Quốc hội ban hành Nghị quyết hỗ trợ Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19

09/08/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Trách nhiệm và áp lực thời gian

Trước đó, vào ngày 05/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1067/TTg-KGVX đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 30/2021/QH15). Đến ngày 06/8/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 1071/TTg-KGVX đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khác với quy định của luật.

Trước tình hình cấp bách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo gấp Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra các nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Ngay lập tức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì các cuộc họp với các Uỷ ban liên quan thảo luận về các nội dung trình của Chính phủ để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Phiên họp 

Với tinh thần tích cực, khẩn trương, đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, 16h30 ngày 06/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và quyết định các nội dung theo thẩm quyền.

Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý 04 nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ quy đinh khác với quy định của luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có Tờ trình chính thức; đồng thời giao Tổng Thư ký Quốc hội và Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện các văn bản và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành với tinh thần khẩn trương, gấp rút, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện cho Chính phủ ban hành Nghị quyết một cách sớm nhất.

Ngay trong đêm 06/8/2021, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, thay măt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào chiều tối ngày 06/8/2021

Để có được tiến độ đó, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội cũng như Chính phủ đã làm hết sức khẩn trương, không quản ngày đêm hay cuối tuần để giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa bảo đảm đúng quy định.

Áp lực đặt ra với Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ về mặt thời gian mà cả về trách nhiệm to lớn. Theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ liên tục nhắc nhở: đây là trách nhiệm vô cùng lớn của tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, khi quyết định vấn đề này Ủy ban Thường Quốc hội cần ban hành Nghị quyết riêng.

Việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – văn bản có giá trị pháp lý cao, sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện; điều này thể hiện sự ủng hộ đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ; đồng thời là trách nhiệm, chặt chẽ, đúng đắn nhưng cũng nhanh chóng và quyết liệt trong hoạt động của tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội với sự dẫn dắt của Chủ tịch Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho phép ban hành Nghị quyết của Chính phủ có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV, trong đó có các nội dung:

- Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19, đồng thời là giấy phép hoạt động;

- Giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch;

- Giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Đối với đề nghị quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19; đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Lưu ý trong quá trình tổ chức thực hiện

Cho ý kiến ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo theo Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết và cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đã lây lan ra rất nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Nghị quyết đã bám sát, cơ bản thống nhất với Nghị quyết số 30/2021/QH15, do đó tán thành với nhiều nội dung, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh thêm dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tại Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý các nội dung về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; bố trí kinh phí; các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng Covid-19, tài sản mua sắm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và tổ chức thực hiện.

Theo đó, để khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương thời gian qua, đề nghị Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại điểm 3.1 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động áp dụng một cách linh hoạt song vẫn bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán. Trong dự thảo Nghị quyết không nên sử dụng các từ ngữ không rõ về nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn” để tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho các địa phương trong việc áp dụng, thậm chí có thể tạo ra sự tùy tiện, thiếu nhất quán giữa các địa phương hoặc áp dụng vượt quá mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện “mục tiêu kép” của cả nước.

Về việc lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng Covid-19, đề nghị Chính phủ cần đưa ra một Chiến lược tổng thể về vắc xin, trong đó có cơ chế phân bổ, sử dụng và phác đồ tiêm vắc xin thống nhất trên toàn quốc. Cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cấp giấy lưu hành thuốc điều trị và vắc xin phòng Covid-19, kể cả khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp thì các bước quan trọng, các tiêu chí bắt buộc cũng không được bỏ qua. Đồng thời, cần cung cấp đầy đủ các dữ liệu khoa học của tất cả các bước thử nghiệm thuốc, vắc xin; tổ chức đánh giá dữ liệu này một cách cẩn trọng, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các văn bản để phân định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và xem xét, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội./.