Khái niệm Oceanwings
Đầu tháng 02/2021, ba chương trình năng lượng gió sử dụng cho tàu biển đã được xúc tiến, trong khi Hiệp hội Tàu chạy bằng gió quốc tế (IWSA) công bố sáng kiến mới nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các phương pháp đẩy tàu thay thế hỗn hợp. Hiệp hội này đang tìm kiếm các giải pháp kết hợp sức gió, nhiên liệu thay thế và các biện pháp hiệu quả năng lượng để đạt được sự khử cácbon có thể đo lường được của ngành vận tải biển toàn cầu.
Theo IWSA, hiện có 11 tàu viễn dương lớn được đã lắp đặt hệ thống hỗ trợ đẩy bằng gió. Ngoài ra, có hơn 20 tàu chở hàng nhỏ hơn sử dụng công nghệ đẩy bằng sức gió và các du thuyền được hỗ trợ bằng buồm. Đến năm 2023, IWSA dự kiến sẽ có hơn 40 tàu lớn được trang bị hệ thống đẩy bằng gió đi vào hoạt động.
"EU (Liên minh Châu Âu) dự báo có thể có tới 10.700 hệ thống đẩy tàu bằng sức gió vào năm 2030, và Kế hoạch Hàng hải sạch của Vương quốc Anh dự báo các công nghệ đẩy gió sẽ trở thành phân khúc trị giá 2 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) mỗi năm, với khoảng 30.000 hệ thống được lắp đặt (tương đương 40 - 45% thâm nhập thị trường) vào những năm 2050", ông Gavin Allwright - Tổng thư ký IWSA cho biết.
Hệ thống đẩy tàu được hỗ trợ bằng sức gió Oceanwings 3.6.3 do Công ty AYRO của Pháp phát triển là một trong số các công nghệ mới đang được xúc tiến. Mới đây, hệ thống này đã được Tổ chức Đăng kiểm DNV GL trao chứng nhận phê duyệt nguyên tắc (AiP). Sau khi xem xét các kế hoạch và tài liệu chính của hệ thống Oceanwings 3.6.3 theo các quy phạm phân cấp tàu tương ứng, Đăng kiểm DNV GL đã cấp AiP xác nhận không tồn tại những trở ngại đáng kể ngăn cản việc hiện thực hóa khái niệm này.
Theo Công ty AYRO, hệ thống Oceanwings 3.6.3 cho phép các chủ tàu và người khai thác tàu tận dụng năng lượng gió để cải thiện sự cân bằng năng lượng của các tàu riêng lẻ và cả đội tàu, do đó giảm đáng kể lượng phát thải cácbon. Hệ thống đẩy gió là bao gồm cánh buồm hai phần rộng 363 mét vuông, được lắp đặt trên tàu để hỗ trợ việc đẩy tàu. Sau 10 năm nghiên cứu, với nguyên mẫu đầu tiên đã ra đời trong năm 2017 và được trình diễn năm 2019 trong khuôn khổ của tổ chức phát triển năng lượng tàu thủy không phát thải Energy Observer, Công ty AYRO hiện đang sản xuất bốn hệ thống Oceanwing 3.6.3 để lắp trên tàu Canopée chở roro đang được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu biển Neptune. Tàu này sẽ được chủ tàu người Pháp Jifmar Guyane đưa vào hoạt động vào cuối năm 2022 và được khai thác bởi Alizee - một công ty liên doanh giữa Jifmar và Zephyr & Borée, để vận chuyển các cấu kiện của chương trình tên lửa Ariane 6 đang được phát triển cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Giám đốc điều hành của Công ty AYRO - ông Ludovic Gérard cho biết Oceanwings phù hợp với hầu hết các loại tàu chở hàng. "Chúng tôi tiếp tục nhận được rất nhiều câu hỏi và nhiều yêu cầu nghiên cứu về tính khả thi từ các chủ tàu và người thuê tàu trên toàn thế giới, cho cả các dự án sửa chữa và đóng mới tàu biển. Sứ mệnh và tầm nhìn của chúng tôi là hỗ trợ họ thiết kế tàu cũng như lắp đặt và bảo trì hệ thống Oceanwings để giúp đáp ứng các thách thức về khả năng cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính'', ông Ludovic Gérard nhấn mạnh
Nhà máy đóng tàu nổi tiếng của Pháp Chantiers de l'Atlantique cũng vừa thông báo họ đang đạt được tiến bộ với khái niệm buồm cứng của mình. Để xác thực thêm các khái niệm thiết kế và tiến tới thương mại hóa, nhà máy đóng tàu này cho biết họ sẽ lắp đặt các phiên bản thử nghiệm của cột buồm và buồm tại xưởng của mình ở St. Nazaire.
Chủ tàu đồng thời là người khai thác tàu roro Wallenius Wilhelmsen cũng đã tiết lộ những bước khởi đầu của thiết kế nhằm thương mại hóa khái niệm về tàu buồm lớn nhất thế giới chuyên chở ô tô và máy móc qua Đại Tây Dương.
IWSA gọi hiện tại là "Thập kỷ sức đẩy gió", khởi động chiến dịch mới của mình để tập trung vào việc phân phối, tối ưu hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghệ đẩy tàu bằng sức gió. Tổ chức này sẽ phát hành một báo cáo thị trường toàn diện và các chiến dịch thông tin khác để hỗ trợ phát triển công nghệ rất tiềm năng này.