.
Căn cứ thành tích trong thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Giao thông vận tải chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025”, việc xét khen thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.. Hình thức khen thưởng bào gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Giao thông vận tải; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Giấy khen của Thủ trưởng đơn vị.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.