Tái chế tàu thủy an toàn và bền vững

26/08/2020

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (IMO), hoạt động cắt phá tàu cũ là một trong những công việc nguy hiểm nhất trên thế giới. Đây là quá trình cắt nhỏ những con tàu cũ khổng lồ thành từng phần để tận thu nhiều loại nguyên vật liệu. Ngày nay, các công việc này phần lớn được thực hiện tại các nước đang phát triển đi kèm với tỷ lệ tử vong, thương tích và bệnh nghề nghiệp liên quan đến công việc ở mức cao không thể chấp nhận được.


Cắt phá tàu cũ là một trong những công việc nguy hiểm nhất trên thế giới.

Vào tháng 11/2016, 17 người đã thiệt mạng trong một loạt vụ nổ trên một tàu chở dầu cũ tại bãi cắt phá ở Gadani, Pakistan. Riêng trong năm 2019, đã có 26 thợ phá dỡ tàu bị chết được báo cáo ở Bangladesh.

Bản thân việc tái chế tàu là quan trọng và hữu ích. Sau khoảng 30 năm hoạt động, độ bền kết cấu và máy móc của hầu hết các tàu đều xuống cấp và sẽ là không có lợi trong việc đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng chúng. Đây là thời điểm thích hợp cho việc tận thu các vật liệu có giá trị như thép, gang, đồng, nhôm, nhựa … từ kết cấu, trang thiết bị của tàu để tái chế. So với việc đánh chìm hoặc bỏ tàu tự do, cho đến nay tái chế là phương pháp thân thiện với môi trường và kinh tế nhất để loại bỏ những con tàu cũ.

Hầu hết các tàu giải bản được bán để tháo dỡ ngày nay đều đến các nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và gần đây là các nước Tây Phi như Nigeria, Ghana. Ở các nước này, tái chế tàu biển là nguồn sinh lợi, hỗ trợ nhiều sinh kế và là nguồn nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp địa phương.

Một người dân ở Lagos, Nigeria được phỏng vấn trong khuôn khổ nghiên cứu hàn lâm về tái sinh tàu tàu cho biết các thanh niên địa phương nhặt nhạnh các kim loại nặng hợp kim đồng từ các con tàu cũ, đặc biệt là chân vịt.  Theo người này, chỉ riêng một chân vịt có thể kiếm được tới 40.000 bảng Anh. Tại Bangladesh, ước tính có khoảng 36.000 người lao động làm việc trong ngành phá dỡ tàu và một nửa tổng số thép của cả nước được sản xuất từ nguồn phế liệu thu từ các tàu phá dỡ.

Tác động đến con người và môi trường

Một vấn đề ngày càng trở lên rõ ràng, những con tàu khi đi hết vòng đời, chúng sẽ gây ra mối đe dọa cho con người và môi trường. Báo cáo năm 2010 của Ngân hàng Thế giới đưa ra kết quả nghiên cứu đáng tin cậy, ước tính vào năm 2030, Bangladesh và Pakistan sẽ tích lũy hàng triệu tấn chất thải nguy hại từ việc cắt phá tàu.

Con số này bao gồm 85.000 tấn amiăng, 256.000 tấn hóa chất độc hại với tên gọi PCB (Polychlorinated biphenyl) - chủ yếu từ dây cáp điện của tàu, 225.000 tấn chất làm suy giảm tầng ôzôn, 75.000 tấn sơn có chứa kim loại nặng và chất độc, 720 tấn kim loại nặng, gần 2,2 triệu mét khối chất thải hữu cơ lỏng và hơn một triệu tấn chất thải nguy hại khác. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc cắt phá tàu làm ô nhiễm trầm tích và nước biển xung quanh bãi cắt phá, gây hại cho sinh vật biển và rủi ro cho sinh kế của ngư dân.

