Những năm gần đây, ôtô điện
(Electric Vehicle - EV) ngày càng phổ biến và được xem như giải pháp ưu việt
thay thế ôtô dùng động cơ đốt trong (Internal Combustion Engine - ICE).
Xe điện cũng nhận được sự ủng hộ từ
nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đơn cử, Nhật Bản đã có chính sách ưu đãi cho
xe EV từ năm 1996. Đến năm 2009, người Nhật được trợ cấp khoảng 100.000-250.000
yen khi mua loại ôtô này.
Trung Quốc, Đức, Pháp, Mỹ cũng nằm
trong số rất nhiều nước có chính sách khuyến khích người dân mua và sử dụng xe
điện. Song song đó, với việc những quốc gia như Anh, Canada, Na Uy, Australia
hay Liên minh châu Âu lên kế hoạch cấm ôtô ICE trong tương lai gần, xe EV dần
trở thành xu thế tất yếu.

Hình ảnh mô phỏng của mẫu xe điện VinFast VF33.
Không chỉ trên thế giới, với sự xuất
hiện của Porsche Taycan phân phối chính hãng và sắp tới là bộ ba VinFast VF31,
VF32, VF33, ôtô điện cũng không còn quá xa vời tại Việt Nam.
Được xem như tương lai của ngành
công nghiệp ôtô nhưng ở thời điểm hiện tại, liệu xe điện đã có thể thay thế
hoàn toàn xe dùng động cơ đốt trong?
Hệ truyền động điện là giải pháp của tương lai
Về cơ bản, đa số ôtô điện hiện nay có thiết kế, trang bị,
nguyên tắc điều khiển và công năng tương tự ôtô sử dụng động cơ đốt trong
truyền thống. Khác biệt lớn nhất đến từ hệ truyền động.
Cụ thể, xe ICE lấy sức kéo từ động
cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu). Trong khi đó, xe EV sử dụng mô-tơ
điện, tạo ra sức kéo bằng nguồn điện của gói pin (xe BEV) hoặc nhiên liệu hydro
(xe FCV).
Nhờ sự khác biệt này, xe EV trở
thành lựa chọn ưu việt hơn xe ICE về khả năng vận hành, chi phí sử dụng, sửa
chữa và góp phần bảo vệ môi trường.

Porsche Taycan là mẫu xe điện được bán chính hãng đầu tiên tại Việt Nam.
Trả lời Zing, chuyên gia ôtô
Nguyễn Thúc Hoàng Linh cho biết so với ICE, động cơ điện sinh sức kéo lớn hơn
nhiều lần nhưng lại có kích thước nhỏ gọn, khối lượng nhẹ và không phát sinh
khí thải khi xe di chuyển. Đây là lý do hệ truyền động điện được gọi là giải
pháp của tương lai.
Nhờ đặc thù trên, xe điện có nhiều
ưu điểm so với xe dùng động cơ đốt trong khi sử dụng thực tế.
"Trước hết, xe điện vận hành
gần như không tiếng động, không mùi, không xả thải – tóm lại là tuyệt đối sạch
sẽ ở những nơi chạy qua. Điều này không chỉ lý tưởng đối với bản thân người
dùng, mà còn góp phần tạo ra các đô thị “xanh” với bầu không khí trong lành
hơn.
Sự nhỏ gọn của hệ truyền động điện
cũng đồng nghĩa không gian nội thất xe điện rộng rãi hơn nhiều so với xe sử
dụng xăng, dầu truyền thống", ông Linh nhận định.
Về mặt vận hành, xe điện tăng tốc
rất nhanh và có sức tải ấn tượng. Mô-men xoắn cực đại lớn, khả năng sinh công
linh hoạt, có thể thay đổi tức thời cho phép xe điện vượt địa hình, xử lý bề
mặt đường trơn trượt tốt hơn nhiều các hệ truyền động bánh răng cổ điển.
Theo ông Linh, mô-tơ điện của xe EV
có kết cấu kín, đơn giản, bền bỉ và gần như không đòi hỏi bảo dưỡng như động cơ
đốt trong. Bản thân xe điện cũng chỉ có khoảng 20 chi tiết chuyển động, so với
con số 2.000 trên ôtô truyền thống.
Điều này đồng nghĩa xe điện tiết
kiệm đáng kể chi phí sử dụng và giữ giá hơn nhiều so với xe dùng xăng, dầu, đặc
biệt về lâu dài. Ước tính, sau khoảng 5 năm sử dụng, người dùng bắt đầu “lãi”
so với khoản tiền chênh lệch mà họ phải trả thêm để mua xe điện thay vì xe ICE
cùng phân khúc.
Bên cạnh đó, khác với ắc-quy dung
lượng nhỏ của xe ICE, pin dung lượng lớn trên xe EV có thể chủ động về dòng
điện chờ, đồng thời cấp dòng điện công suất lớn và ổn định.
Đặc điểm này cho phép nhà sản xuất
"rộng" tay ứng dụng các công nghệ hiện đại. Đây cũng là lý do đa phần
mẫu xe điện thường được trang bị những tiện nghi nội thất kỹ thuật số tiên
tiến, cao cấp.
Trong đó nổi bật là hệ thống tự hành
cấp độ cao (3 hoặc 4), sử dụng hàng trăm loại cảm biến và camera - vốn yêu cầu
rất cao về sự ổn định của nguồn điện.
Chính nhờ những ưu điểm kể trên, xe
điện được xem là tương lai của ngành công nghiệp ôtô.
Chưa thay thế được hoàn toàn ôtô truyền thống
Ưu việt hơn ôtô truyền thống nhưng xe điện không hoàn hảo.
Hiện tại, vẫn còn những hạn chế đủ lớn để khiến xe EV chưa thể thay thế hoàn
toàn xe ICE, đặc biệt ở Việt Nam.
Về thói quen sử dụng ôtô, các loại
xe điện dùng pin đòi hỏi thời gian sạc lâu, tùy từng mẫu xe mà có thể lên đến
20 tiếng. Do đó, chủ xe cần chuẩn bị trước thay vì có thể nạp đầy nhiên liệu
trong vài phút như xe xăng. Sự khác biệt này có thể khiến người dùng cảm thấy
bất tiện và khó làm quen.
Mặc dù xe sử dụng nhiên liệu hydro
đã khắc phục được vấn đề nói trên, loại xe này hiện còn ít phổ biến và có giá
thành cao.
Bên cạnh đó, cự ly vận hành trong một
lần sạc đầy cũng là vấn đề cần cải thiện với xe EV. Theo công bố từ các nhà sản
xuất, xe điện hiện đã có thể đi được 500-600 km mỗi lần sạc - đủ đáp ứng nhu
cầu di chuyển chính trong đô thị.
Tuy nhiên, số km xe điện đi được
trong thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tốc độ hay tải trọng.
Vì vậy, xe điện vẫn chưa hoàn toàn mang lại cảm giác an tâm trên những hành
trình dài.
Không dừng ở đó, với Việt Nam, quốc
gia chưa có hạ tầng và hệ thống trạm sạc cho xe điện, vấn đề này còn trở nên
nan giải hơn.

