Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý An toàn Giao thông đường bộ Mỹ vào tháng 11 vừa qua, có 826 chiếc Tesla Model Y nằm trong diện triệu hồi lần này. Nguyên nhân nằm ở các khớp nối trong hệ thống treo không đạt độ bền cao, có khả năng biến dạng hoặc gãy dễ dàng. Tesla cảnh báo lỗi này có thể gây ra sự mất ổn định, ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe và tăng nguy cơ va chạm.
Mặc dù chỉ có 1% trong tổng số 826 chiếc Model Y được triệu hồi bị ảnh hưởng bởi lỗi này, Tesla sẽ kiểm tra toàn bộ các khớp nối trong hệ thống treo của những chiếc xe có khả năng bị ảnh hưởng, từ đó sẽ thay thế linh kiện miễn phí cho khách hàng.
Tesla tiếp tục triệu hồi Model Y vì lỗi hệ thống treo.
Đây là lần triệu hồi thứ 3 của hãng xe Mỹ trong tháng 11 vừa qua. Trước đó, đầu tháng 11, Tesla đã phải triệu hồi khoảng 11.704 xe, bao gồm các mẫu Model S, Model X, Model Y và Model 3, sau khi xác định rằng tính năng tự lái có thể khiến hệ thống cảnh báo va chạm phía trước (FCW) và hệ thống phanh tự động khẩn cấp (AEB) hoạt động sai.
Ngày 26/11 vừa qua, Tesla đã phải triệu hồi 7.600 xe, bao gồm các mẫu Model S và Model Y, sau khi xác định túi khí có thể không bung hết cỡ khi va chạm, dẫn đến việc dễ rách túi khí, khiến hiệu quả trong việc bảo vệ an toàn cho người trong xe giảm xuống.
Tesla liên tiếp thông báo các đợt triệu hồi trong tháng 11.
Mặc dù vậy, Tesla vẫn đạt được thành tựu nhất định khi cán mốc 30.000 trụ sạc nhanh trên toàn cầu tính đến ngày 11/11. Theo chuyên trang InsideEVs, Tesla đã bổ sung khoảng 2.400 trụ sạc nhanh mới mỗi quý. Tính đến cuối tháng 9, Tesla đã có 3.254 trạm sạc nhanh, mỗi trạm có đến 9-80 trụ.
Các trụ sạc nhanh của Tesla cung cấp tốc độ sạc lên đến 250 kW nhưng không làm thay đổi điện áp.
Mặc dù Tesla cung cấp Supercharger thế hệ thứ ba với tốc độ sạc lên đến 250 kW, hệ thống này không thay đổi điện áp trên bất kỳ mẫu xe nào của hãng, cụ thể ở khoảng 450V. Các hãng xe điện mới như Lucid và những mẫu xe điện mới như Kia EV6, Hyundai Ioniq 5, BYD Dolphin và Porsche Taycan đều áp dụng điện áp trên 800V.