Dự án GreenVoyage2050 hỗ trợ các quốc gia thực hiện các biện pháp hiệu quả năng lượng và phát triển vận tải biển cácbon thấp

09/03/2021

Mười một quốc gia trên thế giới đang hợp tác trong Dự án Con đường xanh 2050 IMO-Na Uy (IMO-Norway GreenVoyage2050 Project) nhằm hỗ trợ lộ trình khử cácbon trong lĩnh vực vận tải biển, phù hợp với Chiến lược ban đầu của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về giảm phát thải khí nhà kính từ vận tải biển, thường được gọi tắt là Chiến lược khí nhà kính ban đầu của IMO (IMO Initial GHG Strategy).


Thông qua Chiến lược khí nhà kính ban đầu của IMO, các quốc gia thành viên IMO đã cam kết cắt giảm ít nhất một nửa lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ vận tải biển quốc tế vào năm 2050, so với mức phát thải của năm 2008, và hướng tới loại bỏ hoàn toàn phát thải khí nhà kính từ vận tải biển càng sớm càng tốt trong thế kỷ này - tức là trước năm 2100.

Dự án GreenVoyage2050 đang tích cực hỗ trợ các quốc gia đẩy mạnh thực hiện lộ trình khử cácbon trong vận tải biển. Dự án cũng sẽ nâng cao năng lực ở các nước đang phát triển, bao gồm các quốc đảo nhỏ đang phát triển (small island developing states - SIDS) và các nước kém phát triển nhất (least developed countries - LDCs), để thực hiện các cam kết của họ nhằm đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng cho vận tải biển quốc tế. Điều này sẽ đạt được thông qua việc hỗ trợ các quốc gia thực hiện các biện pháp hiệu quả năng lượng đã được IMO thông qua trong trong Phụ lục VI của Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu  (MARPOL), và giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động vận tải biển phù hợp với Chiến lược khí nhà kính ban đầu của IMO.

Tính đến ngày hôm nay, Azerbaijan, Belize, Trung Quốc, Cook Islands, Ecuador, Georgia, Ấn Độ, Kenya, Solomon Islands, Nam Phi và Sri Lanka là các quốc gia hợp tác trong Dự án GreenVoyage2050.

090321.10.png

Dự án GreenVoyage2050 bao gồm bốn hợp phần chính

Thông qua việc tham gia vào dự án, các quốc gia sẽ hướng tới việc tăng cường tuân thủ Phụ lục VI về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu của Công ước MARPOL, tạo điều kiện chia sẻ các phương pháp vận hành tốt nhất, xúc tiến các công nghệ hiệu quả năng lượng và khám phá các cơ hội cho nhiên liệu cácbon thấp và không chứa cácbon. Nhiên liệu mới, công nghệ mới và đổi mới sẽ là cần thiết để đáp ứng các tham vọng của Chiến lược khí nhà kính ban đầu của IMO.

Cụ thể, GreenVoyage2050 đang hỗ trợ các quốc gia:

  • Xây dựng pháp luật quốc gia để thực hiện Phụ lục VI của Công ước MARPOL;
  • Thực hiện đánh giá phát thải trong lĩnh vực hàng hải; xây dựng các khuôn khổ chính sách và các Kế hoạch Hành động quốc gia (National Action Plans - NAPs) để giải quyết phát thải khí nhà kính từ tàu;
  • Đánh giá phát thải và phát triển các chiến lược giảm phát thải cụ thể cho từng cảng;
  • Xác định các cơ hội và thực hiện các dự án thí điểm, thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác khu vực công - tư và huy động các nguồn lực tài chính;
  • Tiếp cận nguồn tài trợ và đầu tư vào các giải pháp cácbon thấp;
  • Thiết lập quan hệ đối tác với ngành hàng hải để phát triển các giải pháp mới và sáng tạo nhằm hỗ trợ vận tải biển cácbon thấp.

Dự án cũng hỗ trợ sự hợp tác giữa các lĩnh vực tàu và cảng ở từng quốc gia.


"Các quốc gia thí điểm mới" và "các quốc gia thí điểm tiên phong"

Vì các quốc gia riêng lẻ đang ở các giai đoạn khác nhau trong thực hiện các biện pháp hiệu quả năng lượng của IMO và các quy trình khác như đánh giá cơ bản, nên các quốc gia đối tác đã được phân loại thành "Các quốc gia thí điểm mới" và "Các quốc gia thí điểm tiên phong".

Các quốc gia thí điểm mới (New Pilot Countries - NPCs) là những quốc gia, ở bước đầu tiên, đang tiến hành xây dựng đánh giá phát thải hàng hải quốc gia, thiết lập đường cơ sở và xây dựng cơ sở thông tin. Những hành động này sẽ tạo nền tảng cho việc phát triển Kế hoạch Hành động quốc gia (NAP) mạnh mẽ và đầy đủ thông tin nhằm giải quyết phát thải khí nhà kính từ các con tàu.

Các quốc gia thí điểm mới hiện tại bao gồm: Azerbaijan, Belize, Cook Islands, Ecuador, Kenya, Solomon Islands, Sri Lanka.

Các quốc gia thí điểm tiên phong (Pioneer Pilot Countries - PPCs) là những quốc gia đã thực hiện các công việc cơ bản về phát thải hàng hải và đã bắt đầu phát triển Kế hoạch Hành động quốc gia (NAP)  để giải quyết phát thải khí nhà kính từ tàu. Dự án GreenVoyage2050 đang hỗ trợ các quốc gia trong nhóm này hoàn thiện NAP  của họ, xác định các cơ hội dự án thí điểm và đẩy mạnh phát triển nhằm đảm bảo ngân sách cho việc thực hiện.

Các quốc gia thí điểm tiên phong bao gồm: Trung Quốc, Georgia, Ấn Độ, Nam Phi.

Tất cả các quốc gia đối tác sẽ được đào tạo về các phát triển quy định liên quan đến Phụ lục VI của Công ước MARPOL và Chiến lược khí nhà kính ban đầu của IMO, cũng như đào tạo về các công nghệ và nhiên liệu cácbon thấp quan trọng. Các hoạt động khác bao gồm xây dựng năng lực dựa trên các sáng kiến cảng bền vững và các biện pháp giảm phát thải trong giao tiếp tàu-cảng.