Thâm nhập “thánh địa” cơi nới thành thùng tiếp tay chở quá tải

08/06/2022

Cùng với việc xe quá tải bùng phát trở lại, các cơ sở cơ khí chuyên cơi nới thùng xe cũng mọc lên như nấm sau mưa.


Thâm nhập “thánh địa” cơi nới thành thùng tiếp tay chở quá tải 1

Cơ sở cơi nới thành, thùng xe tải trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Làm ngày, làm đêm không hết việc

Ngày 12/5, trong vai chủ đơn vị vận tải mới mua xe ô tô tải loại “hổ vồ” 4 chân muốn cơi nới thành, thùng xe để chở vật liệu xây dựng, PV Báo Giao thông được cánh tài xế giới thiệu hang loạt cơ sở cơ khí cơi nới thành, thùng ở thị xã Sơn Tây, cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông), huyện Ứng Hòa, Hà Nội, thậm chí ở tận Hà Nam… Chất lượng, giá cả cũng tùy thuộc vào chủ xe “chịu chi” đến đâu, cơi mức nào, kiểu nào.

Lần theo giới thiệu của cách tài xế, PV tìm đến cơ sở dọc tuyến QL21B thuộc địa bàn xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ngay khi đến nơi, đập vào mắt PV là cả chục xe tải “hổ vồ”, xe tải ben đang xếp hàng chờ đến lượt “nâng cấp”.

Trao đổi sơ về nhu cầu, một người thợ đang hàn, dựng cơi nới thành, thùng chiếc xe tải “hổ vồ” mang BKS 29H - 827.xx mới toanh cho biết, để cơi nới thành thùng một xe phải mất vài ngày.

“Số lượng xe đăng ký rất đông, chúng tôi làm ngày đêm cũng không xuể. Hiện anh Hùng “bờm” (chủ cơ sở) không có nhà, nếu anh muốn làm phải gọi điện đặt lịch xem anh ấy có nhận không”, người thợ này nói và tư vấn thêm: “Có nhiều loại, giá thành cũng khác nhau nên tốt nhất nên gọi điện trước”.

Một chủ xe đang cơi nới tại cơ sở Hùng “bờm” chia sẻ, mới mua xe tải Howo này gần 1,7 tỷ đồng, chi phí cho phần cơi nới theo “hợp đồng miệng” gần 90 triệu đồng.

“Công ty có khoảng gần 10 xe đều đã cơi nới thành, thùng. Trước đây, các xe có thể cơi nới cao lên bằng với cabin nhưng khoảng 1 tháng nay, chúng tôi được một số cơ quan chức năng “chỉ đạo” chỉ được phép cơi thêm thùng cao lên khoảng 1,3m, nếu không ra đường sẽ bị bắt và xử lý”, anh này cho hay.

Ghi nhận của PV, tại cơ sở Hùng “bờm”, một số chiếc xe tải ben mang BKS 29H - 795.xx, 29C - 454.xx đã được sơn phủ nước chống rỉ để chuẩn bị nâng cấp thành, thùng. Xếp sau đó là cả một dãy dài đang chờ đến lượt.

Cơi nới “siêu hiện đại” mất 200 triệu

Không chỉ có các cơ sở ở khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội), các tài xế còn kháo nhau 1 cơ sở cơi nới thành, thùng nổi tiếng tại huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Tiếp tục trong vai chủ doanh nghiệp vận tải, PV Báo Giao thông có mặt tại thôn Thọ Cầu Áp, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng.

Trực tiếp cho PV xem hình ảnh, video những chiếc xe tải đã được cơi nới thành thùng, chủ cơ sở này cho hay, nếu làm kiểu truyền thống, căn cứ vào chiều cao, độ dày của thành, thùng cũng như chất lượng, giá khoảng 80 triệu đồng.

Câu hỏi lớn nhất cần tìm câu trả lời là ở giai đoạn năm 2013 - 2016, khi thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa ngành GTVT và Công an, chúng ta đã xử lý được tình trạng cơi nới thành, thùng để chở hàng quá tải, tại sao đến nay lại không làm được? Ở thời điểm đó, hầu hết các chủ xe đã tự giác khắc phục vi phạm, cắt bỏ phần thùng hàng cơi nới, tại sao nay họ lại đua nhau đi cơi nới thành thùng?

