Sáng kiến toàn cầu về tàu không phát thải vào năm 2030

04/06/2021

Hiệp hội Mission Innovation (tạm dịch là "Đổi mới sứ mệnh", viết tắt là MI*), được thành lập theo sáng kiến toàn cầu nhằm tăng tốc đổi mới năng lượng sạch của khu vực công cộng và tư nhân nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, vừa mới đưa ra sáng kiến mới có tên gọi Mission for Shipping (tạm dịch là "Sứ mệnh đối với vận tải biển") với mục tiêu khử cácbon trong lĩnh vực vận tải biển.


Dưới sự lãnh đạo của Đan Mạch, Na Uy và Hoa Kỳ, Mission for Shipping xác định mục tiêu: 5% đội tàu viễn dương toàn cầu hoạt động bằng nhiên liệu không phát thải vào năm 2030. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc hỗ trợ hợp tác công - tư và tăng cường nghiên cứu,  phát triển để chuyển đổi sang nhiên liệu hàng hải không cácbon và hệ thống đẩy tàu tiên tiến.

Mission for Shipping là một trong ba sứ mệnh toàn cầu của MI, dẫn đầu "Một thập kỷ đổi mới" nhằm thúc đẩy đầu tư toàn cầu vào nghiên cứu, phát triển và triển khai năng lượng sạch. Mục tiêu là làm cho năng lượng sạch có giá cả phải chăng, hấp dẫn và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người trong thập kỷ này, nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 20C so với mức tiền công nghiệp.

"Mission Innovation 2.0" là giai đoạn thứ hai của Sáng kiến Mission Innovation toàn cầu, được khởi động cùng với Thỏa thuận Paris tại Hội nghị COP21 năm 2015. Với 25 chính phủ tham gia, các thành viên của MI chịu trách nhiệm chung về hơn 90% đầu tư công toàn cầu vào lĩnh vực đổi mới năng lượng sạch.

Mục tiêu của Mission for Shipping là chứng minh những con tàu không phát thải có khả năng hoạt động thương mại vào năm 2030, thông qua việc phát triển các loại nhiên liệu thay thế mới như hyđrô xanh, amoniac xanh, metanol xanh và nhiên liệu sinh học tiên tiến. Sứ mệnh sẽ tập trung vào toàn bộ chuỗi giá trị "từ sản xuất đến sử dụng" trong hoạt động của tàu, việc sản xuất nhiên liệu và cơ sở hạ tầng nhiên liệu.

Sáng kiến này mong muốn 200 tàu chủ yếu sử dụng các loại nhiên liệu sạch nêu trên trên các tuyến viễn dương chủ chốt của thế giới. Mission for Shipping dự kiến sẽ đặt nền tảng cho việc gia tăng số lượng tàu hoạt động bằng nhiên liệu sạch trong những năm tiếp theo để hướng tới vận tải biển không phát thải.

Mặc dù tàu viễn dương là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhất, nhưng chúng vẫn phải chịu trách nhiệm cho gần 3% lượng phát thải CO2 toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã đặt ra mục tiêu ban đầu là giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu từ vận tải biển vào năm 2050 (so với mức của năm 2008).


"Chúng tôi hoan nghênh việc MI ghi nhận kịp thời nhu cầu cấp thiết phải tăng tốc nghiên cứu và phát triển công nghệ không cácbon trong vận tải biển. Điều này sẽ rất quan trọng để đạt được các mục tiêu giảm CO2 đầy tham vọng đã được thống nhất tại IMO, mà cả các chính phủ và ngành vận tải biển đều cam kết", ông Guy Platten - Tổng thư ký Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) cho biết.

ICS đã đề cập tới Quỹ nghiên cứu và phát triển trị giá 5 tỷ đô la được đề xuất với tên gợi "Quỹ Nghiên cứu hàng hải quốc tế" (the International Maritime Research Fund, viết tắt là IMRF), là phương tiện lý tưởng để giúp đẩy nhanh các công nghệ và nhiên liệu không cácbon trong ngành vận tải biển.

"Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu 5 tỷ USD tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển được đảm bảo mà Quỹ Nghiên cứu hàng hải của IMO sẽ cung cấp. Bằng cách hỗ trợ sáng kiến IMRF tại IMO vào tuần tới, các chính phủ tham gia MI giờ đây có một cơ hội duy nhất để biến các mục tiêu của Mission Innovation thành hiện thực", ông Platten nói.

"IMRF sẽ có thể cung cấp ít nhất 50% kinh phí cho một dự án nghiên cứu và phát triển cụ thể được chính phủ hỗ trợ. Mức này có khả năng cao hơn nhiều đối với các dự án nhỏ hơn hoặc nếu dự án do một nước đang phát triển thực hiện. Điều này sẽ đóng góp rất nhiều kinh phí cần thiết cho việc nghiên cứu và phát triển phù hợp với các thông báo ngày hôm nay của các chính phủ tham gia sáng kiến Mission Innovation. Nhưng điều này đòi hỏi sự hỗ trợ của chính những chính phủ này tại cuộc họp quan trọng của IMO vào tuần tới", ông Platten cho biết thêm.

* MI bao gồm 25 thành viên: Úc, Áo, Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Đan Mạch, Ủy ban Châu Âu (thay mặt cho Liên minh Châu Âu), Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Maroc, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đang làm việc để thúc đẩy đổi mới năng lượng sạch toàn cầu. MI được công bố tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) vào ngày 30/11/2015, khi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau đến Paris để cam kết những nỗ lực đầy tham vọng nhằm chống lại biến đổi khí hậu.