Thuyền viên nghỉ việc, chuỗi cung ứng toàn cầu trên bờ vực sụp đổ

04/10/2021

Mắc kẹt trên biển suốt 18 tháng, hàng trăm nghìn thuyền viên đồng loạt nghỉ việc, hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu trên bờ vực sụp đổ.

041021.30.jpg

Thuyền viên - những người giúp hàng hoá lưu thông trên toàn thế giới đã "không thể chịu đựng thêm được nữa". Tờ CNN đưa tin, các thuyền viên, tài xế xe tải và nhân viên hàng không đều đang phải chịu đựng việc kiểm dịch, hạn chế đi lại và các yêu cầu phức tạp về tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 để giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động trong thời gian đại dịch.

Nhưng nhiều công ty hiện đang đạt đến ngưỡng không thể chịu đựng thêm được nữa, gây ra một mối đe dọa khác đối với mạng lưới các cảng, tàu container và các công ty vận tải đường bộ vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới. Mọi thứ đang trở nên rối ren.

Trong một bức thư ngỏ hôm thứ tư gửi các nguyên thủ quốc gia tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS) và các nhóm ngành khác đã cảnh báo về một "sự sụp đổ hệ thống giao thông toàn cầu" nếu các chính phủ không khôi phục quyền tự do đi lại cho công nhân vận chuyển và cho họ được ưu tiên tiêm các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận.

ICS viết: "Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu trở nên khó khăn khi căng thẳng kéo dài hai năm đối với công nhân vận tải". Bức thư cũng đã được ký bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Vận tải Đường bộ Quốc tế (IRU) và Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF). Họ cùng nhau đại diện cho 65 triệu công nhân vận tải trên toàn cầu.

"Tất cả các lĩnh vực vận tải cũng đang thiếu hụt nhân công và dự kiến thời gian tới sẽ còn thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa, khiến chuỗi cung ứng bị đe dọa lớn hơn".

Guy Platten, tổng thư ký của ICS, cho biết tình trạng thiếu công nhân có khả năng trầm trọng hơn vào cuối năm vì các thuyền viên có thể không muốn ký các hợp đồng mới khiến họ có nguy cơ không về nhà vào dịp Giáng sinh do cảng đóng cửa và những thay đổi liên tục đối với các hạn chế đi lại.


Chuỗi cung ứng mong manh

Điều đó sẽ tạo ra áp lực lên các chuỗi cung ứng vốn đang rất mong manh. Từ đó, có thể làm trầm trọng thêm những thách thức hiện tại đối với nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu ở Anh.

Stephen Cotton, Tổng thư ký ITF cho biết: "Chuỗi cung ứng toàn cầu rất mỏng manh và phụ thuộc nhiều vào các thuyền viên từ Philippines cũng như tài xế xe tải để giao hàng. Đã đến lúc những người đứng đầu chính phủ phải đáp ứng những nhu cầu này của người lao động".

Khi Karynn Marchal và thủy thủ đoàn của cô ấy được thông báo rằng họ sẽ không được phép lên bờ khi cập cảng ở Hokkaido, Nhật Bản. Họ cảm thấy rõ sự tổn thương lớn về mặt tinh thần. "Không ai trong chúng tôi biết sự việc sẽ diễn ra trong bao lâu", vị giám đốc 28 tuổi của một con tàu chở ô tô nói với CNN Business. Marchal và hàng trăm nghìn người đi biển như cô ấy đã không được phép lên bờ kể từ 18 tháng trước.

Sau nhiều tuần trên một con tàu, một vài giờ được lên bờ, vào đất liền cũng có thể giúp họ có thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Nhưng những người đi biển chỉ có thể rời tàu để đi nơi khác, thường là để trở về nhà. Marchal tự coi mình là "một trong những người may mắn hơn", bởi vì cô ấy ít nhất đã có thể về đến nhà ở Mỹ. Cô nói: "Có những người đã bị mắc kẹt trên biển hơn một năm".

Thời kỳ đầu của đại dịch, nhiều thuyền viên đã đồng ý gia hạn hợp đồng thêm vài tháng để giữ cho nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men và các mặt hàng tiêu dùng khác đi khắp thế giới. Việc tạm ngưng đường hàng không và đóng cửa biên giới đã khiến việc di chuyển của công nhân từ nơi này sang nơi khác trên thế giới gần như không thể thực hiện được.

Theo ICS, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng vào năm 2020, 400.000 thuyền viên đã không thể rời tàu để đổi tàu định kỳ, một số làm việc suốt 18 tháng và quyết định chấm dứt hợp đồng.