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng


Đặc biệt, để qua mặt lực lượng chức năng, cơ sở này có cách thức cơi nới thành thùng xe khá hiện đại so với các cơ sở PV đã tìm hiểu.
Khi xe chạy không có hàng, phần cơi nới sẽ được hạ xuống.

Ngược lại, khi muốn chở quá tải, phần cơi nới thêm sẽ được đẩy lên. Đổi lại, chủ xe phải trả thêm khá nhiều tiền so với loại thường.

“Nếu anh muốn không bị phạt khi xe chạy không có hàng nên dùng cách cơi nới thành, thùng thủy lực. Có nghĩa là, khi chở hàng thì bấm điều khiển, phần cơi nới sẽ được đẩy lên để chở hàng. Còn khi không chở hàng sẽ hạ phần cơi nới thành, thùng xuống mà lực lượng chức năng không thể phát hiện được”, chủ cơ sở nói và cho biết: “Chi phí cho một xe tải cơi nới thành, thùng có hệ thống thủy lực khoảng 200 triệu đồng”.

Ngoài các cơ sở trên, cánh lái xe tải đường dài còn tiết lộ, hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có cơ sở giúp chủ xe “biến hình” cơi nới thành thùng, nhất là tại những nơi có nhiều mỏ vật liệu, công trường, nhà máy, xí nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến cho hay, các chủ xe, lái xe thường che giấu hành vi cơi nới thành thùng bằng cách sơn phần thùng cơi nới giống màu sơn của xe; chế thêm cơi nới bằng thủy lực đẩy lên, gập xuống hòng đối phó với lực lượng chức năng.

“Theo giấy chứng nhận đăng kiểm, xe tải theo nguyên bản, thành thùng chỉ cao 60cm và chở được 30 tấn, nhưng khi cơi nới thành thùng cao gấp 2 - 3 lần có thể chở cả trăm tấn. Chính những chủ xưởng cơ khí đã tiếp tay cho các chủ xe chở quá tải. Do đó, cơ sở hoán cải thùng xe cũng là đối tượng cần sự tác động, quản lý đặc biệt để ngăn chặn nạn cơi nới thành, thùng xe”, ông Tiến nói.

Qua mặt đăng kiểm cách nào?

Với nhiều cách “tàng hình”, xe quá tải có thể qua mặt lực lượng chức năng bằng mắt thường nhưng sao có thể lọt được đăng kiểm?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29-22D cho biết, thực tế có tình trạng khi xe vào đăng kiểm có thành thùng đúng tiêu chuẩn, sau khi rời trạm đăng kiểm, chủ xe mới lắp hoặc cơi nới chiều cao gấp 2 - 3 lần để hoạt động.

“Với vai trò và chức năng của đơn vị đăng kiểm, việc ngăn chặn cơi nới kích thước thùng xe hoặc sử dụng thùng xe có kích thước khác so với thời điểm đăng kiểm rất khó.

Quy định hiện hành cấm thuê, mượn tổng thành, linh kiện xe để đối phó khi đi kiểm định. Dù thế, trường hợp xe vào đăng kiểm có dấu hiệu “xe cũ thùng mới” hay dấu vết hàn cắt chiều cao thùng nhưng có kích thước thùng đúng với hồ sơ thiết kế thì đơn vị đăng kiểm không có lý do gì để từ chối đăng kiểm”, ông Bình nói.

Ông Trần Anh Quân, Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, qua kiểm tra, giám sát chúng tôi không phát hiện các đơn vị đăng kiểm bỏ qua vi phạm, cấp chứng nhận kiểm định cho xe ô tô cơi nới thành, thùng xe. Trường hợp trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Từ thực tế quản lý, ông Quân cho rằng, có thể xảy ra hiện tượng thuê hoặc dùng xe có kích thước tiêu chuẩn để đưa vào xe đăng kiểm định kỳ. Sau khi được cấp chứng nhận đăng kiểm, chủ phương tiện lắp thùng xe mới có kích thước lớn hơn hoặc cơi cao thành thùng xe để chở quá tải.