260820.jpg

Mô hình sàn phá dỡ tàu cũ 4 lớp thân thiện với môi trường

Mặc dù có nhiều lợi ích từ việc cắt phá tàu, nhưng cái giá phải trả liên quan đến an toàn cho con người và môi trường đòi hỏi cấp thiết chúng ta phải có ngành công nghiệp tái chế tàu bền vững hơn.

Một phần của vấn đề là các công ty vận tải biển né tránh các quy định ngặt nghèo về tái chế tàu của các nước phát triển. Theo số liệu thống kế năm 2017, khoảng 80% tổng lượng tàu cũ của toàn cầu được tái chế trong điều kiện thô sơ trên bãi biển Alang ở Ấn Độ, Chittagong ở Bangladesh và Gadani ở Pakistan.

Những con tàu cũ từ các nước phát triển thường được đưa đến các nước đang phát triển dưới vỏ bọc "tàu đang hoạt động" để thực hiện phá dỡ. Bằng cách này, các công ty vận tải biển từ các nước phát triển, đặc biệt là ở Châu Âu, có thể lách luật môi trường rất nghiêm ngặt của quốc gia.

Hướng tới tái chế tàu bền vững

Trong nghiên cứu mới đây, một số nhà khoa học đã xem xét các phương pháp hiện có mà các bãi phá dỡ tàu đang sử dụng và nhận thấy, không có phương pháp nào hoàn toàn hiệu quả trong việc kiểm soát sự phát tán của các vật liệu nguy hiểm từ các con tàu cũ ra môi trường.

Ví dụ, "đưa tàu lên bãi" (beaching) là phương pháp phổ biến nhất, vì có thể tận dụng lợi thế của các bãi biển tự nhiên với vùng thủy triều cao và các bãi bồi dài. Điều kiện tự nhiên như vậy đòi hỏi cơ sở hạ tầng bổ sung tối thiểu cho các cơ sở cắt phá tàu. Đầu tiên, con tàu được thả neo ở ngoài khơi, nơi các vật dụng có thể tháo rời dễ dàng được lấy để làm cho nó nhẹ nhất có thể. Sau đó, khi thủy triều lên, con tàu được di chuyển đến bãi bồi nơi nó được cắt phá hoàn toàn. Việc phá dỡ tàu như vậy làm ô nhiễm các bãi bồi và môi trường xung quanh, phương pháp này không được coi là thận thiện với môi trường.

Thay vào đó, các nhà khoa học đã phát triển một quy trình bền vững và thân thiện với môi trường. Theo đó, các cơ sở phá dỡ tàu ở các nước đang phát triển có thể thực hiện mà không phải chịu chi phí tăng đáng kể. Phương án đề xuất là thực hiện toàn bộ quá trình cắt phá tàu trên sàn phá dỡ được xây dựng đặc biệt chứ không phải trên bề mặt bùn. Bốn lớp khác nhau của sàn phá dỡ, sử dụng vật liệu bê tông, đá cuội và cát, sẽ đảm bảo việc giữ lại tất cả các loại chất thải nguy hại khác nhau, tránh phát tán ra môi trường. Vì mỗi lớp sẽ có mức độ xốp khác nhau và khả năng điều chỉnh cách thức vật liệu đi qua nó, các vật liệu nguy hiểm và chất thải sẽ bị giữ lại một cách hiệu quả và không thể đến được đáy của sàn cắt phá hoặc chảy ra biển.

Mô hình nghiên cứu cho thấy khả năng giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ khả năng các vật liệu nguy hiểm từ hoạt động cắt phá tàu gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Cách tiếp cận được đề xuất này là bền vững trên ba cấp độ: bảo vệ môi trường; cho phép các hoạt động cắt phá tàu tiếp tục mang lại lợi ích cho sinh kế và giảm việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; sử dụng hầu hết các vật liệu tự nhiên sẵn có để xây dựng sàn phá dỡ tàu với giá cả phải chăng và có thể tái sử dụng.