Các cảng biển Mỹ trước mối lo ùn ứ trở lại

08/06/2022

Các cửa ngõ Mỹ, vốn đang căng mình trước lượng hàng hóa kỷ lục và tình trạng tắc nghẽn, cho biết áp lực năm nay đến sớm vài tuần khi các nhà nhập khẩu tìm cách đảm bảo nguồn hàng trước mùa mua sắm mùa thu.

080622.17.png

Việc các chủ hàng tìm cách tránh nguy cơ bị chậm trễ về nguồn hàng cho mùa mua sắm mùa thu khiến mùa cao điểm vận chuyển năm nay dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 6, sớm hơn thường lệ vài tuần, ngay khi các sản phẩm cho mùa tựu trường và các sản phẩm theo mùa khác tràn vào.

Tình trạng tàu dồn ứ ở Mỹ đã giảm ở một số nơi, nhưng lại tăng lên ở những nơi khác, bao gồm các cảng bờ Đông, trong khi vẫn tồn tại các vấn đề khác của mạng lưới hậu cần. Các kho hàng đã đầy; công ty vận tải và đường sắt thiếu nhân công và thiết bị; còn các bãi container tại cảng thì ùn ứ hàng trăm ngàn thùng hàng.

Nhưng trên khắp đất nước, các viên chức tại các cửa ngõ giao thương cho biết họ đã chuẩn bị tốt hơn nhằm đối phó với đợt hàng nhập khẩu sắp tới sau hơn một năm vật lộn với các bến cảng bị tắc nghẽn, tàu bè dồn ứ và lượng hàng nhập khẩu kỷ lục.

Các cảng đã kéo dài thời gian hoạt động để xử lý nhiều container hơn và thiết lập các bãi container tạm thời để chứa thêm hàng. Các viên chức cảng cho biết, có sự liên lạc tốt hơn và thường xuyên hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng – giữa các hãng tàu biển, nhà bán lẻ, chủ xe tải, kho hàng và nhà khai thác hậu cần bên thứ ba – nhằm dự đoán và đáp ứng nhu cầu hàng hóa. Bất chấp những đảm bảo đó, khách hàng vận chuyển vẫn cảnh giác và chuẩn bị cho nhiều sự chậm trễ hơn.

Ba phần tư các chuyên gia trong ngành vận chuyển được khảo sát bởi Container xChange, một nền tảng mua và thuê container trực tuyến, cho biết mùa cao điểm năm nay sẽ vẫn như vậy hoặc tồi tệ hơn năm ngoái. Các giám đốc điều hành của Target Corp. cho biết họ không nghĩ áp lực chuỗi cung ứng sẽ giảm cho đến năm 2023.

Nhưng nhu cầu vận chuyển đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Các nhà bán lẻ như Target và Walmart Inc. đang giảm một số đơn đặt hàng khi người tiêu dùng chuyển từ chi tiêu hàng hóa sang dịch vụ. Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co dự kiến việc mua hàng dự trữ sẽ chậm lại, đặc biệt là trong các lĩnh vực như đồ nội thất gia đình và thiết bị điện tử đã giảm nhu cầu. Nhập khẩu chậm lại cũng mang lại khoảng nghỉ cần thiết cho các cảng.

080622.16.png

Craig Grossgart, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách vận tải đường biển toàn cầu của công ty giao nhận hàng hóa Seko Logistics, có trụ sở tại Itasca, bang Illinois, cho biết hãng vận tải container Ocean Network Express gần đây đã tăng phân bổ lượng chỗ hàng tuần trên tàu cho Seko lên 15%, cho thấy có nhiều chỗ trên tàu hơn.

Lượng container tăng dần trong mùa cao điểm này cũng có thể là một thách thức đối với các cảng. Theo Công ty Nghiên cứu và tư vấn Beacon Economics, khối lượng nhập khẩu tăng 6,6% tại các cửa ngõ đường biển chính của Mỹ trong quí đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái đánh dấu sự khởi đầu của một năm kỷ lục.

Hàng chục tàu container hiện chờ dỡ hàng tại các cảng ở bờ Tây, vùng Vịnh và bờ Đông Mỹ, dù nhập khẩu đã giảm do việc ngừng hoạt động nhiều tháng ở Trung Quốc bởi dịch Covid-19 làm suy giảm sản lượng tại một số trung tâm sản xuất lớn nhất của nước này.

Số lượng tàu container dồn ứ tại cảng Los Angeles và Long Beach, nơi biểu tượng cho sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng năm ngoái, vào thứ Hai (23-5-2022) đã giảm xuống 28 tàu, mức thấp nhất kể từ ngày 2-8-2021, theo Marine Exchange of Southern California. Con số này giảm so với mức cao nhất là 109 tàu vào tháng Giêng – mặc dù trước đại dịch, sẽ là bất thường nếu bất kỳ con tàu nào phải chờ dỡ hàng.

Các quan chức cảng đang theo dõi xem liệu nhập khẩu có tăng đột biến khi các nhà máy Trung Quốc khởi động lại sản xuất hay không. Các cảng ở vùng Vịnh và bờ Đông Mỹ cũng đang chuẩn bị cho lượng hàng tăng khi các chủ hàng chuyển hướng từ bờ Tây, nơi các cuộc đàm phán lao động kéo dài nhiều tháng giữa công nhân cảng và công ty xếp dỡ hàng hóa có thể dẫn đến gián đoạn.

Các cuộc đàm phán, bắt đầu vào đầu tháng năm, dự kiến sẽ kéo dài đến hết mùa hè. Ông Griff Lynch, giám đốc điều hành Cơ quan quản lý cảng Georgia (sở hữu và khai thác cảng Savannah), cho biết các cảng bờ Đông dự kiến lượng hàng hóa sẽ tăng từ 10-15%.