Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cảm ơn sự quyết liệt của WB đối với các dự án đang triển khai cùng Bộ GTVT
Tại buổi làm việc, ông Benedict Eijbergen đã trao đổi về việc Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh thời điểm phê duyệt Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam (Dự án SWLC) vào tháng 10/2022 của Bộ GTVT tại Công thư ngày 24/02/2022. Tuy nhiên, như WB đã thông báo trong thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT vào tháng 4/2021 là nếu phía Việt Nam không giữ đúng tiến độ để Ban Giám đốc WB phê duyệt trong năm tài chính hiện tại (trước tháng 6/2022) thì WB không thể đảm bảo được nguồn vốn cho dự án này.
Theo đánh giá của WB, đây là dự án rất quan trọng, sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho vùng ĐBSCL nói riêng mà còn cho cả Việt Nam nói chung. Vì vậy, WB đề nghị Bộ GTVT tiếp tục thực hiện theo tiến độ đã đề cập trong thư hồi tháng 4/2021 để dự án có thể đảm bảo nguồn vốn trong năm tài chính này.
Cũng tương tự như vậy, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), Bộ GTVT cũng đang đề nghị được gia hạn thêm 12 tháng. Tuy nhiên, theo phía WB, do dự án này vì một số lý do khách quan đã được gia hạn một lần, cho nên việc tiếp tục gia hạn thêm 12 tháng là không khả thi.
Trả lời các vấn đề ông Benedict Eijbergen nêu ra, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ GTVT đang rất nỗ lực để triển khai 2 dự án này. Tuy nhiên, việc triển khai 2 dự án này đang gặp phải những khó khăn không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT. Thứ trưởng cũng giao Vụ KHĐT, Vụ Môi trường và Ban QLDA Đường thủy khẩn trương gửi các giải trình cho WB, đồng thời kết nối với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên&Môi trường để song song triển khai các bước chuẩn bị. “Đây là 2 dự án Bộ GTVT đánh giá là rất quan trọng, Bộ sẽ triển khai xử lý các vấn đề một cách nhanh nhất và mong rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía WB để hai dự án này vẫn sẽ được triển khai kịp tiến độ”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về tiềm năng hợp tác trong thời gian tới trong lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không và quan trọng nhất vẫn là đường thủy nội địa.
“Sau một thập kỷ hợp tác ấn tượng giữa Bộ GTVT và WB về phát triển cơ sở hạ tầng đường thủy, bao gồm cả Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam mới, chúng tôi tin rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho các hợp tác tiếp theo trong lĩnh vực này, tập trung vào cải thiện dịch vụ hậu cần và hiệu quả vận tải.
Về vấn đề này, WB đã huy động 250.000 đô la Mỹ từ Quỹ Hỗ trợ khí hậu, một quỹ tín thác mới của nhiều nhà tài trợ, cho một nghiên cứu kỹ thuật do WB thực hiện có tên “Thúc đẩy Giao thông Đường thủy Nội địa Xanh của Việt Nam”. Nghiên cứu này sẽ thực hiện theo “Quan điểm phát triển” được nêu trong Quy hoạch tổng thể mới về cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2020, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào việc xác định các phương án đầu tư và mô hình kinh doanh cụ thể trong các lĩnh vực: Phát triển vận tải container; Kết nối ĐTNĐ với hệ thống cảng biển và trung tâm logistic; và Tăng cường kết nối đa phương thức trên đường bộ, ĐTNĐ và vận tải ven biển” ông Benedict Eijbergen nói. Ông cũng cho biết thêm về cảng biển, WB đang hoàn thiện một nghiên cứu thu thập dữ liệu về cảng, sau đó là phân tích kết nối của các cảng chính được chọn.
“Nghiên cứu của WB về “Thúc đẩy Giao thông Đường thủy Nội địa Xanh của Việt Nam” rất phù hợp với định hướng của Bộ GTVT”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định và khẳng định Bộ GTVT ủng hộ nghiên cứu của WB, giao Vụ KHĐT và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT làm việc cụ thể với nhóm nghiên cứu của WB để phối hợp đề xuất kết quả nghiên cứu cho phù hợp với nhu cầu của Bộ GTVT.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang hiện chưa có nghiên cứu chuyên sâu về phát triển đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc đặc biệt là giao thông đường thủy nội địa xanh. Vì vậy, Bộ GTVT mong rằng WB sẽ có những nghiên cứu, hỗ trợ cho Việt Nam trong việc phát triển đường thủy nội địa ở cả miền Nam và miền Bắc. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, với nguồn vốn 250.000 USD nghiên cứu kỹ thuật “Thúc đẩy Giao thông Đường thủy Nội địa Xanh của Việt Nam chỉ nên tập trung nghiên cứu chuyên sâu tại một khu vực.