Luồng xanh vận tải đường thủy phát huy thế mạnh trong đại dịch Covid-19

29/09/2021

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, Bộ GTVT đã có những chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong việc triển khai "luồng xanh" đường thủy vận chuyển hàng hóa thiết yếu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

"Luồng xanh" vận tải thủy đã giúp khơi thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam

Khơi thông hàng hóa

Để tháo gỡ vướng mắc vận tải trong thời gian các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phía Nam tận dụng tuyến luồng, cảng, bến, phương tiện đường thủy nội địa hiện có để sử dụng vận chuyển hàng hóa thiết yếu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Bộ GTVT cũng nhất trí ủng hộ chủ trương sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn khác khi có nhu cầu.

Là địa phương đi đầu trong việc triển khai “luồng xanh” đường thủy ngay từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam triển khai “luồng xanh” đường thủy để hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Việc chuyển lương thực, hàng thiết yếu trở thành nhu cầu quan trọng được đặt ra. Vì vậy, sáng kiến “luồng xanh” đường thủy trong quản lý vận tải đã ra đời nhằm không làm đứt gãy việc cung ứng và lưu thông hàng hóa tại các địa phương.

Ông Trần Song Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (đơn vị vận tải hàng hóa theo “luồng xanh” đường thủy) cho biết: “Vận chuyển bằng đường thủy chỉ có 1 điểm đầu và 1 điểm đến, tất cả công tác an toàn phòng dịch được đảm bảo cao nhất. “Luồng xanh” đường thủy được triển khai là cung đường có tiềm năng cực kỳ lớn bởi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây có hệ thống sông ngòi dày đặc, lưu thông nhanh, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Phương án tạo “luồng xanh đường thủy” sử dụng tàu cao tốc vận chuyển hàng rau củ quả, thủy hải sản tươi sống đến TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ thêm cho đường bộ, giúp cho hàng hóa từ các tỉnh đến thành phố và ngược lại lưu thông nhanh hơn”.

“Mỗi chuyến tàu cao tốc có thể chở khoảng 20 tấn rau, củ, quả, tương ứng với khối lượng vận tải của 30 - 40 xe tải nhỏ. Cho đến nay, chúng tôi đã đưa vào vận hành 5 tàu cao tốc thực hiện kết nối chuỗi cung ứng rau, củ, quả này. Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, đội ngũ nhân viên tàu cao tốc đã được tiêm vaccine, hoạt động rất chuyên nghiệp. Quá trình vận chuyển, đội ngũ lái tàu, nhân viên đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch Covid-19”, ông Hải cho biết thêm.

Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đánh giá “luồng xanh” đường thủy là thiết yếu để vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, hình thức này còn đảm bảo phòng, chống dịch vì người lái tàu không lên bờ, tất cả phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Ngoài ra, việc áp dụng triển khai “luồng xanh” đường thủy đồng bộ tại các tỉnh, thành sẽ giúp vận chuyển hàng hóa rút ngắn thời gian, có thể mang những loại nông sản, hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Chuyến tàu cao tốc vận chuyển nông sản từ miền Tây lên TP. Hồ Chính Minh

Phát huy tiềm năng đường thủy

Sau khi TP. Hồ Chí Minh áp dụng triển khai hiệu quả “luồng xanh” vận tải thủy, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, quyết định tổ chức việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản bảo đảm phù hợp thẩm quyền và tình hình thực tế tại địa phương. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GTVT chủ trì tổng hợp nhu cầu việc sử dụng phương tiện thủy nội địa, tàu cao tốc thuộc địa bàn quản lý và phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để triển khai các nhiệm vụ cần thiết theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để thực hiện việc sử dụng tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn khác khi có nhu cầu, bảo đảm ATGT và phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đang vào lúc thu hoạch cao điểm. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành trong vùng đang thực hiện giãn cách xã hội khiến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc khơi thông “luồng xanh” vận tải thủy cũng đã góp phần vận chuyển hiệu quả gạo xuất khẩu cho cả vùng Tây Nam bộ.

Theo một số doanh nghiệp vận tải và xuất khẩu gạo lớn trong vùng, để “luồng xanh” đường thủy phát huy hiệu quả, các địa phương cần có sự thống nhất, đồng bộ trong các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Việc tạo “luồng xanh” đường thủy không chỉ quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng lúa gạo mà sắp tới còn để thúc đẩy lưu thông cho gần 1,5 triệu tấn rau củ và 1,7 triệu tấn trái cây của đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến cuối năm 2021.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Việc xây dựng “luồng xanh” vận tải thủy trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là rất cần thiết, nhằm san sẻ gánh nặng với vận tải hàng hóa đường bộ, đồng thời giúp vận tải thủy khai thác tối đa tiềm năng vốn có của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực vận tải hàng hóa. Trên thực tế, vận tải hàng hóa bằng đường thủy tại các tỉnh phía Nam có những lợi thế rất lớn bởi nơi đây vốn có sẵn mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một quy trình kiểm dịch thống nhất và chặt chẽ cho tất cả các địa phương để “luồng xanh” vận tải thủy đánh thức nguồn lực nội tại”.