Cục Đăng kiểm Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 32 Nhóm công tác ASEAN về sản phẩm xe cơ giới (APWG)

09/09/2021

Trên cương vị Chủ tịch APWG trong năm 2021, Việt Nam đã điều hành thành công nhiều phiên họp trực tuyến, đề xuất tổ chức phiên họp đặc biệt nhằm trao đổi và thúc đẩy quá trình triển khai áp dụng MRA đúng tiến độ, thực hiện hiệu quả chương trình hành động APWG giai đoạn 2016-2025.

 

Đoàn Cục ĐKVN tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xe cơ giới, được sự đồng ý của Cục trưởng, Đoàn công tác của Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã tham dự Hội nghị lần thứ ba của Uỷ ban Xe cơ giới ASEAN (ASEAN Automotive Committee - AAC) và Hội nghị lần thứ 32 của Nhóm công tác ASEAN về sản phẩm xe cơ giới (Automotive Product Working Group - APWG) được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ 7-8/9/2021. Tham gia các Hội nghị có hơn 110 đại biểu đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, đại diện của Liên đoàn ô tô Đông Nam Á (ASEAN Automotive Federation - AAF), đại diện thường trực Nhóm chuyên gia quốc tế (International Expert Liasion Officer - IELO), Ban Thư ký ASEAN và các bên đối tác của ASEAN.

Hội nghị APWG lần thứ 32 được tiến hành dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục ĐKVN - Chủ tịch APWG.

Tại hai phiên họp, các đại biểu đã tiếp tục góp ý dự thảo Hướng dẫn thực hiện "Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới" (ASEAN Mutual Recognition Arrangement on Type Approval for Automotive Products – APMRA), xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện APMRA theo đúng lộ trình đã đề ra; cập nhật về quá trình áp dụng thử/thí điểm việc hài hòa chứng nhận (Trial Run) APMRA đối với tiêu chuẩn UN-ECE R41 và R51 (độ ồn), đồng thời đề xuất kế hoạch áp dụng thử/thí điểm đối với UN-ECE R28. APWG cũng đã thảo luận tình hình áp dụng các Tiêu chuẩn UN-ECE tại các quốc gia thành viên, thống nhất lộ trình hài hòa đối với 19 UN-ECE trong giai đoạn 1, cập nhật thông tin và xây dựng lộ trình thực hiện 22 UN-ECE trong giai đoạn 2, các thủ tục chứng nhận sản phẩm ô tô, khí thải, xây dựng lộ trình hướng tới việc gia nhập Hiệp định UNECE 1958 của các quốc gia thành viên ASEAN. 

IMG_2557.1.jpg

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục ĐKVN - Chủ tịch APWG chủ trì Hội nghị.

Để triển khai chương trình hành động đã được Hội nghị thông qua, trong thời gian tới, APWG/AAC sẽ gấp rút nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện văn bản huớng dẫn việc thực hiện APMRA; hoàn tất và tổng kết đánh giá quá trình áp dụng thử/thí điểm trong tháng 12 đối với các UN-ECE R41, R51, R28 (còi) và R13H (phanh xe ô tô con); góp ý xây dựng mẫu báo cáo thử nghiệm phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh các cuộc đối thoại, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ huật với các đối tác của ASEAN (Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ,…).

Được sự uỷ quyền của Bộ Giao thông vận tải, Cục ĐKVN là đầu mối tham dự các cuộc họp APWG. Trong thời gian qua, hoạt động của APWG đạt được kết quả nổi bật đó là kết thúc đàm phán và các nước ASEAN ký kết thành công "Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới" vào ngày 16/01/2021 tại Nây-pi-tô, Cộng hoà Liên bang My-an-ma. Thoả thuận này sẽ có hiệu lực và chính thức áp dụng kể từ ngày 17/01/2022. Mục đích của Thỏa thuận MRA nhằm giúp các nước ASEAN tăng cường việc sử dụng hiệu quả và phát triển năng lực của cơ sở thử nghiệm tại các Quốc gia thành viên, đồng thời cũng tiết kiệm được nguồn nhân lực và vật lực trong công tác kiểm tra, thử nghiệm do có thể thừa hưởng các kết quả kiểm tra, thử nghiệm trên cùng một tiêu chuẩn của các nước thành viên mà không phải thực hiện lại một cách trùng lặp, qua đó tạo điều kiện cho thương mại hàng hóa cũng như ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, xe cơ giới phát triển của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong giai đoạn đầy khó khăn và thách thức bởi dịch bệnh Covid-19, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, trên cương vị Chủ tịch APWG trong năm 2021, Việt Nam đã điều hành thành công nhiều phiên họp trực tuyến, đề xuất tổ chức phiên họp đặc biệt nhằm trao đổi và thúc đẩy quá trình triển khai áp dụng MRA đúng tiến độ, thực hiện hiệu quả chương trình hành động APWG giai đoạn 2016-2025./.