Những điểm nhấn khó quên của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2021

21/01/2022

Thị trường ô tô du lịch Việt Nam ghi nhận hàng loạt biến động lớn, dù bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng lại mở ra nhiều cơ hội cũng như đổi mới đối với các thương hiệu ô tô.

Khó khăn do dịch COVID-19 và chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ kịp thời

Tác động của COVID-19 và giãn cách xã hội khiến ngành ô tô bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong giai đoạn giữa năm, khi hoạt động sản xuất chịu tác động kép từ dịch bệnh cũng như vấn đề thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu. Tháng 8 ghi nhận mức doanh số thấp kỷ lục với chỉ 8.884 chiếc được bán ra, theo số liệu của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

210122.1.png

Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam cũng nhanh chóng trở lại vào quý IV sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát và các hoạt động kinh doanh trở lại. Nhờ vậy, doanh số tháng 10, 11 và 12 đã tăng mạnh, lần lượt đạt 29.797, 38.656 và 43.526 chiếc (theo VAMA).

Cùng với đó, phải kể đến động thái kích cầu thị trường đã được Chính Phủ thực hiện khi ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ dành cho các loại ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ bằng 50% so với trước đây, áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Chính sách này đã một lần nữa thể hiện sự hiệu quả khi giúp doanh số xe tăng mạnh trong dịp cận Tết Nguyên đán và có thể còn kéo dài đến giữa năm 2022. Ngoài ra, nhằm tăng sức hút hơn nữa cho các mẫu xe của mình, nhiều hãng còn tung thêm các ưu đãi trị giá hàng chục triệu đồng, giúp khách hàng gần như được miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ khi đăng ký xe.

Nhìn vào bức tranh tổng thể thị trường xe du lịch năm 2021, Toyota đạt mức doanh số 69.002 xe trong năm 2021, xếp top đầu các thương hiệu ô tô đang bán ra tại Việt Nam, trong đó đóng góp đáng kể vào doanh số ấn tượng này là 2 mẫu xe nằm trong Top 10 xe bán chạy nhất năm: Vios và Corolla Cross.

Thực tế, cách tính doanh số ô tô hiện nay thường gộp chung các loại xe du lịch, xe thương mại và xe chuyên dụng trong khi khách hàng phổ thông thường chỉ quan tâm đến ô tô dưới 9 chỗ ngồi (xe du lịch). Do đó, có thể thấy lượng ô tô bán ra của Toyota trong năm 2021 rất ấn tượng, nhất là trong bối cảnh đại dịch.

Bên cạnh khó khăn và thách thức, dịch COVID-19 mang đến những hoạt động lần đầu xuất hiện và thói quen mới cho thị trường xe tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất chính là việc ra mắt ô tô trực tuyến, tăng cạnh tranh về giá bán cũng như xe điện khí hóa dần phổ biến ở nước ta.

210122.2.jpg

Ra mắt xe trực tuyến thành xu hướng

Trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng các nhà sản xuất vẫn liên tục ra mắt trực tuyến nhiều mẫu xe, bao phủ các phân khúc, từ các mẫu ô tô sang trọng như: Mercedes-Benz E-class, BMW 5-Series, loạt xe Audi... đến những mẫu xe phổ thông như: Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Ford Ranger...

Toyota cũng là một nhà sản xuất tích cực với việc lần đầu tiên ra mắt xe bằng hình thức trực tuyến cho mẫu Toyota Raize – SUV đô thị hoàn toàn mới. Có thể thấy, hãng xe Nhật Bản cũng không ngừng cải tiến chính mình, tạo nên hình ảnh một Toyota trẻ trung, năng động, “bắt trend” trong khoảng 2 năm gần đây.

Theo đó, Corolla Cross đi tiên phong với công nghệ Hybrid và gặt hái thành công khi đứng đầu phân khúc trong năm 2021 với tổng doanh số lên tới 18.411 chiếc, trong khi đó, Toyota Raize khai mở phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ hoàn toàn mới và gây tiếng vang lớn trên thị trường với doanh số 769 chiếc chỉ sau 2 tháng mở bán, dù nguồn cung hiện rất hạn chế.

