Cần xây dựng “cẩm nang” vận tải trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19

09/08/2021

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về công tác vận tải gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội diễn ra vào chiều 06/8.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp 

Không để xảy ra tình trạng ùn tắc hoặc chậm xử lý ùn tắc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, các địa phương, các Sở GTVT không được để xảy ra tình trạng ùn tắc hoặc xảy ra ùn tắc giao thông mà chậm xử lý. Phải đảm bảo hàng hóa được lưu thông; ùn ứ tại địa phương nào địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương thống kê các phương án hoạt động, kinh nghiệm tổ chức, quản lý giao thông của những địa phương khi áp dụng Chỉ thị 15,16 một cách thật cụ thể chi tiết cho từng trường hợp, để từ đó hình thành nên “Cẩm nang” ứng phó với dịch Covid-19.

Nhằm thực hiện tốt “Mục tiêu kép”, các Tổng cục, Cục cần xây dựng phương án cụ thể của ngành mình, từ đó phối kết hợp với các ngành khác, các địa phương để đảm bảo hoạt động giao thông vận tải trong lĩnh vực của mình được thông suốt.

Cụ thể như Cục Hàng hải VN, rút kinh nghiệm từ việc ách tắc hàng hóa tại Cảng Cát Lái vừa qua, cần ban hành quy trình, phương án nhằm đảm bảo hoạt động tại tất cả các cảng, không xảy ra ùn ứ, chủ động chuẩn bị các bãi hàng dự phòng để giải phóng cảng khi cần thiết.

Đối với vận tải thủy nội địa, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đây là cơ hội để đường thủy phát huy và phát triển. “Phải xây dựng tuyến đường thủy, nhân rộng mô hình, khuyến cáo các địa phương sử dụng phương thức vận tải thủy nội địa - phương thức vận tải số lượng lớn và ít khả năng lây nhiễm”, Bộ trưởng nói.

Hiện nay, vẫn có nhiều trường hợp người dân cần tham gia giao thông bằng đường hàng không, vì vậy Cục Hàng không cần phối hợp với Cục Y tế xây dựng và công bố rộng rãi quy trình, thủ tục đi lại cho nhân dân, đảm bảo an toàn.

Cục Y tế cần xây dựng phương án tiếp nhận và tiêm 100 nghìn liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ. đồng thời bám sát Bộ Y tế để ban hành quy trình kiểm soát dịch đối với những người tham gia vào hoạt động vận tải.

Các sở GTVT học hỏi kinh nghiệm, các mô hình triển khai của các địa phương khác để xây dựng các kịch bản áp dụng tại địa phương cho phù hợp và có hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch.

Tại cuộc họp Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc đã báo cáo với Bộ trưởng một số nội dung triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GTVT.

Vụ Vận tải đã tham mưu 10 văn bản chỉ đạo và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để tổ chức tốt công tác phục vụ vận tải trong khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Y tế hỗ trợ các địa phương thực hiện triển khai lưu động xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, tránh ùn tắc giao thông và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch tại các khu vực kiểm soát; Khảo sát, đánh giá tác động của việc thực hiện giãn cách xã hội đến lĩnh vực giao thông vận tải; hướng dẫn các địa phương triển khai, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua vùng dịch.

Các Tổng cục, các Cục chuyên ngành xây dựng quy trình vận tải trong tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các điểm nghẽn giao thông cơ bản được giải tỏa

Các Tổng cục, các Cục chuyên ngành và Sở GTVT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo sự chỉ đạo của Bộ GTVT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương trong việc tạo thuận lợi vận chuyển hàng nông sản. Cũng như phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các địa phương về đánh giá việc cung ứng, vận chuyển hàng hóa đi vào hoặc đi qua vùng có dịch, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam) phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để giải phóng hàng ở Cảng Cát Lái. Đến hôm nay (6/8) hàng hóa tại cảng Cát Lái đã giảm, không còn hiện tượng ùn tắc tại cảng.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện làm Tổ phó tiếp tục thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra về tình hình giao thông và hoạt động vận tải tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Về tình hình cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh, theo thống kê của Sở GTVT TP HCM, luỹ kế đến thời điểm báo cáo cấp được 66.956 xe; Theo thống kê trên hệ thống của Tổng cục ĐBVN, luỹ kế đến thời điểm báo cáo 63 Sở GTVT đã cấp được 208.670 xe. Tổng cộng đến thời điểm báo cáo, 63 Sở GTVT đã cấp được 275.626 xe.

Ở phía Bắc, trên tuyến QL5: Từ 8h ngày 05/8/2021, các lực lượng chức năng TP Hải Phòng đã đưa chốt Km87+750 (bên phải tuyến) vào hoạt động nhằm giảm tải cho chốt Km81+500 (bên phải tuyến). Chốt Km87+750 có nhiệm vụ kiểm tra giám sát các xe tải 04 trục trở lên, xe container, xe đầu kéo; Chốt Km81+500 có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các phương tiện còn lại.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến, đề xuất đã được trao đổi giữa các địa phương, giữa địa phương với Tổng cục ĐBVN cũng như các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT để tháo gỡ sớm nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất công tác đảm bảo vận tải trong giai đoạn dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm như hiện nay.

Lãnh đạo các Sở GTVT các địa phương đã  tập trung nêu ý kiến về việc quản lý chặt chẽ để đảm bảo lái xe hạn chế tiếp xúc trước, trong và sau khi vận chuyển; việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid -19 cho lái xe và có quy định riêng với những lái xe đã tiêm đủ 2 mũi...