Tập đoàn Siemens của Đức ra mắt mẫu tàu đầu tiên chạy bằng hydro

09/05/2022

Đầu máy chạy bằng điện sinh ra từ pin nhiên liệu hydro có thể thay thế cho các tàu hỏa chạy bằng dầu diesel và mẫu đầu máy mới sẽ giúp giảm phát thải carbon trong ngành đường sắt xuống mức 0.

090522.3.jpg

Ngày 5/5, tập đoàn Siemens của Đức đã ra mắt mẫu tàu đầu tiên chạy bằng hydro do nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu châu Âu này phối hợp phát triển với công ty điều hành đường sắt nội địa Deutsche Bahn.

Sản phẩm mới thân thiện với môi trường của Siemens và Deutsche Bahn có tên gọi Mireo Plus H, chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Loại pin này sản sinh ra điện sạch từ các phản ứng sử dụng hydro và oxy, với chỉ phát thải nước. Trong khi hầu hết hydro hiện nay đến từ ngành khí đốt, thì Mireo Plus H chỉ sử dụng "hydro xanh" đến từ nguồn năng lượng bền vững.

Thông báo của công ty Deutsche Bahn cho biết đầu máy chạy bằng điện sinh ra từ pin nhiên liệu hydro có thể thay thế cho các tàu hỏa chạy bằng dầu diesel trong hoạt động vận tải tại châu Âu và mẫu mới này sẽ giúp giảm phát thải carbon trong ngành đường sắt xuống mức 0.

Quốc vụ khanh Bộ Giao thông Đức, ông Michael Theurer, nêu rõ việc sử dụng các tàu chạy bằng hydro nằm trong khuôn khổ kế hoạch của chính phủ nước này nhằm điện khí hóa 75% mạng lưới tàu hỏa vào năm 2030.

Trong khi đó, ông Michael Peter, phụ trách Siemens Mobility, đơn vị dẫn đầu mảng cung cấp các giải pháp vận tải trong 160 năm qua, cho biết mỗi con tàu chạy bằng hydro sẽ giúp hạn chế xả thải tới 45.000 tấn CO2 trong vòng 30 năm.

Theo Siemens, nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, tập đoàn này sẽ bắt đầu vận hành thử tàu Mireo Plus H tại miền Tây Nam nước Đức vào năm 2023 và tới năm 2024 sẽ đưa con tàu này vào hoạt động thương mại, vận chuyển hành khách giữa thành phố Tuebingen, đô thị Horb và thành phố Pforzheim.

Với mẫu tàu hydro Mireo Plus H, Siemens đang nỗ lực bắt kịp đối thủ cạnh tranh Alstom của Pháp hiện đã có những mẫu tàu "xanh" như vậy trên thị trường.

Tính đến nay, hai bang của Đức đã đặt hàng Alstom 41 tàu hỏa, trong khi các hoạt động vận tải thử nghiệm bằng phương tiện thân thiện với môi trường này đang được triển khai tại một số quốc gia châu Âu khác như Áo, Ba Lan và Pháp.

Isuzu, Honda thử nghiệm xe tải chạy bằng hydro trên đường giao thông

090522.4.jpg

Hãng sản xuất ôtô Isuzu Motors Ltd. và Honda Motor Co. có kế hoạch thử nghiệm chiếc ôtô tải sử dụng pin nhiên liệu hydro trên đường giao thông công cộng vào mùa Thu năm 2022, nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của ôtô trên đường cao tốc và các loại đường khác. Hai hãng ôtô của Nhật Bản cùng nhau phát triển một mẫu ôtô chạy bằng pin nhiên liệu cỡ lớn (FCV) có thể chạy quãng đường khoảng 600km cho một bình hydro.

FVC được cho là phương tiện sinh thái tối ưu vì xe không thải ra khí CO2. Các động cơ của xe FCV được cung cấp năng lượng bằng điện sinh ra từ phản ứng hóa học giữa hydro và oxy, nên chỉ thải ra nước sau phản ứng.

Hiệu năng và độ an toàn của xe FCV loại tải trọng 25 tấn sẽ được thử nghiệm trên những quãng đường dài ở khu vực thủ đô Tokyo. Hai công ty đặt mục tiêu ra mắt sản phẩm FCV sớm nhất vào năm 2030, sẽ bắt đầu sản xuất xe hàng loạt mẫu ôtô này khi chi phí sản xuất giảm thấp hơn và mạng lưới trạm tiếp nhiên liệu hydro được thiết lập cùng với nhiều yếu tố khác nữa.

Isuzu và Honda tiến hành nghiên cứu chung về mẫu ôtô tải FCV cỡ lớn từ tháng 1/2020. Honda muốn bán hệ thống FCV cho các hãng sản xuất ôtô khác, bao gồm Isuzu. Quan chức cấp cao Isuzu cho biết sử dụng hệ thống FCV sản xuất bởi Honda sẽ là “một lựa chọn chắc chắn.”

Các quốc gia trên thế giới ngày càng siết chặt các quy định đối với ôtô tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu giảm 30% khí thải ôtô tải đến năm 2030 so với mức năm 2019. Còn tại Mỹ, bang California thông báo cấm bán ôtô con và ôtô tải chạy xăng mới vào năm 2035.

Nỗ lực cắt giảm khí thải CO2 của xe tải trở thành một thách thức lớn trong bối cảnh hướng tới khử carbon. Trên thế giới, các quy định về khí thải ngày càng siết chặt hơn. Ngoài Isuzu và Honda, hãng sản xuất ôtô khác của Nhật Bản Hino Motors Ltd. cũng đang cùng với hãng sản xuất ôtô hàng đầu “xứ hoa anh đào” Toyota Motor Corp. phát triển FCV.

Trong khi đó, hãng Mitsubishi Fuso Truck và Bus Corp., công ty con của Daimler AG, đặt mục tiêu bán ôtô FCV và xe điện (EV) tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu vào năm 2039.

Các hãng sản xuất ôtô dự đoán công nghệ EV sẽ được sử dụng cho các ôtô tải cỡ nhỏ để vận chuyển các bưu kiện trong khoảng cách ngắn, trong khi ôtô FCV với lợi thế có thể chạy quãng đường dài hơn ôtô chạy xăng và chỉ mất khoảng 3 phút để đổ đẩy, được coi là sự thay thế khả chi cho ôtô chạy xăng.

Việc thiếu các trạm nạp hydro là một thách thức chưa được giải quyết. Chi phí lắp đặt trạm sạc tăng cao khiến số lượng trạm sạc thấp với chỉ có khoảng 160 trạm đang hoạt động tại Nhật Bản./.