Xu hướng giới thiệu xe trực tuyến thậm chí sẽ còn mở rộng trong tương lai nhờ vào hiệu quả thị giác mang lại. Thậm chí, thị trường Việt Nam đã có một số hãng xe thực hiện việc kinh doanh ô tô trực tuyến trong năm 2021. Tuy còn sơ khai nhưng việc này có thể trở thành hoạt động chính thức khi nước ta đang dần bước vào thời đại công nghệ 4.0.

210122.3.jpg

Giá bán ô tô hấp dẫn

Bên cạnh khó khăn, dịch COVID-19 còn mang đến cơ hội mua ô tô với giá cả phải chăng khi hàng loạt nhà sản xuất ra mắt xe mới buộc phải giảm giá để kích cầu trở lại. Đáng chú ý hơn, năm 2021 ghi nhận nhiều mẫu xe được nâng cấp lên thế hệ mới hoặc phiên bản mới cũng ngay lập tức được giảm giá mạnh.

Cuối năm vừa qua, rất nhiều ô tô nhập khẩu được các nhà phân phối giảm giá mạnh để tăng sức cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước với ví dụ điển hình là Honda và Subaru triển khai ưu đãi 100% cho các mẫu xe nhập khẩu trong khi Suzuki cũng thực hiện tương tự với Ertiga và giảm 50% đối với XL7.

Ngoài ra, những mẫu xe hoàn toàn mới xuất hiện lần đầu tại Việt Nam như Toyota Raize và Kia Sonet cũng có mức giá hợp lý để cạnh tranh trong phân khúc SUV đô thị, cũng như tác động đến sedan phân khúc B của thị trường. Trong đó, Toyota Raize với giá từ 527 triệu đồng đã thực sự tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường, sở hữu hàng loạt trang bị hiện đại nhưng vẫn rất rẻ so với Kia Sonet (giá từ 499 đến 609 triệu đồng).

210122.4.jpg

Đồng thời, Toyota Corolla Cross cũng được bán với giá rất hấp dẫn (từ 730 đến 920 triệu đồng), đe dọa cả các SUV phân khúc B và C trong năm 2020 và 2021. Sở hữu công nghệ Hybrid, mẫu xe này có thể tiếp tục phát triển lâu dài, đáp ứng xu thế của tương lai.

Điện khí hóa ô tô dần trở nên quen thuộc

Nếu năm 2020 đánh dấu bước chân đầu tiên của thị trường Việt Nam vào kỷ nguyên điện khí hóa với Corolla Cross Hybrid thì sang năm 2021 khách hàng nước ta đã dần làm quen với điều đó với các mẫu xe thuần điện như VinFast VF e34 hay Kia EV6 dự kiến sẽ được phân phối vào năm 2022.

Nhờ đó, khái niệm điện khí hóa không còn xa lạ trong năm vừa qua, đây là một xu hướng phát triển của tương lai giúp bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế phát thải khí độc hại từ các phương tiện cơ giới.

Tuy nhiên, theo thống kê từ VAMA, hiện xe điện khí hóa tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các xe Hybrid mà tiên phong trong đó chính là Toyota Corolla Cross với phiên bản 1.8HV. Tiếp nối thành công đó, hãng xe Nhật Bản tung ra Camry thế hệ mới vào cuối năm 2021 với tiêu điểm là phiên bản cao cấp nhất 2.5HV, sở hữu hệ thống Hybrid tự sạc hiện đại.

210122.5.jpg

Ưu điểm của xe Hybrid tự sạc đã được chứng minh trong những năm vừa qua khi người lái không cần thay đổi quá nhiều thói quen sử dụng xe vì hệ thống trên ô tô tự động thực hiện quá trình sạc và xả trong khi đang vận hành trên đường. Đây được cho là hướng đi trong tương lai gần nhằm giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không khí đang hoành hành tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn.

Với những động thái tích cực đón nhận từ người tiêu dùng, dòng xe điện khí hóa sẽ sớm trở thành những trụ cột trên thị trường, mở ra “tương lai xanh” cho Việt Nam trong thời gian tới.