Cải cách thủ tục hành chính GTVT: Doanh nghiệp người dân ngày càng hài lòng

28/06/2021

So sánh với chỉ số cải cách hành chính năm 2019, có 15/17 Bộ có giá trị tăng cao hơn, trong đó, Bộ GTVT tăng nhiều nhất (5,4%).



Cải cách thủ tục hành chính GTVT: Doanh nghiệp người dân ngày càng hài lòng 1

Người dân đến thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ VN

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 (SIPAS 2020) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố (PAR INDEX 2020). So sánh với chỉ số PAR INDEX năm 2019, có 15/17 Bộ có giá trị tăng cao hơn, trong đó, Bộ GTVT là đơn vị tăng nhiều nhất (5,4%).

"Số hóa”, đỡ vất vả trong mùa dịch

Có mặt tại Bộ phận một cửa nhận, trả kết quả thủ tục đăng kiểm tại tầng 1 trụ sở Cục Đăng kiểm VN, PV Báo Giao thông ghi nhận, bàn ghế khu vực dành cho khách đến làm thủ tục rất sạch sẽ, có nước uống và wifi miễn phí. Hầu hết khách hàng đến chỉ mất ít phút để ký tên để nhận kết quả giải quyết thủ tục.

Anh Trần Hữu Vân, nhân viên một doanh nghiệp nhập khẩu mô tô chia sẻ: “Hồ sơ đề nghị kiểm tra chất lượng các xe nhập khẩu đều được gửi qua mạng, sau khi kiểm tra thực tế xong được hẹn ngày có kết quả. Phí, lệ phí kiểm định có thể trả qua mạng hoặc trực tiếp và được nhận hóa đơn điện tử nên rất nhanh gọn”.

Bộ GTVT cho biết, sẽ thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Rất nhiều khách đến làm thủ tục nộp, nhận kết quả thẩm định hồ sơ cải tạo phương tiện thủy bày tỏ: “Trong thời gian chờ đến hẹn nhận kết quả, nếu cần chỉnh sửa thiết kế chỉ cần gửi qua mạng, không phải đi chạy đi chạy lại. Nếu không muốn đến tận nơi nhận kết quả thẩm định thì được gửi qua bưu điện”.

Bộ phận giải quyết thủ tục một cửa của Cục Đăng kiểm VN cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, hơn 8.000 hồ sơ, kết quả thủ tục trong lĩnh vực đăng kiểm được trả sớm hơn hoặc đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân, đạt tỷ lệ 98%.

Ông Lê Việt Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (Bisco) cho biết, trước đây, khi làm thủ tục theo phương thức truyền thống (thủ tục giấy), người làm thủ tục phải gửi fax hoặc gửi trực tiếp các hồ sơ theo quy định. Khi làm thủ tục phải đến văn phòng, trình các loại giấy tờ để cảng vụ kiểm tra, nếu có giấy tờ chưa hợp lệ, sẽ bị trả lại để tiếp tục sửa đổi, bổ sung làm phát sinh lớn quỹ thời gian, có khi mất đến 2 - 3 ngày.

Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào - rời cảng biển được “điện tử hóa” trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, thời gian hoàn thiện thủ tục được rút ngắn khoảng 60%.

“Việc số hóa thủ tục hành chính đang giúp doanh nghiệp hưởng lợi rất nhiều trong mùa dịch. Hiện tại, ngoại trừ các thủ tục phát sinh do đặc thù quản lý, doanh nghiệp thoát được nỗi lo phát sinh thời gian làm thủ tục do chính sách giãn cách, hạn chế đi lại của địa phương”, ông Trung nói.

Đối với lĩnh vực đường thủy, ông Đoàn Trường Sơn, Phó phụ trách Phòng Pháp chế - thanh tra, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, bên cạnh tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua môi trường điện tử và Bộ phận một cửa tại trụ sở, lực lượng cảng vụ đường thủy thực hiện cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến tại cảng bến, giúp người làm thủ tục không phải tới tận trụ sở cảng vụ như trước.

