Gia nhập Công ước BWM để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người
Tại hội thảo lấy ý kiến về việc đề xuất gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 (Công ước BWM) ngày 5/8 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên sớm xúc tiến việc tham gia Công ước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Hoàng cho biết, quy trình đề xuất gia nhập Công ước có nhiều bước.
“Trong quá trình nghiên cứu, Cục đã đưa ra những kết quả, trong đó còn những tồn tại, vướng mắc, ưu nhược điểm trong việc gia nhập Công ước, cũng như những lợi thế và hạn chế trong việc ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của quốc gia gia nhập làm thành viên”, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng chia sẻ và bày tỏ mong muốn các đơn vị, chuyên gia có những ý kiến đóng góp để xem nếu Việt Nam gia nhập Công ước, còn những vấn đề ra sao cần phải xem xét.
Theo bà Trần Thị Tú Anh (Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường - Cục Hàng hải Việt Nam), tính đến ngày 1/8/2022, Công ước BWM đã nhận sự phê chuẩn của 88 quốc gia đạt 91,20% tổng dung tích đội tàu thế giới. Ngoài ra, Guinea Bissau sẽ chính thức là thành viên của Công ước kể từ ngày 12/8/2022 và Vương quốc Anh sẽ chính thức là thành viên của Công ước từ 26/8/2022. Theo quy định, Công ước BWM sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có 30 quốc gia trở lên với 35% tổng dung tích đội tàu thế giới tham gia.
Công ước BWM được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thông qua, nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của các thủy sinh trong môi trường nước dằn được tàu biển chuyển từ vùng biển khác tới, tác động đến hệ sinh thái, kinh tế, sức khỏe con người và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường biển.
Công ước đã chính thức có hiệu lực vào ngày 8/9/2017. Đối với các tàu hiện có chưa được trang bị hệ thống quản lý nước dằn, phải lắp đặt hệ thống này tại đợt kiểm tra cấp mới giấy chứng nhận IOPP đầu tiên sau ngày 8/9/2019.
Cục Hàng hải VN nhận định, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế, số lượng tàu biển nước ngoài và nội địa vào, ra các cảng biển Việt Nam ngày một tăng, đồng nghĩa tăng lượng chất thải từ hoạt động xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải và các dịch vụ hàng hải.
Cùng đó, sẽ tăng các chất thải phát sinh từ hoạt động của tàu biển như dầu, hóa chất độc hại, rác thải, nước thải, khí thải, sơn chống hà sử dụng cho thân tàu. Đặc biệt là sự thâm nhập, lan truyền của các thủy sinh độc hại và các tác nhân gây bệnh trong môi trường nước dằn, cặn nước dằn của tàu do các tàu biển lấy nước dằn từ vùng biển khác và thải ra hệ sinh thái biển của Việt Nam.
“Nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, điều đó sẽ trở thành nguy cơ và là mối đe dọa vô cùng to lớn đối với môi trường biển, gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người”, bà Tú Anh cho hay.
Xúc tiến nhanh việc gia nhập Công ước BWM
Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Bùi Văn Trung bày tỏ sự ủng hộ việc gia nhập Công ước. Ông Trung thông tin trước đây, việc tham gia Công ước được cân nhắc vì khoảng 2-3 năm qua, thị trường không thuận lợi nên việc lắp đặt hệ thống hệ thống xử lý nước dằn gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện tại, thị trường đã có những khởi sắc nên doanh nghiệp có thể lắp đặt hệ thống quản lý nước dằn tàu phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Về tiến độ tham gia Công ước, ông Trung đánh giá hơi chậm. “Giai đoạn này, hoạt động kinh doanh tốt, các doanh nghiệp có thể đầu tư cho tàu hơn. Đồng thời, với việc tham gia Công ước, chúng ta sẽ có những thuận lợi nhất định. Nhưng làm thế nào để có sự công bằng cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía cơ quan quản lý”, ông Trung nhấn mạnh.
Nhiều đơn vị cũng bày tỏ sự đồng tình ý kiến cần đẩy sớm tiến độ việc tham gia Công ước. Ông Hoàng Lê Vượng, Phó trưởng ban Quản lý thuyền viên và tàu biển Tổng công ty Hàng hải VN thông tin, hiện nay những tàu nào phải lắp hệ thống xử lý nước dằn đều đã phải lắp. Trên thực tế, Cục Hàng hải VN đặt ra lộ trình đến năm 2024 sẽ tham gia Công ước, nhưng nếu đẩy sớm không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Thắng, đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam cho rằng hiện nay, các nước Châu Á và Đông Nam Á phần lớn đã gia nhập Công ước BWM.
Nếu Việt Nam muốn đi ra quốc tế, phải trang bị theo đúng lộ trình IMO đã quy định, bằng không sẽ hạn chế thị trường. Hầu hết các tàu chạy 100% tuyến quốc tế sẽ đến lúc buộc phải lắp đặt hệ thống.
“Nếu muốn bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, điều quan trọng là phải có công cụ kiểm soát nước dằn đi vào, tức là phải có cơ chế”, ông Thắng cho hay.
Theo quy định của Công ước BWM vào ngày 08/9/2017, tất cả các tàu hoạt động trong môi trường nước, bao gồm tàu ngầm, tàu nổi, công trình nổi, kho chứa nổi yêu cầu phải:
- Có Kế hoạch quản lý nước dằn được phê duyệt.
- Duy trì Nhật ký nước dằn.
- Quản lý nước dằn trên tất cả các chuyến hành trình thông qua hoạt động thay đổi nước dằn (hoặc hoạt động xử lý nước dằn bằng cách sử dụng hệ thống nước dằn được phê duyệt).
Tàu phải tuân thủ thời hạn trang bị hệ thống xử lý nước dằn để đảm bảo nước dằn được quản lý trên tất cả các chuyến hành trình thông qua việc sử dụng hệ thống này.