Gỡ khó nguồn nhân lực để đội tàu biển Việt Nam vượt "bão" Covid-19

05/07/2021

Tới đây, Cục Hàng hải sẽ kiến nghị thiết lập một tổ công tác tháo gỡ khó khăn liên quan đến thuyền viên để tạo thuận lợi cho đội tàu biển...


gỡ khó nguồn nhân lực để đội tàu biển việt nam vượt "bão" covid-19

Đội tàu biển Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực về sản lượng hàng hóa vận tải trong hai quý đầu năm 2021.

Tăng mạnh sản lượng vận tải trong mùa dịch Covid-19

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn đạt gần 82 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam đạt 1,48 triệu TEUs, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời,...

“Đội tàu biển Việt Nam trên các chặng quốc tế cũng có sự khởi sắc về khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đạt gần 4,7 triệu tấn, tăng tới 54% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng hiếm có của đội tàu biển Việt Nam, chủ yếu vận tải trên các tuyến như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu”, đại diện Cục Hàng hải VN thông tin.

“Tính đến ngày 20/6/2021, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.503 tàu (đội tàu vận tải biển là 1.043 tàu) với tổng trọng tải khoảng 12 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7,6 triệu GT.

Trong đó, số lượng tàu hàng rời, tổng hợp có 737 tàu; tàu chở dầu, hóa chất có 186 tàu; tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 19 tàu; đội tàu container có 38 tàu; tàu chở khách có 63 tàu.

Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc, đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.”

Việc gia tăng lượng hàng hóa vận chuyển của đội tàu biển Việt Nam góp phần duy trì sự tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam nói chung.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa cảng biển Việt Nam tiếp nhận ước đạt gần 363 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt gần 93 triệu tấn, tăng 10%, hàng nhập khẩu đạt hơn 113 triệu tấn, tăng 3%; Hàng nội địa đạt 155,5 tấn, tăng 7%. Riêng khối lượng hàng container ước đạt 12,4 triệu TEUs, tăng tới 22% so với năm trước.

Gỡ khó nguồn nhân lực duy trì đội tàu

Dù kết quả hoạt động trong mùa dịch khả quan, song, theo một lãnh đạo Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco), hiện công tác vận hành đội tàu biển của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vướng mắc nhất là việc thay thế thuyền viên trong nước do thiếu chỗ cách ly tập trung có chi phí phù hợp với chủ tàu Việt Nam. Một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu bố trí khu cách ly ở khách sạn với giá khá cao, từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/ngày.

Không chỉ vậy, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ tàu muốn thay thế thuyền viên phải thông báo trước 7 ngày cho cơ quan chức năng. Quy định này gây khó khăn cho chủ tàu/đại lý trong trường hợp phải thay thế thuyền viên đột xuất hoặc do thiếu thuyền viên nên chưa thể chốt được danh sách thuyền viên sớm để báo cáo.


gỡ khó nguồn nhân lực để đội tàu biển việt nam vượt "bão" covid-19

Chủ tàu mong thời gian tới, quy định về việc thay thế thuyền viên tại Việt Nam sẽ thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực tốt vận hành đội tàu hiệu quả.

“Tại Hải Phòng, khi tàu lên đà sửa chữa, địa phương/nhà máy sửa chữa yêu cầu toàn bộ thủy thủ đoàn phải cách ly tập trung 21 ngày và tiếp tục cách ly 7 ngày tại nơi lưu trú, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 7 mới được coi là hoàn thành cách ly.

Trong khi đó, thời gian hoàn thành công việc sửa chữa của mỗi tàu trung bình chỉ khoảng 20 ngày. Quy định thời gian cách ly khiến quá trình khai thác phương tiện của chủ tàu bị ngưng trệ và phát sinh nhiều chi phí”, lãnh đạo Vosco chia sẻ và kiến nghị, trước mắt cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần xem xét, giảm thời gian nộp công văn xin thay thế thuyền viên xuống còn 3 ngày.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Hàng hải Liên Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực vận hành tàu, từ tháng 3/2020 - 12/2020, công ty Liên Minh đã bố trí 29 lượt tàu đưa 313 thuyền viên về thay thế tại các cảng Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, công ty tiếp tục tổ chức cho 11 lượt tàu với 180 thuyền viên được thay. Có chuyến tàu chi phí thay thế lên đến gần 3 triệu USD.

“Trước áp lực lớn về tài chính trong công tác thay thế, doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương có cảng biển sẽ có chính sách miễn giảm phí, lệ phí cho tàu có thuyền viên Việt Nam về với mục đích chỉ để thay thuyền viên; Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho khối thuyền viên dự trữ”, ông Dương đề xuất.

Liên quan đến những khó khăn trên, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN khẳng định, thời gian tới, cơ quan này sẽ kiến nghị thiết lập một tổ công tác tháo gỡ tất cả các khó khăn liên quan đến thuyền viên, tạo “cổng một cửa” trợ giúp thuyền viên giải quyết các vướng mắc để được thay thế trong thời gian sớm nhất.