Hợp tác toàn cầu sẽ mở đường cho một tương lai bền vững

04/12/2020

Hợp tác là chìa khóa để giải quyết những thách thức toàn cầu đang chờ đợi chúng ta. Số hóa và những nỗ lực của quá trình khử cácbon trong vận tải biển toàn cầu sẽ là động lực chính cho sự phục hồi bền vững sau Covid-19. Theo Tổng thư ký của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) Kitack Lim, nếu tất cả chúng ta cùng hợp tác, chúng ta có thể đảm bảo là vận tải biển có một tương lai thực sự bền vững, hiệu quả và không còn cácbon. Dưới đây là bài viết của ông Kitack Lim về nội dung này.


Chúng ta phải hỗ trợ cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể né tránh việc chuyển đổi năng lượng trong vận tải biển, để đáp ứng tham vọng trong Chiến lược ban đầu về khí nhà kính (GHG) của IMO và cuối cùng, là loại bỏ từng bước việc phát thải khí nhà kính của vận tải biển.

Chiến lược ban đầu này kêu gọi tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ vận tải biển phải được cắt giảm ít nhất 50% vào năm 2050 so với năm 2008. Các biện pháp ngắn hạn để cải thiện cường độ cácbon của tàu đã được IMO thông qua trong tuần cuối tháng 11 năm 2020.

Các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI của Công ước MARPOL đã được phê chuẩn tại cuộc họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường của IMO và dự kiến sẽ được chính thức thông qua vào năm tới.

Gói sửa đổi đối với Phụ lục VI của Công ước MARPOL  phản ánh cam kết tập thể hướng tới việc khử cácbon trong vận tải biển theo Chiến lược ban đầu; thể hiện sự thỏa hiệp được đúc kết từ các cuộc thảo luận dài và đầy thách thức.

Điều này không phải là dễ dàng. Nhiều quan điểm đã được bày tỏ. Kết quả là một thỏa hiệp rất quan trọng dựa trên sự làm việc rất tích cực và đoàn kết trong nhiều năm, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình về phía trước của IMO đối với quá trình khử cácbon.

Các sửa đổi, bổ sung được phê chuẩn là những khối cấu trúc quan trọng, mà nếu không có chúng, các cuộc thảo luận trong tương lai về các biện pháp trung và dài hạn sẽ không thể thực hiện được.

Rất nhiều công việc về thực hiện các biện pháp đang ở phía trước, nhưng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần hợp tác của cộng đồng IMO, chúng ta sẽ có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật và Bộ luật Cường độ cácbon, cũng như các công việc cần thiết tiếp theo về đánh giá toàn diện tác động của các biện pháp đối với các nước đang phát triển.


Điều cấp thiết là chúng ta phải đoàn kết trong việc hướng tới một khuôn khổ pháp lý toàn cầu thực sự để thực hiện Chiến lược khí nhà kính ban đầu.

Quy định là một mặt của đồng xu, để loại bỏ từng bước sự phát thải thải, cần có công nghệ mới, nhiên liệu mới và sự đổi mới - nghĩa là cần phải đầu tư rất lớn, đặc biệt là vào nghiên cứu - phát triển và cơ sở hạ tầng.

IMO đang đẩy mạnh nỗ lực đóng vai trò là diễn đàn toàn cầu và là cơ quan thúc đẩy nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực nhiên liệu hàng hải không cácbon, quy tụ nhiều bên liên quan, từ khu vực công và tư, ngân hàng và các nhà tài trợ khác. Tôi đặc biệt khuyến khích các đối tác vận tải biển và logistic tham gia vào công việc này.

Chúng ta phải đảm bảo rằng không có quốc gia nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang vận tải biển trung tính cácbon. IMO dẫn đầu danh mục các dự án nâng cao năng lực mở rộng liên tục hỗ trợ quá trình khử cácbon và đổi mới. Cách tiếp cận hợp tác này rất quan trọng đối với quá trình khử cácbon trong ngành vận tải biển.

