Toàn ngành giao thông phải đồng lòng, kiên trì thực hiện nhiệm vụ sắp tới

17/02/2021

“Chúng tôi còn nhiều dự án hạ tầng giao thông rất lớn đang triển khai, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong 1-2 năm tới. Tập thể lãnh đạo Bộ GTVT và toàn ngành giao thông đồng lòng kiên trì thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đúng theo kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Nhân dịp năm mới 2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chia sẻ với Báo Điện tử  Chính phủ về những định hướng phát triển ngành giao thông trong những năm tới.

Trong 3 năm ngồi “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ GTVT, thành tựu nào khiến Bộ trưởng tâm đắc nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Phải nói rằng, khi tôi mới nhận nhiệm vụ, ngành giao thông còn tồn tại nhiều vấn đề rất nóng và khó khăn kéo dài. Nhiều công trình, dự án lớn mới bắt đầu cho chủ trương. Nhiều công việc đã thực hiện nhưng đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý. Thời điểm cuối năm 2017, khối lượng công việc cần xử lý của ngành giao thông rất lớn, rất nặng nề.

Thế nhưng, 3 năm vừa qua, điều làm tôi cảm thấy rất mừng, rất may mắn với người làm lãnh đạo là trong khó khăn trùng trùng, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT và toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành giao thông đều thống nhất một lòng, cùng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện công tác xây dựng thể chế, đây là công việc mà chúng tôi xác định rằng không tốn nhiều kinh phí nhưng mang lại hiệu quả rất lớn trong vận hành.

Đơn cử như Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua: Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) năm 2015; Luật Đường sắt (sửa đổi) năm 2017; trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) năm 2020. Bộ GTVT cũng trình Chính phủ ban hành 44 Nghị định, 11 Quyết định, phê duyệt 15 đề án…

Vừa qua, Bộ GTVT cũng tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Có thể thấy, quy định về xử phạt hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện đã thực sự đi vào cuộc sống và làm thay đổi hành vi của người dân, tạo cho nhân dân một thói quen mới “đã uống rượu bia, không lái xe”. Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô khi chính thức có hiệu lực cũng đã thể hiện hiệu quả trong việc quản lý xe công nghệ, xe hợp đồng, xe trá hình...

Chúng tôi rất tự hào khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP  được Quốc hội lấy làm ví dụ tiêu biểu về cải cách thể chế. Qua việc xây dựng 2 nghị định trên, Bộ GTVT cũng đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc xây dựng thể chế, chính sách bám sát với thực tiễn, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm sâu tai nạn giao thông.

Về cải cách hành chính, Bộ GTVT cũng kiện toàn, tinh giản 130 đầu mối/tổng số 1.118 tổ chức. Cắt giảm 35 thủ tục hành chính, đơn giản hoá 166 thủ tục, cắt giảm 384/570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực giao thông-vận tải (tỷ lệ 67,36%).

Đã có 254 thủ tục công được cung cấp ở mức độ 3, 4 trong đó có 87 thủ tục tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tích hợp 114 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Bộ GTVT cũng thực hiện ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT, thực hiện Đề án ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành giao thông…

Một điều đặc biệt nữa, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đạt được nhiều thành quả tích cực, nhiều dự án trọng điểm từ chỗ đang gặp khó khăn, vướng mắc đến nay đã triển khai tương đối tốt.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, trong kỳ đánh giá 2017-2018, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc từ thứ 95/144 (năm 2011) lên thứ 79/137 (năm 2016). Chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với 2016 (năm 2011, Việt Nam xếp hạng 53/155 nước).

Vừa rồi, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, toàn ngành GTVT đã có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, thay đổi toàn diện bộ mặt, tạo hệ thống logicstics rộng khắp trên cả nước. Bộ trưởng có thể “điểm danh” những dự án giao thông góp phần tạo nên diện mạo mới của đất nước thời gian vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiệm kỳ 2015-2020, ngành giao thông triển khai tốt công tác xây dựng cơ bản, giải ngân và hoàn thành được rất nhiều công trình giao thông. Chúng tôi xác định kết cấu hạ tầng xây dựng được tới đâu sẽ tổ chức vận tải tốt tới đó để khai thác, vận hành an toàn, tạo  giao thông thuận tiện cho người dân, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội.

Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Các tuyến đường bộ cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Bắc Giang-Lạng Sơn, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hải Phòng-Quảng Ninh, Hạ Long-Vân Đồn, La Sơn-Túy Loan, Trung Lương-Mỹ Thuận (tổng số khoảng 468 km). Nhiều quốc lộ trọng yếu, cầu lớn, hầm lớn, cảng biển được đầu tư, nâng cấp (cảng cửa ngõ Hải Phòng, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Thịnh Long, Hưng Hà, hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi…).

Các công trình quan trọng, cấp bách được ưu tiên, tập trung đầu tư trong giai đoạn này như: các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách sử dụng gói 15.000 tỷ đồng dự phòng trung hạn, 2 dự án khẩn cấp cải tạo đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ...

Riêng dự án trọng điểm cao tốc Bắc-Nam phía đông với 11 dự án thành phần, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã triển khai thi công 6 đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước gồm: Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Còn lại 5 dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang được các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT gấp rút hoàn thiện các quy trình, thủ tục để triển khai xây dựng. Trong đó, 3 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đã lựa chọn được nhà đầu tư (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo; 2 dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và QL45 - Nghi Sơn vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Theo lộ trình dự kiến, trong tháng 5/2021, những gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vừa chuyển đầu tư công sẽ khởi công xây dựng. Với sân bay Long Thành, ngày 5/1/2021 vừa qua, dự án này đã chính thức được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công giai đoạn 1 công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát hiện trường cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua Huế.

Việc thêm 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam tiếp tục chuyển đổi sang đầu tư công do không lựa chọn được nhà đầu tư có phải do cơ chế thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) không thực sự hấp dẫn không, thưa Bộ trưởng? Tới đây, Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng ra sao để Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có thể phát huy hiệu quả?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đối với 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và QL45 - Nghi Sơn khi Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP, kết quả đấu thầu cuối cùng không lựa chọn được nhà đầu tư do: Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật còn đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công bảo đảm chắc chắn triển khai thành công dự án. Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án thành phần đầu tư công đang triển khai). Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành đầu tư 2 dự án này sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các dự án lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Trên thực tế, tôi cho rằng việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP đang bị hạn chế, khó hấp dẫn nhà đầu tư do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, các dự án giao thông thực hiện theo Luật PPP hiện nay và trước đó là theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp hoatn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) đều yêu cầu không được làm trên đường hiện hữu và phải xây dựng đường song hành. Khi đó, chi phí đầu tư cho các dự án này rất lớn, thời gian hoàn vốn dài, thậm chí nhiều dự án không đảm bảo phương án tài chính khiến nhà đầu tư không mấy “mặn mà”.

Trong khi bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại không còn nhiều dư địa để cho vay do đã đầu tư khá nhiều nguồn lực vào các dự án giao thông BOT trước đó khiến việc bố trí vốn cho nhà đầu tư có nhu cầu vay khá khó khăn, điều kiện vay ngặt ngèo hơn. Cùng với việc một số dự án BOT còn đang tồn tại các vấn đề, trong khi Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ, ngành tìm giải pháp căn cơ, thì những dự án tồn tại này đã ít nhiều gây lo ngại cho nhà đầu tư, cho ngân hàng, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án tiếp theo.

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, tôi cho rằng Luật PPP đã có rất nhiều tiến bộ so với các quy định trước đây. Mặc dù Luật chưa đi vào thực tiễn mà đang cần các văn bản dưới luật để thực thi. Chúng tôi đang tham mưu Chính phủ đưa ra các văn bản dưới luật làm sao áp dụng cho từng khu vực.

