Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, với những tác động chưa từng có đối với cuộc sống, nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Tại IMO, chúng tôi đã theo dõi và cố gắng giải quyết các tác động đến ngành vận tải biển và đặc biệt là thuyền viên. Trong những thời điểm đầy thách thức này, năng lực của các dịch vụ vận tải biển và thuyền viên để chuyển giao các hàng hóa thiết yếu, bao gồm vật tư y tế, thực phẩm và nhiên liệu là trọng tâm để ứng phó và vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Đại dịch đã chỉ ra rằng vận tải biển, phương thức vận tải quốc tế đáng tin cậy, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất, vận chuyển hơn 80% thương mại toàn cầu, vẫn là động lực hàng đầu của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, vận tải biển và hàng hải sẽ là trọng tâm của sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững trong tương lai, cả trên biển và trên bờ, hỗ trợ một nền kinh tế bao trùm và có khả năng phục hồi để làm nền tảng cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
"Vận tải biển bền vững vì một hành tinh bền vững", chủ đề của chúng ta cho năm 2020 không chỉ phù hợp hơn hiện nay mà trong cả nhiều năm tới.
Trong thế giới hậu COVID, sẽ tập trung nhiều vào Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và 17 Mục tiêu phát triển bền vững đã được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 2015.
Những mục tiêu này vẫn phù hợp hơn bao giờ hết và vận tải biển là rất cần thiết để phát triển bền vững. Chương trình Nghị sự 2030 sẽ chỉ được thực hiện với ngành giao thông bền vững hỗ trợ thương mại thế giới và tạo điều kiện cho nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng vận tải biển cũng cần đảm bảo tính bền vững của chính nó. Các hoạt động vận tải biển phải được cân bằng với an toàn sinh mạng con người trên biển và sức khỏe lâu dài, sự đa dạng của các đại dương. Một phần chính trong vai trò của IMO là đảm bảo rằng vận tải biển tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu mà không làm đảo lộn sự cân bằng mong manh của tự nhiên.
Được hỗ trợ bởi khuôn khổ các quy định của IMO, vận tải biển tham gia vào hành trình chuyển đổi hướng tới tương lai bền vững này.
Các hành động của IMO là:
• Tăng cường an toàn hàng hải và vận tải biển kỹ thuật số;
• Đảm bảo và nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực và môi trường làm việc của các thuyền viên trên thế giới;
• Khử cácbon trong vận tải biển quốc tế và giảm lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu của tàu;
• Bảo vệ các vùng cực và giảm lượng rác ở biển;
• Tạo thuận lợi cho giao thông hàng hải trong hợp tác với công nghiệp cảng;
• Hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực của các nước đang phát triển;
• Tăng cường bình đẳng giới trong cộng đồng hàng hải; và
• Duy trì hệ thống phản ứng mạnh mẽ để đối phó các mối đe dọa đối với an toàn, an ninh trên biển và bảo vệ môi trường biển
Tất cả tạo thành nền tảng cho ngành vận tải biển trong việc đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả chúng ta. Giờ là lúc chúng ta phải xem xét những gì cần phải làm để đạt được những mục tiêu này.
Vào đầu năm 2020, cùng với các cơ quan của Liên hợp quốc, chúng tôi đã đánh dấu sự khởi đầu của một thập kỷ hành động và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Khi lựa chọn "Vận tải biển bền vững cho một hành tinh bền vững" làm Chủ đề Hàng hải thế giới năm nay, chúng tôi tập trung sự chú ý toàn cầu vào cách mà IMO, các quốc gia thành viên IMO, cộng đồng xã hội và ngành vận tải biển đang làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng vận tải biển tiếp tục và tăng cường sự đóng góp của nó đối với phát triển bền vững.
Khi đại dịch toàn cầu làm đảo lộn tất cả cuộc sống của chúng ta, tôi đã được khuyến khích bởi mức độ hợp tác và cộng tác chưa từng có trong thế giới hàng hải. Tôi đã nói nhiều lần về "Chuyến đi cùng nhau" của chúng ta, bao gồm các quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ và nhiều bên liên quan trong ngành hàng hải. Tuy nhiêm, trong năm nay, tinh thần của lời nói đó vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta cần tận dụng sự sẵn sàng làm việc cùng nhau này khi chúng ta tiến lên, hỗ trợ vận tải biển, thuyền viên và ngành hàng hải hoàn thành trách nhiệm của họ.
Cảm ơn các bạn.