Cuộc đua nhiều tỷ USD để phổ cập xe điện

29/12/2021

Nhiều tỷ USD được đổ vào công nghệ hay sản xuất pin, và đôi khi các startup lại đi nhanh hơn những thương hiệu lâu đời.

Chỉ một tuần sau khi startup của Trung Quốc là Nio ra mắt mẫu ET5 - xe điện chạy được 1.000 km mỗi lần sạc và là đối thủ mới của Tesla Model 3 - thì Huawei cũng công bố chi biết về một mẫu mới cạnh tranh với Tesla Model Y.

Vốn nổi tiếng với điện thoại di động cũng như các sản phẩm viễn thông, Huawei nói sẽ không tự sản xuất ôtô. Hãng làm việc với các hãng xe về công nghệ sử dụng trên ôtô, như công nghệ lái tự động.

Nio ET5 - xe điện có thể chạy được 1.000 km mỗi lần sạc. Ảnh: Nio
Nio ET5 - xe điện có thể chạy được 1.000 km mỗi lần sạc.

Ôtô đầu tiên với hệ thống HarmonyOS của Huawei sẽ là Aito M5 - một chiếc xe chạy bằng cả điện và xăng, theo Richard Yu, CEO của Huawei nói hôm 23/12 tại sự kiện ra mắt sản phẩm mùa đông của hãng.

Quá trình giao xe sẽ bắt đầu vào khoảng 20/2/2022. Giá bán trước ưu đãi của Aito M5 từ khoảng 39.100 USD, tức thấp hơn Tesla Model Y. Mẫu xe điện Mỹ giá khoảng từ 44.000 USD sau khi đã hưởng ưu đãi. Trong khi đó, ET5 của Nio có giá khởi điểm 51.250 USD trước ưu đãi, trong khi "đàn anh" ET7 sẽ khoảng từ 70.000 USD.

Trong 2020, Nio nhận khoản đầu tư một tỷ USD. Tháng 4 vừa qua, Huawei cho biết sẽ rót một tỷ USD vào nghiên cứu các công nghệ xe điện và tự lái, đẩy nhanh các kế hoạch cạnh tranh với Tesla và Xiaomi.

XPeng, một startup khác từ Trung Quốc, đã ra mắt 4 mẫu xe điện, gồm hai sedan và hai SUV. XPeng cũng coi Tesla là đối thủ chính, và thậm chí, thuê một cựu nhân viên chuyên về công nghệ lái tự động của Tesla. Trong quý II, hãng đã đổ gần 200 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển, gấp đôi so với cùng kỳ 2020.

Trong khi đó, các hãng ôtô truyền thống cũng tăng tốc độ trong cuộc đua xe điện. Trong số này có Nissan khi hãng Nhật đang bổ sung cho những nỗ lực điện hóa. Hãng sẽ đầu tư 18 tỷ USD đến 2030 nhằm phát triển 23 mẫu xe điện hóa, gồm cả xe hybrid và 15 mẫu thuần điện.

Kế hoạch của Nissan là 50% trong tổng số xe của hãng trên toàn cầu sẽ được điện hóa đến hết 2030. Một mục tiêu khác là đến 2028 sẽ đưa ra loại pin thể rắn với cam kết giảm chi phí, trọng lượng và thời gian sạc so với công nghệ pin hiện nay.

Pin cho xe điện tại nhà máy của Audi ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Audi
Pin cho xe điện tại nhà máy của Audi ở Brussels, Bỉ.

Toyota - vốn phản đối mạnh mẽ việc dịch chuyển sang xe điện - vừa mới đây bất ngờ cho thấy họ không nằm ngoài xu hướng và thậm chí có thể dẫn đầu làn sóng mới. Tại một sự kiện hôm 14/12, chủ tịch Akio Toyoda đứng trước 15 mẫu concept trên sân khấu, cho biết kế hoạch ra mắt 30 mẫu xe chạy pin tính đến hết 2030. Các mẫu mới gồm đa dạng sản phẩm, từ sedan, SUV, bán tải cho đến siêu xe.

Bên cạnh đó, Toyota sẽ đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy pin cho xe điện gần Greensboro, North Carolina, Mỹ, một nhà máy dự kiến sử dụng 1.750 nhân viên khi mở cửa trong 2025, theo thông báo hôm 6/12.

Hồi tháng 9, Ford nói sẽ xây dựng 3 nhà máy pin lithium-ion: hai ở Kentucky và một gần Memphis, Tennessee. Riêng hai nhà máy ở Kentucky sẽ được rót khoảng 11,4 tỷ USD.

Còn General Motors cũng đã mở nhà máy pin đầu tiên ở Lordstown, Ohio, nhằm cung cấp pin cho dòng bán tải mới GMC Hummer. Ba nhà máy pin khác ở Bắc Mỹ sẽ được xây dựng tiếp theo với mỗi nơi sẽ tốn hàng tỷ USD khác.

Audi muốn đầu tư 20 tỷ USD vào điện hóa trong thời gian 2022-2026. Stellantis và Mercedes nằm trong số các hãng xe khác đã ký kết các kế hoạch có thêm các nhà máy pin ở Bắc Mỹ. Tesla cũng có kế hoạch đầu tư 8 tỷ USD vào một nhà máy pin xe điện ở Đức.

Tại Việt Nam, ngày 25/12, VinFast sẽ bàn giao những chiếc xe điện VF e34 đầu tiên cho khách hàng, đánh dấu điểm bắt đầu cho cuộc chơi không khí thải ở tầm giá phổ thông. VinFast cũng là dự án tâm huyết, ngốn nhiều tiền của Vingroup với những kế hoạch táo bạo mà hiếm hãng xe nào trong ngành đặt ra. Sau VF e34, hãng sẽ nhận đặt hàng VF e35, VF e36 trên toàn cầu và tiến tới ra mắt thêm 3 mẫu xe điện nữa ở các phân khúc A, B, C.