Phương tiện cũ là gia tăng khí thải
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất tại TP.HCM, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TP.HCM, 97% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan), 93% NOx (khí thải hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ), 78% SO2 (lưu huỳnh điôxit), 46% bụi và 64% CH4 (metan). Xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất với 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx.
Một chuyên gia về quản lý môi trường cho biết, đối với xe cũ, khi đốt cháy nhiên liệu là xăng dầu, sẽ không cháy hết mà xả thải vào không khí ngoài chất độc của các khí thông thường còn là muội than rất độc hại.
Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện "quá đát" thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2 - 4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.
Chất gây ô nhiễm từ khí thải xe máy xâm nhập vào phổi, thậm chí vào máu của con người sẽ gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp. Những thành phần độc hại có trong khí thải xe máy có thể kể đến là carbon dioxide. Ngoài ra, còn có các phần tử cực nhỏ là những thành phần lạ có trong khí thải xe máy, chúng sẽ gây hại mô phổi và phát triển một số dạng ung thư. Các hợp chất hydrocarbons đa vòng gây tổn hại lên các tế bào da và hệ tự miễn của cơ thể. Đây là một trong những thành phần khí thải xe máy phổ biến nhất gây ra ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Yến Liên, Khoa Môi trường và An toàn giao thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải: Giao thông vận tải đang là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm dự kiến giai đoạn 2014-2030 có thể lên đến 6-7%/năm.
Khí thải từ xe máy, ô tô cũ, quá niên hạn sử dụng còn cao hơn và độc hại hơn gấp nhiều lần so với các phương tiện thông thường, là nguyên nhân gây nhiều loại bệnh như hô hấp, ung thư, rồi các loại bệnh về tim mạch...
Theo thống kê, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh ước tính có tới khoảng 40% phương tiện tham gia giao thông là những xe máy cũ đã sử dụng thời hạn trên 15 năm… Trên thực tế vẫn chưa thể kiểm soát được xe mô tô, xe gắn máy cũ, nát, không đảm bảo điều kiện an toàn kĩ thuật. Hiện rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn.
Cần đẩy mạnh kiểm soát khí thải
Theo PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cần triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho sản xuất cũng như nhập khẩu các phương tiện giao thông cơ giới. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng…
“Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đang là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn phát thải khí từ nguồn này nằm ngoài danh mục kiểm soát hiện hành. Vì vậy, cần phải có biện pháp giải quyết cụ thể vấn đề này”, TS. Diệp thông tin.
Về lâu dài để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải ô tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới. Đồng thời, kiểm soát khí thải bắt buộc đối với mô tô, xe máy; tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với ô tô cũ, xe buýt xả thải khói đen trên đường phố. Mặt khác phải đầu tư hạ tầng, điều tiết giao thông để hạn chế kẹt xe.
Các sở, ngành liên quan cần tuyên truyền khuyến khích người dân tắt máy xe khi chờ đèn đỏ hay lúc kẹt xe để tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.
Xu thế chung các nước trên thế giới là phát triển giao thông công cộng thật tốt, người dân sẽ tự động từ bỏ xe cá nhân. Đầu tư phát triển hệ thống xe buýt, tàu điện…, kết nối các điểm trung chuyển thật tốt là điều chính quyền thành phố Hà Nội và TP HCM phải làm sớm.