• Vận tải biển phải là ngành công nghiệp không phát thải vào năm 2050 và để đạt được mục tiêu đó, tàu biển không phát thải phải trở thành lựa chọn thống trị và cạnh tranh vào năm 2030.
• Đội tàu không phát thải chỉ khả thi nếu các nguồn năng lượng không phát thải cạnh tranh được với nhiên liệu hàng hải truyền thống, tuy nhiên vẫn tồn tại một khoảng cách cạnh tranh mà thị trường không thể tự giải quyết được.
• Điều quan trọng đối với thành công lâu dài của vận tải biển là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các quốc gia thành viên thể hiện sự tiến bộ bằng cách thông qua quy định cho phép ngành vận tải biển khử cácbon phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Lời kêu gọi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang được người dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các quốc gia trên thế giới quan tâm. Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ, ông John Kerry, gần đây đã thông báo rằng Hoa Kỳ đang tham gia các nỗ lực quốc tế để đạt được mức phát thải bằng không từ hàng hải quốc tế vào năm 2050.
Từ năm 2019, Liên minh không phát thải (the Getting to Zero Coalition - là một liên minh mạnh mẽ của hơn 140 doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng hải, năng lượng, cơ sở hạ tầng và tài chính quốc tế, được hỗ trợ bởi các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ chủ chốt trên thế giới) đã làm việc với cam kết đưa các tàu biển không phát thải khả thi về mặt thương mại, sử dụng năng lượng không phát thải, vào hoạt động từ năm 2030 từ khía cạnh công nghệ, mô hình kinh doanh, cơ hội tăng trưởng và chính sách.
Để thế giới khử cácbon, vận tải biển phải khử cácbon
Vận tải biển kết nối thế giới bằng cách cung cấp những mặt hàng thiết yếu mà xã hội cần để phát triển mạnh mẽ. Đội tàu biển toàn cầu thực hiện công việc này với lượng phát thải cácbon thấp nhất so với bất kỳ phương thức vận tải nào trên mỗi tấn hàng hóa được vận chuyển, vận tải biển vẫn tạo ra một lượng đáng kể khí nhà kính. Với lượng phát thải cácbon ngày càng tăng lên và thời gian đầu tư cho mỗi con tàu kéo dài hàng thập kỷ, vận tải biển không thể chờ đợi được nữa. Để thế giới khử cácbon, vận tải biển phải khử cácbon.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và để duy trì sự phù hợp với vai trò là một ngành công nghiệp then chốt - bây giờ là lúc vận tải biển phải hành động. Ngành vận tải biển phải đạt mức phát thải bằng không vào năm 2050 và để đạt được điều đó, tàu không phát thải phải trở thành sự lựa chọn ưu thế và cạnh tranh vào năm 2030, khi mà chúng ta cần đạt được nguồn năng lượng không phát thải chiếm 5% trong tổng lượng nhiên liệu hàng hải của vận tải biển quốc tế.
Thực sự đây là một câu hỏi hóc búa. Đội tàu biển không phát thải chỉ khả thi về mặt thương mại nếu các nguồn năng lượng không phát thải cạnh tranh với nhiên liệu hàng hải truyền thống. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch vẫn sẵn có, đáng tin cậy với giá rẻ, tương thích với các loại tàu và động cơ hiện có. Chính điều này tạo ra khoảng cách cạnh tranh mà thị trường không thể tự giải quyết được.
Cần có các chính sách mới, quy định và khuyến khích các chủ tàu, người khai thác tàu và nhà cung cấp nhiên liệu theo hướng thúc đẩy đầu tư vào nhiên liệu và công nghệ mới để tạo ra đội tàu biển không phát thải. Điều này cần được thực hiện ngay từ bây giờ.
Ba ưu tiên của IMO
Trong lĩnh vực vận tải biển, cộng đồng thế giới có Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) là cơ quan quốc tế điều tiết các hoạt động hàng hải, đảm bảo một sân chơi bình đẳng và một hệ thống vận tải hàng hải toàn cầu hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với danh tiếng và sự thành công lâu dài của ngành công nghiệp hàng hải là IMO cùng với các quốc gia thành viên phải thể hiện sự tiến bộ bằng cách thông qua quy định cho phép vận tải biển khử cácbon phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và kỳ vọng của công chúng.
IMO và các quốc gia thành viên cần khẩn trương giải quyết ba ưu tiên:
1. IMO phải điều chỉnh vận tải biển quốc tế với mục tiêu nhiệt độ toàn cầu của Thỏa thuận Paris bằng cách thông qua mục tiêu khử cácbon hoàn toàn đối với vận tải biển quốc tế vào năm 2050, với Chiến lược khí nhà kính ban đầu của IMO được sửa đổi trong năm 2021 và 2022. Điều này sẽ đặt ra một định hướng rõ ràng cho vận tải biển thế giới - chính là định hướng đã được xác định đối với phát thải trong nước của nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ.
2. IMO phải đạt được tiến bộ trong năm nay tại khóa họp thứ 76 và 77 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) về các biện pháp khả thi để thu hẹp khoảng cách cạnh tranh giữa nhiên liệu gốc cácbon và nguồn năng lượng không cácbon. Tiến bộ này cần bao gồm các biện pháp dựa trên thị trường, đặt ra mức giá phù hợp về lượng phát thải khí nhà kính dựa trên phân tích vòng đời đầy đủ của các nguồn năng lượng khác nhau. Tiến bộ trong năm nay là cần thiết để tăng cường niềm tin trong toàn bộ chuỗi giá trị hàng hải là các biện pháp như vậy sẽ có hiệu lực vào năm 2025, và điều này sẽ làm cho việc chuyển đổi sang vận tải biển không phát thải có thể đầu tư trên quy mô lớn.
3. IMO phải đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và hiệu quả trên phạm vi toàn cầu sang vận tải biển không phát thải. Điều này có thể đạt được nếu một phần số tiền huy động được thông qua biện pháp dựa trên thị trường được sử dụng để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ việc phát triển, triển khai các công nghệ và nhiên liệu không phát thải có hiệu quả kinh tế ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các quốc gia quần đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất.
Các báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy việc đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu hàng hải không phát thải trong tương lai sẽ tạo ra tăng trưởng mới và cơ hội việc làm trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Dự báo này chứng tỏ việc chuyển đổi sang vận tải biển không phát thải có thể đi đôi với tăng trưởng kinh tế bền vững.
Vận tải biển khử cácbon là có thể thực hiện được, nhưng nó sẽ đòi hỏi hành động khẩn cấp và bền vững của khu vực tư nhân cũng như các chính phủ. Cộng đồng hàng hải thể giới phải cùng nhau tiến lên để đưa vận tải biển trở thành ngành công nghiệp không phát thải./.