Bản lĩnh vượt khủng hoảng của “vua tàu biển” Onassis

08/02/2022

Đại khủng hoảng thế giới năm 1932, suy thoái kinh tế toàn cầu, khi tất cả mọi người đều chạy khỏi kinh doanh vận tải biển, Onassis lại nhảy vào.

2021 là một năm khủng hoảng! Đó là điều không ai phải bàn cãi nhưng nếu Aristotle Onassis - tỷ phú vận tải biển, người nổi tiếng với câu nói “Khủng hoảng sẽ sản sinh ra những ông trùm!” còn sống, chắc chắn ông sẽ làm nên chuyện.

Nhiều người tin là thế, bởi trong những lần thế giới lâm vào khủng hoảng tương tự như đối mặt với dịch Covid-19 ngày nay, Onassis đã tạo nên được sự khác biệt mà không ai làm được.

Bản lĩnh vượt khủng hoảng của “vua tàu biển” Onassis 1

Onassis được mệnh danh là ông trùm tàu biển thế giới. Ảnh: Greek Reporter illustration

Thành triệu phú khi mới 25 tuổi

Cách đây 1 thế kỷ (tháng 9/1922), vì tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, chàng trai trẻ 16 tuổi Aristotle Onassis đang từ vị trí con trai của một doanh nhân thuốc lá thành đạt bỗng chốc thành trẻ di cư, cùng gia đình lênh đênh trên biển, rời TP Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ) và lưu lạc sang Argentina. Khủng hoảng đã đẩy chàng thanh niên Onassis phải ra đời bươn chải, kiếm tiền nuôi gia đình, từ đó bồi đắp nên con người lọc lõi trong kinh doanh.

Đúng như tinh thần trong câu nói “khủng hoảng sinh ra những ông trùm”, Onasiss không ngần ngại đối mặt với khó khăn và biết tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất. Dù công việc đầu đời chỉ là trực điện thoại ca đêm nhưng Onassis nhân dịp này học thêm một số ngoại ngữ qua việc nghe các cuộc gọi quốc tế. Sau khi làm việc cả đêm, buổi sáng được nghỉ, Onassis dùng thời gian để suy nghĩ tìm kế hoạch kinh doanh.

Quan sát thấy giá thuốc lá tại Thủ đô Buenos Aires (Argentina) quá cao so với giá thuốc lá tại quê nhà Athens (Hy Lạp), Aristote đã liên hệ với gia đình để gửi thuốc lá sang Argentina bán.

Sau 4 năm, Onassis tạo ra thương hiệu thuốc lá riêng với những điếu thuốc đặc biệt có phần đầu lọc màu hồng dành riêng cho nữ giới. Nhờ đó, ông trở thành triệu phú khi mới 25 tuổi.

Đại suy thoái làm nên “ông trùm” toàn cầu

Làm trong ngành thuốc lá, Onassis thường xuyên phải vận chuyển thuốc xuyên biển. Với con mắt của một người lọc lõi trong kinh doanh, Onassis nhận thấy nghịch lý khi những “ông lớn” trong vận tải biển lại kiếm tiền nhiều hơn cả các nhà sản xuất thuốc lá.

Vậy là giữa Đại khủng hoảng thế giới năm 1932, thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu, khi tất cả mọi người đều chạy khỏi kinh doanh vận tải biển, Onassis lại nhanh chân nhảy vào mua tới 6 con tàu 10.000 tấn với giá rẻ hơn ít nhất 1 nửa so với bình thường.

Còn trẻ, không hề biết gì về vận tải biển và bị giới vận tải Hy Lạp truyền thống hắt hủi, coi là “kẻ ngoại đạo” nhưng Onassis sẵn sàng học hỏi mọi thứ để hòa nhập.

Khi đã xâm nhập vào ngành vận tải biển một cách có chiến lược và ngoan cường, Onassis bắt đầu phát hiện ra nhu cầu dầu trên thế giới tăng cao nên đã chuyển hướng sang tàu chở dầu.

Qua tính toán, Onassis nhận thấy, 1 tàu chở dầu 15.000 tấn sẽ có chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với tàu chở dầu 9.000 tấn đặc trưng thời điểm đó. Trình bày ý tưởng này với các kỹ sư, nhà thiết kế và các đơn vị đóng tàu thời điểm đó, ai cũng gàn, cho rằng chàng trai trẻ xốc nổi, điên rồ.

Bất chấp tất cả, Onassis quyết định đóng tàu chở dầu đầu tiên vào năm 1938. Con tàu mang tên “Ariston” 15.000 tấn ra đời tại Thụy Điển, trở thành tàu chở dầu lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

“Cơ hội vàng” sau khủng hoảng từ Thế chiến thứ II


Bản lĩnh vượt khủng hoảng của “vua tàu biển” Onassis 2

Aristotle Onassis vui đùa bên hai con. Ảnh: Getty Images

Năm 1940, sau một thời gian sống lang bạt khắp Paris, Buenos Aires, Monte Carlo và Montevideo, Onassis chọn định cư tại New York, Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên tỷ phú gốc Hy Lạp lại quyết định vậy vì thời điểm đó, theo luật pháp Mỹ, chỉ công dân Mỹ mới được phép sở hữu tàu chở dầu lớp T2 (loại tàu được Mỹ sản xuất hàng loạt trong Thế chiến để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng vọt của các đồng minh hay còn gọi là “Tàu tự do”). Từ đây, Onassis thành lập công ty mới, mua khoảng 4 tàu T2.

