Du thuyền năng lượng sạch đầu tiên trên thế giới

16/05/2022

Con tàu MS Porrima chỉ chạy bằng năng lượng Mặt trời đang du hành vòng quanh Trái đất, mang thông điệp về cách công nghệ bền vững có thể cách mạng hóa ngành vận tải biển như thế nào.

160522.1.jpg

Du thuyền chạy bằng năng lượng sạch đầu tiên trên thế giới MS Porrima.

Con tàu khởi hành với một thủy thủ đoàn nhỏ từ Osaka, Nhật Bản vào ngày 18/12/2021 để du hành vòng quanh thế giới và ghé thăm hàng chục điểm tại năm châu lục. Nó sẽ hoàn thành chuyến đi và trở lại Nhật Bản để kịp tham dự Triển lãm Thế giới năm 2025.

Chuyến đi quan trọng đến năm châu lục là một phần của Thử thách đồng sáng tạo TEAM EXPO 2025 - chương trình nhằm mục đích đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Chủ sở hữu con tàu, doanh nhân, nhà kinh tế người Bỉ Gunter Pauli cho biết, trong mấy ngày đầu trên tàu MS Porrima, ông cảm thấy bất ngờ bởi sự yên tĩnh của con tàu chạy bằng năng lượng Mặt trời này. “Khi trên tàu không có động cơ hoạt động, bạn sẽ thấy sự yên lặng kỳ lạ, và có rất nhiều thời gian để suy ngẫm”, ông Pauli cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Vận tải đường biển chiếm hơn 80% thương mại toàn cầu, nhưng đồng thời cũng phá vỡ hệ sinh thái biển, góp phần làm axit hóa đại dương và tạo ra nhiều khí thải CO2 hơn ngành hàng không mỗi năm.

Sử dụng năng lượng một cách hiệu quả là triết lý cốt lõi làm nền tảng cho Porrima - con tàu được chế tạo để nghiên cứu môi trường, tìm ra cách công nghệ bền vững có thể cách mạng hóa ngành vận tải biển như thế nào. Trên tàu có một “trang trại thu nhỏ” nơi ông Pauli nuôi trồng tảo biển và nấm ăn được phía dưới boong tàu.

Tàu sử dụng lưới bong bóng khí nhằm hạn chế đánh bắt cá quá mức, bằng cách phân tách cá theo trọng lượng, sau đó thả về biển những con cái đang sinh sản có xu hướng nặng hơn do mang trứng.

Tàu vận hành bởi năng lượng chủ yếu từ các tấm pin Mặt trời, được trang bị bộ lọc giúp cô đặc chất dẻo nano từ nước biển và chuyển đổi thành nhiên liệu hydro.

Ông Pauli cho rằng các đặc điểm thiết kế trên của con tàu cũng quan trọng như việc sản xuất năng lượng xanh khi nói đến việc quảng bá thông điệp môi trường của Porrima.

Cảm hứng thiết kế từ nghệ thuật

Hai phòng chính trên tàu gồm phòng VIP và sảnh chính lấy cảm hứng từ sự kết hợp giữa búp bê matryoshka của Nga, nghệ thuật xếp giấy origami của Nhật Bản và dao xếp quân đội Thụy Sỹ.

Ảnh chụp MS Porrima từ trên không

Với diện tích hạn chế, hình ảnh những búp bê Nga matryoshka to nhỏ lồng vào nhau đã truyền cảm hứng cho những người thiết kế con tàu tạo ra các khoảng trống để cất giữ đồ, dễ dàng trượt và chui vào trong nhau để tiết kiệm không gian.

Nghệ thuật xếp giấy origami của Nhật Bản được áp dụng vào khu vực các giá đỡ, khu tiếp khách và những chiếc bàn khác nhau có thể xếp gọn vào trong tường như ngăn kéo. Cuối cùng, khả năng thích ứng của dao xếp Thụy Sỹ được thể hiện ở sảnh chính đa năng, nơi có thể được chuyển đổi thành phòng học, phòng triển lãm, thư viện, hoặc nhà ăn.

Những sự kết hợp này thoạt nghe có vẻ khác nhau, nhưng ông Pauli cho biết chúng gắn kết với nhau hiệu quả và giúp sắp xếp những vật dụng trên khoang tàu một cách thông minh. Ông nói: “Con tàu giống như một thực thể tích hợp từ nhiều dụng cụ nhỏ gọn, nhưng nó cũng là một sản phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật”.

Pauli đã mô phỏng thiết kế của mình dựa trên quan điểm của họa sĩ nổi tiếng người Italy Michelangelo Pistoletto về “Thiên đường thứ ba”, là sự hội tụ cân bằng giữa thiên nhiên và công nghệ. Về phần mình, họa sĩ 88 tuổi tin rằng, con tàu có khả năng biến ý tưởng sáng tạo của ông thành hiện thực.

“Khủng hoảng khí hậu là vấn đề mà con người gặp phải sau sự phát triển của công nghệ. Nhưng càng tự do, càng phát triển, thì chúng ta càng phải có trách nhiệm”, Pistoletto nói. “Và nghệ thuật là sự tương tác của quyền tự chủ và trách nhiệm”.

Pistoletto là một trong số những nghệ sĩ có tác phẩm sẽ được trưng bày bên trong con tàu mà ông mô tả là “sự tái hòa nhập của công nghệ vào thiên nhiên”.

Đối với Pauli, môi trường và cộng đồng đang chịu gánh nặng của các hoạt động không bền vững. “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều phân tích về các vấn đề môi trường, và cũng thường gặp tình trạng bế tắc”, ông chia sẻ.

Sứ mệnh giáo dục

Giáo dục qua tương tác là hoạt động trọng tâm trong hành trình của tàu Porrima. Tại nhiều điểm dừng trên thế giới, Pauli hy vọng sẽ kết nối với công chúng, các học giả và các nhà lãnh đạo trong khi giới thiệu về thiết kế của con tàu. Sảnh chính, khi được chuyển đổi thành một phòng học, sẽ được dùng để dạy trẻ em về những kỹ thuật hiện đại trên tàu, với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai. Ông hy vọng một số công nghệ của tàu Porrima sẽ được phổ biến thông qua lĩnh vực vận tải biển.

Theo ông, đến năm 2024, bộ lọc nhựa nano sẽ được lắp đặt trên một nghìn con tàu hoạt động ở biển Địa Trung Hải để bắt đầu một chiến dịch làm sạch quy mô lớn hơn. Đến năm 2025, Morocco dự kiến sẽ đưa vào hoạt động một đội tàu được trang bị công nghệ đánh bắt bằng bong bóng khí tương tự như công nghệ của Pauli sử dụng trên tàu Porrima, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường sinh vật biển. “Phát minh ra thứ gì đó là chưa đủ. Khi bạn đã làm được điều gì đó độc đáo, hãy chia sẻ và đưa nó tới với mọi người”, ông nói thêm.