“Khi xe vào kiểm định, đơn vị đăng kiểm chụp ảnh thùng xe in vào giấy chứng nhận, kèm theo thông số về kích thước thùng. Thông tin, cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện còn được cung cấp trên hệ thống điện tử 24/24h để phục vụ lực lượng chức năng tra cứu.

Các lực lượng chức năng khi kiểm tra thực tế kích thước thùng xe, so sánh với giấy chứng nhận đăng kiểm sẽ dễ dàng phát hiện xe có cơi thùng hay không”, ông Quân nói và cho biết thêm, trường hợp xe tự ý cơi nới thùng sau khi được cấp chứng nhận kiểm định nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan đăng kiểm.

Theo một lãnh đạo khác của Phòng Kiểm định xe cơ giới, quá trình xe vào kiểm định còn được ghi hình camera và lưu trữ để phục vụ quản lý.

Hình ảnh đăng kiểm phương tiện, trong đó có thành thùng xe được lưu trữ trong 3 năm, còn hình ảnh gốc được lưu trữ suốt theo đời xe. Vì vậy, đơn vị đăng kiểm rất khó để tiếp tay, bỏ qua trường hợp xe cơi nới thành, thùng.

Đề cập chuyện cơ sở cải tạo tiếp tay cho việc cơi nới thành, thùng xe, theo lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, các quy định hiện hành chỉ quản lý đối với cơ sở bảo dưỡng, bảo hành xe ô tô; còn không quy định về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề sửa chữa, cải tạo (gara) xe ô tô.

Lỗ hổng pháp lý

Từ thực tế trên, rõ ràng đang tồn tại khoảng trống pháp lý đối với các chủ cơ sở cơ khí cơ nới thành thùng xe, tiếp tay cho hành vi chở quá tải.

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về tính an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm.

Cũng theo Luật Giao thông đường bộ, chỉ xử lý được vi phạm khi xe tham gia giao thông. Dù xe cơi nới thành thùng cao đến mấy nếu chưa chạy ra ngoài đường cũng không xử lý. Quy định này khiến cho các cơ quan đăng kiểm không kiểm soát được tính an toàn của phương tiện khi xe chạy trên đường.

Đây là lỗ hổng trong quy định pháp luật đối với xử lý xe quá tải. Quy định pháp luật ra sao, chế tài xử lý thế nào khi xe không tham gia giao thông là điểm cần xem xét sửa đổi quy định pháp luật để xử lý các trường hợp chủ xe cơ sở cơ khí tiếp tay cơi nới thành thùng.

“Tương tự như hành vi xử phạt người xếp hàng lên xe, nếu chủ cơ sở cơ khí đặt thành thùng trái quy định lên xe theo yêu cầu của chủ xe thì cũng phải chịu trách nhiệm.

Khi lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt hành vi cơi nới thành, thùng trên đường có thể truy ngược trở lại phạt chủ cơ sở hoán cải thành, thùng xe. Để xử lý đối tượng tiếp tay này có thể được quy định tại Luật hay văn bản dưới Luật”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, hoàn toàn có thể xử lý được các chủ xưởng cơ khí tiếp tay cho cơi cới thành thùng khi hành vi này được Luật hóa.

“Hiện Nghị định 100 mới chỉ xử phạt chủ xe, lái xe vi phạm tự ý thay đổi kết cấu thùng xe nhưng chưa có quy định xử phạt người tiếp tay cho hành vi này. Nếu lực lượng chức năng dùng thiết bị ghi hình và làm nghiêm hoàn toàn có thể loại bỏ được tình trạng này. Sau khi phạt chủ xe hoàn toàn có thể truy ra nơi tiếp tay cơi nới thành, thùng. Khi có chế tài sẽ xử phạt được hành vi tiếp tay cho cơi nới thành, thùng chở quá tải”, ông Hùng nói.