Năm 1942, ảnh hưởng của Thế chiến thứ II, thế giới rơi vào khủng hoảng vận tải, giá cước tăng vọt tương tự như tình hình hiện nay do tác động của dịch Covid-19.

Đây là cơ hội vàng cho Onassis. Nắm trong tay đội tàu chở dầu hùng hậu, Onassis đã dẫn đầu các hợp đồng chuyên chở dầu béo bở. Có bao nhiêu tiền Aristotle Onassis đều đánh cược vào việc đóng tàu mới, cái sau lớn hơn cái trước. Trong khoảng thời gian Thế chiến, Onassis sở hữu thêm 20 tàu chở dầu, từ đây trở thành “ông vua vận tải biển”.

Không dừng ở đó, năm 1953, ông đóng siêu tàu chở dầu đầu tiên trên thế giới nặng 46.000 tấn và đặt tên theo người vợ đầu tiên, Athina Onassis (còn gọi là Tina).

Năm 1954, Onassis ký thỏa thuận với Saudi Arabia để vận chuyển dầu từ Công ty Dầu Arabian-American (ARAMCO) - một thỏa thuận khiến những người làm trong ngành vận tải biển thế giới lúc bấy giờ phải ngỡ ngàng.

Tính đến năm 1971, Aristotle Onassis có trong tay hơn 100 chiếc tàu vận tải biển hạng nặng với công suất lên tới 1,25 triệu tấn hàng. Năm 2000, tạp chí về vận tải hàng đầu thế giới Lloyds List of London vinh danh Onassis là chủ tàu thành công nhất trong thế kỷ XX.

Vượt lên khủng hoảng của chính mình

Không chỉ có tầm ảnh hưởng quyết định trong ngành tàu biển, Onassis còn xây dựng mối quan hệ mật thiết với giới chính trị gia, nhất là tại Saudi Arabia.

Tầm ảnh hưởng và thế lực của cá nhân Onassis được đánh giá lớn hơn cả một quốc gia khiến chính quyền Mỹ cảnh giác. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã đưa ông vào danh sách đen để theo dõi. Washington dùng nhiều chiến dịch, chiêu trò nhằm cắt đứt ảnh hưởng của Onassis.

Lúc này Onassis rơi vào khủng hoảng của chính doanh nghiệp mình. Rất nhiều con tàu chở dầu của ông bị bỏ không, thậm chí Onassis xin chở miễn phí mà vẫn bị “lắc đầu”. Con đường kinh doanh rơi vào bế tắc, tưởng chừng lụi bại. Nhưng một cuộc khủng hoảng khác lại mang đến cơ hội cho Onassis.

Cuộc chiến kênh đào Suez năm 1957 đã tạo ra nhu cầu vận tải lớn. Vì Ai Cập cắt đứt mọi quyền tiếp cận kênh đào Suez sau khi Israel xâm lược bán đảo Sinai và Dải Gaza nên kênh đào Suez, một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới, phải đóng cửa trong 6 tháng.

Tương tự như sự cố kênh đào Suez bị chắn ngang hồi tháng 3/2021, các tàu thời đó cũng buộc phải đi vòng quanh lục địa châu Phi nên thời gian vận tải dài hơn. Chẳng bao lâu, không còn có đủ tàu chở dầu để đáp ứng nhu cầu vận chuyển toàn cầu.

Lúc đó, Aristotle Onassis có hơn 100 chiếc tàu chở dầu bỏ không, nghiễm nhiên trở thành “ông hoàng”, thậm chí có thể tự quyết định được cả giá cả vận chuyển khi cuộc chiến kênh đào Suez lên đến đỉnh điểm. Với bản lĩnh kiên cường, bất chấp khủng hoảng lớn của thời đại, Aristotle Onassis đã làm nên sự nghiệp lớn.

Khi qua đời năm 1975, ở tuổi 69, ông để lại khối tài sản 1 tỷ USD bao gồm 426 triệu USD tiền mặt và chứng khoán, hơn 50 con tàu, sở hữu chuỗi bất động sản tại hàng chục đất nước, hòn đảo riêng Skorpios tại Hy Lạp…

Có thể nói, Onassis là “chiến binh” bất khuất trên thương trường, có thể vượt qua rất nhiều khủng hoảng lớn của thời đại nhưng dường như không thể vượt qua được cú sốc tâm lý khi con trai Alexander qua đời.

Năm 1973, Alexander ra đi trong một vụ tai nạn máy bay riêng tại sân bay quốc tế Hellinikon ở Athens (Hy Lạp). Onassis nghi ngờ cái chết của con trai không phải do tai nạn mà là âm mưu của CIA và lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự tại Hy Lạp - Georgios Papadopoulos.

Cái chết của con trai đã ảnh hưởng mạnh tới Onassis cả về thể chất lẫn tinh thần. Chỉ một thời gian ngắn, ông mắc bệnh nhược cơ, khiến chức năng hoạt động của hệ cơ bị suy giảm.

Hai năm sau cái chết của con trai, Onassis cũng ra đi ngày 15/3/1975 do suy hô hấp kết hợp với bệnh nhược cơ, thọ 69 tuổi.

Sau đó 13 năm, Christina - con gái Onassis cũng qua đời khi còn trẻ tuổi. Cả gia đình được chôn cất trên hòn đảo Skorpios cạnh nơi an nghỉ của cả con trai và con gái.