Đơn cử, hiện Luật PPP quy định hạn mức Nhà nước tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, còn lại huy động vốn xã hội hóa. Với quy định này, nếu áp quy định nêu trên cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó kêu gọi nhà đầu tư tư nhân bởi vì khu vực này nền đất rất yếu, cần xây dựng nhiều cầu, chi phí đầu tư lớn… Vì vậy, chúng tôi đang đề xuất cơ chế đặc thù cho khu vực này.

Ngoài ra, Bộ GTVT đang tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để họ hình thành các Tổng công ty, Tập đoàn mạnh, đủ sức đầu tư các công trình lớn.

Với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các dự án đầu tư theo phương thức PPP, chỉ đầu tư PPP đối với các dự án thực sự hiệu quả tài chính; đồng thời quán triệt việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu minh bạch, bảo đảm nhà đầu tư được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án.

Bộ trưởng còn điều gì trăn trở, còn điều gì muốn thực hiện trong năm 2021 và những năm sau đó?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Dù đạt nhiều thành quả được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, nhưng với vai trò tư lệnh ngành của một ngành kinh tế rất đặc thù, phức tạp tôi vẫn còn nhiều việc muốn làm trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Tôi hiểu rằng, bộ luật này liên quan mật thiết đến cuộc sống của nhân dân, đến logistic, đến cả nền kinh tế đất nước. Việc Luật Giao thông đường bộ chưa thông qua được nhiệm kỳ này đang chậm, chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Thứ hai, Bộ GTVT đang quy hoạch lại 5 lĩnh vực ngành Giao thông vận tải theo Luật Quy hoạch, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 4/2021. Quy hoạch ngành khi được phê duyệt sẽ tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của ngành giao thông, chúng tôi đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác này.

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính, những con số tôi nêu trên dù đã có tiến bộ, nhưng tôi nhận thấy công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác này, hiện đại hoá nền hành chính, tin học hoá các lĩnh vực, kết nối với Cổng một cửa quốc gia để phục vụ người dân. Đây là tiền đề để xây dựng ngành GTVT thích ứng với nền kinh tế số tới đây.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhiều dự án hạ tầng giao thông rất lớn đang triển khai, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong 1-2 năm tới. Tập thể lãnh đạo Bộ GTVT và toàn ngành sẽ kiên trì thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đúng theo kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Cuối cùng là công tác tổ chức vận tải và an toàn giao thông, như đã đặt ra mục tiêu với Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung tổ chức vận tải, quản lý chặt phương tiện và người lái, quản lý hoạt động vận tải theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông hàng năm từ 5-10%.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, xin Bộ trưởng cho biết thông điệp của Bộ GTVT trong năm 2021 là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thông điệp xuyên suốt của Bộ GTVT trong năm 2021 là “Quyết liệt - Chất lượng - Hiệu quả”.

Năm 2021, Bộ GTVT được giao giải ngân 46.000 tỷ, cao hơn năm 2020 và cao hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây. Vì thế, nếu không quyết liệt xử lý các vấn đề phát sinh thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ giải ngân. Chất lượng công trình luôn phải được quan tâm hàng đầu. Xây dựng thể chế,  thông tư, nghị định đã ban hành phải đi vào cuộc sống. Có những “sản phẩm” cuối cùng thực sự đạt hiệu quả như vậy chúng tôi mới hoàn thành được nghĩa vụ với nhân dân, với Đảng, với Chính phủ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Lộ trình khởi công một số dự án lớn năm 2021

Điển hình là các dự án: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (TMĐT 4.826 tỷ đồng, khởi công 4/1/2021); Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (TMĐT 109.111 tỷ đồng, khởi công 5/1/2021); Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (TMĐT 1.509 tỷ đồng, khởi công quý I/2021); Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (TMĐT 3.654 tỷ đồng; khởi công quý I/2021).

Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (TMĐT 13.338 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2021); Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (TMĐT 8.381 tỷ đồng; khởi công quý II/2021); Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (TMĐT 2.106 tỷ đồng, khởi công quý III/2021); Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau (TMĐT 1.725 tỷ đồng, khởi công quý III/2021)…