Sự hợp tác cũng rất quan trọng để chống lại Covid-19 – đại dịch đã tạo ra những thách thức chưa từng có, với những ảnh hưởng toàn cầu, nghiêm trọng và lâu dài. Tuy nhiên, những tháng vừa qua đã cho chúng ta thấy, chúng ta kết nối với nhau như thế nào.

Lĩnh vực hàng hải là trung tâm của việc kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu khắp thế giới, và đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong việc tiếp tục cung cấp hàng hóa và vật tư quan trọng.

Thế giới dựa vào một ngành vận tải biển quốc tế an toàn, an ninh và hiệu quả - và điều này được cung cấp bởi khuôn khổ pháp lý do IMO phát triển và duy trì.

Là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, IMO thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn, an ninh và môi trường của vận tải biển quốc tế. Vai trò chính của nó là tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho ngành vận tải biển công bằng và hiệu quả, được áp dụng và thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.

Bất chấp những thách thức to lớn trong suốt trận đại dịch, khuôn khổ quy định này đã cho phép vận tải biển quốc tế duy trì hoạt động thương mại trong các khu vực và giữa các lục địa.

Vì điều này, chúng ta cũng phải cảm ơn hơn một triệu thuyền viên trên các tàu buôn của thế giới. Sự tận tâm và chuyên nghiệp của họ khi đối mặt với những thử thách khó khăn đáng để chúng ta ngưỡng mộ và biết ơn.


IMO đã không tiếc nỗ lực, hợp tác với các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên Hợp quốc và công nghiệp vận tải biển để đảm bảo rằng các hoạt động có thể tiếp tục một cách an toàn, đặc biệt là thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thay đổi thuyền viên.

Tôi đã rất ấn tượng với mức độ hợp tác và cộng tác trong lĩnh vực hàng hải kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trọng tâm của chúng ta phải là tìm giải pháp và chuẩn bị cho thế giới hậu COVID. Khả năng của các dịch vụ vận tải biển và thuyền viên trong việc cung cấp thương mại thế giới là trọng tâm để ứng phó, và cuối cùng là vượt qua đại dịch này.

Covid-19 đã đưa ra những thách thức, nhưng chúng ta phải nắm bắt cơ hội số hóa trong lĩnh vực hàng hải để nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hàng hải và hỗ trợ phát triển, phục hồi bền vững.

Kỹ thuật số hóa, dữ liệu lớn và các công nghệ mới, thông minh như trí tuệ nhân tạo và siêu kết nối là những chìa khóa đưa vận tải biển vào một kỷ nguyên mới.

IMO đang nỗ lực để đảm bảo vận tải biển có thể đón đầu cuộc cách mạng kỹ thuật số - đồng thời đảm bảo an toàn, tăng cường bảo vệ môi trường và quản lý rủi ro an ninh mạng hàng hải.

Cần có sự chứng thực rộng rãi hơn đối với khái niệm một cửa hàng hải, để tăng cường hiệu quả, bằng cách cho phép gửi tất cả thông tin theo yêu cầu của các cơ quan Chính phủ thông qua một cổng thông tin duy nhất, và hợp lý hóa các hoạt động cảng vì lợi ích của chuỗi cung ứng.

Hợp tác giữa vận tải biển, cảng và các dịch vụ hỗ trợ hàng hải sẽ là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của vận tải biển và do đó, tạo thuận lợi cho thương mại và thúc đẩy sự phục hồi, thịnh vượng kinh tế thế giới.

Các thách thức của Covid-19 và sự phục hồi sau đó, số hóa và đặc biệt là khử cácbon là ba thách thức lớn hiện nay minh chứng cho nhu cầu của ngành hàng hải về sự phản ứng được phối hợp quốc tế. Nếu tất cả chúng ta làm việc cùng nhau, chúng ta có thể đảm bảo rằng vận tải biển có một tương lai thực sự bền vững, hiệu quả và khử cácbon./.