Thương hiệu xe tải thuộc Toyota gian lận khí thải

10/03/2022

Bộ Giao thông Nhật Bản khám xét văn phòng của Hino Motors ở Tokyo hôm 7/3, vài ngày sau khi hãng thừa nhận dữ liệu khí thải sai sót.

100322.7.jpg

Tổng giám đốc Hino Motors, Satoshi Ogiso (trái) và Chủ tịch Yoshio Shimo cúi gập người xin lỗi trong buổi họp báo ở Tokyo, hôm 4/3.​

Ngày 4/3, Hino Motors tổ chức họp báo với sự có mặt của chủ tịch hãng, Yoshio Shimo và Tổng giám đốc Satoshi Ogiso, thừa nhận cung cấp dữ liệu sai lệch về khí thải cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu cho chính phủ đối với ba dòng động cơ do hãng sản xuất.

Sau khi thừa nhận, Hino Motors đã dừng bán những động cơ và dòng xe trang bị động cơ liên quan. Các mẫu xe tải gồm Hino Ranger, Profia và xe buýt Hino S'elega.

Sự chính xác về dữ liệu khí thải của hãng xe tải từng bị nghi ngờ vào năm 2015, khi mà hãng xe Đức Volkswagen thừa nhận lắp đặt phần mềm gian lận trên hàng trăm nghìn ôtô động cơ dầu tại Mỹ để qua mặt các thử nghiệm khí thải.

Với Hino, việc sử dụng dữ liệu giả đã xảy ra ít nhất từ 2016, và hãng đã bán ít nhất 115.526 xe với động cơ bị làm sai lệch thông tin về khí thải và mức tiêu thụ nhiên liệu.

100322.8.jpg

Xe tải Hino Profia - sản phẩm có tên trong những xe trang bị động cơ với dữ liệu sai lệch.

Hino cho biết đã thực hiện một cuộc điều tra nội bộ đối với số xe bán ở thị trường nội địa sau khi phát hiện hành vi sai trái trong quá trình cấp chứng nhận cho động cơ sản xuất cho thị trường Bắc Mỹ. Một số động cơ thuộc phạm vi điều tra được sử dụng trên dòng xe buýt do hãng mẹ Toyota sản xuất, cũng như do Isuzu sản xuất.

"Các nhân viên cảm thấy áp lực khi phải tuân theo những thời gian biểu nghiêm ngặt và đáp ứng các mục tiêu khác nhau", Tổng giám đốc hãng, Ogiso nói trong buổi họp báo. Hini cho biết đã báo cáo vấn đề lên Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, cũng như Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

Vụ việc của Hino là bê bối mới nhất góp phần tác động tiêu cực tới danh tiếng của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản. Quốc gia này đã có một loạt scandal liên quan tới các hãng xe trong vài năm qua.

100322.9.jpg

Lối vào trụ sở chính của Hino Motors tại Tokyo.

Năm 2016, Mitsubishi thừa nhận sử dụng dữ liệu sai để thổi phông khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Vào 2018, Suzuki, Mazda và Yamaha cũng thừa nhận phải điều tra về mức tiêu hao nhiên liệu không đúng trên sản phẩm của các hãng.

Lúc này, Hino đang phải điều tra việc có hay không sự sai sót trong quá trình cấp chứng nhận động cơ trước 2016. Hãng cho biết một bên thứ ba sẽ tham gia điều tra.

Hino là hãng xe tải thành, xe buýt, động cơ diesel ra đời năm 1942, có trụ sở đặt tại thành phố Hino, ngoại ô Tokyo. Hãng được Toyota mua lại vào năm 2001. Hiện Hino là một trong 16 công ty chính của tập đoàn Toyota.

Triệu hồi ôtô vì đèn pha quá sáng

100322.10.jpg

Mẫu SUV GMC Terrain đời 2015.

General Motors có thể phải triệu hồi khoảng 727.000 mẫu SUV cỡ nhỏ vì đèn pha sáng gấp 3 lần cho phép và làm chói mắt tài xế ngược chiều. Năm 2019, hãng xe Mỹ từng kiến nghị Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) để tránh một vụ triệu hồi, nói rằng vấn đề không ảnh hưởng tới an toàn đối với những phương tiện xung quanh. Số xe này gồm dòng GMC Terrain đời 2010-2017.

Nhưng vừa qua, NHTSA đã từ chối kiến nghị trên thông qua một tài liệu đăng tải ngày 3/3. GM nói rằng đang xem xét và sẽ quyết định làm gì tiếp theo. Dường như hãng sẽ phải triệu hồi do số xe trên không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn liên bang.

Trong khi GM cho rằng đèn pha của họ đạt các tiêu chuẩn được công nhận, và chỉ có một khiếu nại duy nhất từ một khách hàng về việc đèn pha rọi sáng lên cây ở góc 45 độ.

Còn NHTSA nói đèn pha có thể gây chói mắt hoặc khiến các tài xế khác xao lãng. Khi được đo, đèn pha của dòng GMC Terrain được nhắc tới có cường độ ánh sáng khoảng 450-470 candela - tức gấp 3 lần cho phép.