Hệ thống trạm sạc đóng vai trò quan trọng với việc phổ biến xe điện.
Theo chuyên gia Hoàng Linh, là loại
phương tiện mới, xe điện cũng gặp khó khi cần sửa chữa. Với đa số trục trặc,
người dùng phải tìm đến đại lý của hãng hoặc các cơ sở kỹ thuật đã có đào tạo
bài bản, trang bị phù hợp - điều hiện gần như là con số không tại Việt Nam.
Ben cạnh đó, dù có tuổi thọ rất cao
nhưng pin xe điện không “bất tử” và chúng phải được xử lý một cách phù hợp để
tránh trở thành gánh nặng rác thải cho xã hội.
Ngoài ra, việc mỗi đô thị lấy điện ở
đâu để "nuôi" xe EV cũng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp
đến chi phí và độ sạch của xe điện. Nhiều quốc gia hiện vẫn sản xuất điện từ
thủy điện hoặc nhiệt điện, đồng nghĩa xe điện không sạch như ta thường nghĩ.
"Dù vậy, có thể tập trung ô
nhiễm vào một khu vực nhất định để tiện xử lý cũng đã là bước tiến lớn, đặc
biệt khi so với việc xả thải mọi lúc mọi nơi của xe dùng động cơ đốt
trong", ông Linh nhận định.
Cuối cùng, giá thành cao, ít sự lựa
chọn hơn rất nhiều so với ôtô truyền thống là những yếu tố khiến xe EV chưa thể
thay thế hoàn toàn xe ICE, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Xe điện là xu hướng tất yếu
Tựu trung, xe điện đang phát triển nhanh chóng về cả công
nghệ lẫn doanh số. Đa phần hãng xe cũng đã vạch sẵn lộ trình điện hóa toàn bộ
dải sản phẩm trong tương lai gần, hướng tới việc chỉ bán ôtô điện từ năm 2030.

Chuyên gia Hoàng Linh cho biết nhiều
quốc gia hiện đầu tư rất mạnh tay, với nguồn tài chính lên tới hàng trăm tỷ
USD, cho việc phát triển, phổ biến xe điện và các công nghệ liên quan.
"Điều này không chỉ góp phần
giúp xe điện có những bước tiến vượt bậc cả về chất lượng lẫn độ phủ trong vài
năm trở lại đây, mà còn là minh chứng cho thấy xe điện đã được coi là xu hướng
tất yếu, là phương tiện di chuyển của tương lai", ông Linh nhận định.