“Cơ chế hoạt động bến thủy cũng linh hoạt hơn, doanh nghiệp chỉ cần đủ điều kiện về vùng nước sẽ được cấp phép hoạt động chuyển tải, bốc xếp hàng hóa trên đường thủy, thay vì phải kèm điều kiện về đất đai như trước”, ông Sơn thông tin.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục ĐKVN

Cắt giảm thủ tục, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho biết, về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 vừa được công bố, Bộ GTVT là Bộ có giá trị tăng cao nhất (14,3% điểm) so với năm 2019, đạt 8,79 điểm (điểm tối đa là 9).

Về xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý Nhà nước, Bộ GTVT đạt 13,75 điểm, đứng thứ 5 trong tổng số 17 bộ, ngành.

Kết quả này có được nhờ việc lãnh đạo Bộ GTVT luôn xác định công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về chất lượng cũng như tiến độ.

Với công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ GTVT đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, tích cực rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức và sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc để nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận một cửa…

Trong năm 2021, Bộ GTVT đã lên kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2021 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021; Tiếp tục phấn đấu nâng xếp hạng nhóm chỉ số hạ tầng theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF lên từ 3 - 5 bậc.

Cùng đó, Bộ GTVT sẽ thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành như: Áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hóa sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.

100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn

Ông Trần Trường Giang, Chánh văn phòng Cục Đường sắt VN cho biết, hiện người dân, doanh nghiệp chủ yếu thực hiện các thủ tục hoàn toàn qua mạng theo dịch vụ công trực tuyến cấp 3, cấp 4.

Đối với dịch vụ một cửa, một cửa liên thông, người dân có thể thực hiện qua mạng, gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Cục nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa.

“Nhưng thực tế rất hiếm trường hợp người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp vì thực hiện qua mạng rất thuận tiện. Hơn nữa, dù người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ, đăng ký thủ tục theo hình thức nào thì tại bộ phận một cửa của Cục, nhân viên thường trực cùng nhân viên các phòng chức năng kiểm tra hồ sơ, nếu đầy đủ sẽ tiếp nhận, xử lý theo đúng quy trình, thời gian quy định. Nếu chưa đủ hồ sơ, thủ tục sẽ thông báo, trả lại và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục”, ông Giang nói.

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, Cục đã cấp 1.066 lượt hồ sơ gồm: 5 thủ tục cấp độ 4 (45,5%) và 6 thủ tục cấp độ 3; đã tiến hành rà soát, chuẩn hóa và trình Bộ GTVT công bố 11 thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Cục và đã đưa toàn bộ danh mục, nội dung thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu của Cục trên Cổng thông tin điện tử của Cục để người dân, tổ chức truy cập thực hiện.

Bộ phận một cửa của Cục đã tiếp nhận 1.084 hồ sơ cần giải quyết, trong đó nhận qua trực tuyến 262 hồ sơ, nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 822 hồ sơ. Đến hết năm 2020, Cục đã giải quyết 1.066/1.084 hồ sơ (98,33%) đều đúng hạn; còn lại 18/1.084 hồ sơ (11,67%) trong thời hạn giải quyết. Cục đã đăng ký và tích hợp được 10/11 (90,9%) dịch vụ công trực tuyến đang triển khai với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, tính đến ngày 10/6,Tổng cục Đường bộ VN đã tiếp nhận hơn 9.000 hồ sơ. Trong đó, lĩnh vực đào tạo sát hạch cấp GPLX gần 8.700 hồ sơ, vận tải gần 300, ATGT và bảo trì hơn 200 hồ sơ. Đã giải quyết 9.072 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Tổng cục Đường bộ VN thường xuyên rà soát, hoặc rà soát theo chuyên đề 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường bộ để điều chỉnh các nội dung như thành phần hồ sơ, yêu cầu của thủ tục, thời gian thực hiện, quy trình thực hiện... để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hiện, Tổng cục đang thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với cấp GPLX quốc tế; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, biển hiệu, phù hiệu trong nước và quốc tế. Mức độ 3 đối với thủ tục cấp, đổi GPLX, 12 thủ tục trong lĩnh vực vận tải đường bộ (cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, cấp lại phù hiệu, biển hiệu) và 25 thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải đường bộ quốc tế.