Công tác lập quy hoạch đối với 05 lĩnh vực thuộc Bộ Giao thông vận tải

06/04/2022

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã cho biết rõ công tác lập quy hoạch đối với 05 lĩnh vực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

060422.10.jpeg

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải được giao tổ chức lập 05 quy hoạch ngành quốc gia gồm: quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Đối với lĩnh vực đường bộ: Lập quy hoạch đường bộ tuân thủ theo Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, theo đó Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ là quy hoạch lĩnh vực chuyên ngành, gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch phương tiện giao thông và vận tải đường bộ. Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch giao thông vận tải đường bộ (quốc lộ, cao tốc) trong phạm vi cả nước, phạm vi vùng, quy hoạch chi tiết một số tuyến đường: các đường vành đai các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), đường ven biển, đường Hồ Chí Minh, đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh, quy hoạch trạm dừng nghỉ trên quốc lộ. Quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.

Đối với lĩnh vực đường sắt: Lập quy hoạch đường sắt tuân thủ theo Luật Đường sắt năm 2005 bao gồm Quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt và Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khu đầu mối giao thông đường sắt TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Bắc – Nam, tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, quy hoạch các điểm giao cắt với đường sắt phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã được phê duyệt.

060422.11.jpg

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Giao thông Vận tải

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa: Lập quy hoạch đường thủy nội địa tuân thủ theo Điều 10 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Theo đó Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; Bộ Giao thông vận tải tổ chức xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa Bắc – Trung – Nam, quy hoạch khu neo đậu trú bão trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với lĩnh vực hàng hải: Lập quy hoạch hàng hải tuân thủ theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, năm 2015, trong đó Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển; Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch chi tiết các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn.

Đối với lĩnh vực hàng không: Lập quy hoạch hàng không tuân thủ theo theo Điều 56 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015. trong đó Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay toàn quốc, trừ sân bay chuyên dùng.

Ngoài các quy hoạch trong từng lĩnh vực nêu trên, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch giao thông vận tải 4 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Luật Quy hoạch, ở cấp quốc gia sẽ có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Các quy hoạch này được lập trước để định hướng cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn và là cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng tại thời điểm lập các quy hoạch ngành quốc gia chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch phải lập đồng thời nên chưa có khung định hướng tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường ở tầm quốc gia, quốc tế và liên vùng định hướng các hành lang kinh tế, dự kiến phân chia các vùng, các cực tăng trưởng, đặc khu kinh tế, khu vực phát triển đô thị, công nghiệp, khu du lịch quốc gia,... làm cơ sở cập nhật vào các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, cũng như khó khăn trong dự báo nhu cầu vận tải.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát gây ra suy thoái, khủng hoảng kinh tế, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội; tác động và làm đứt gãy chuỗi vận tải cung ứng toàn cầu. Điều này dẫn đến việc triển khai khảo sát, đánh giá nhu cầu vận tải phục vụ việc lập quy hoạch bị gián đoạn, số liệu vận tải năm 2020 không phản ánh được xu thế dự báo, ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch ngành quốc gia./.