Tác động của COVID-19 đến người đi biển

01/04/2020

Các tổ chức vận tải biển và hiệp hội thuyền viên quốc tế đã kêu gọi các chính phủ tạo điều kiện cho việc đi lại dễ dàng hơn của các thuyền viên, trong bối cảnh nhiều hạn chế được áp đặt tại các cảng do virus corona và việc thiếu các chuyến bay quốc tế khiến hàng ngàn người đi biển bị mắc kẹt sau khi kết thúc hợp đồng làm việc trên tàu.


Vận tải biển cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ COVID-19

Ngày 20/3/2020, Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS), đại diện cho giới chủ tàu và khai thác tàu đã cùng với Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF), đại diện cho 1,5 triều thuyền viên làm việc trên đội tàu thương mại thế giới đã kêu gọi một loạt các tổ chức của Liên hợp quốc có biện pháp giúp đỡ giải quyết vấn đề nêu trên.

Trong thư gửi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ICS và ITF yêu cầu thuyền viên được "miễn trừ phù hợp" trong việc thực hiện các quy định về hạn chế đi lại; họ cần được được đối xử theo cách "thực dụng và cảm thông" trong quá trình đến và rời tàu.

Thông thường có khoảng 100.000 thuyền viên được thay đổi mỗi tháng trên khắp thế giới. Điều đó có nghĩa hiện tại đang có hàng chục ngàn thuyền viên bị mắc kẹt trên bờ hoặc trên tàu bởi cuộc khủng hoảng do COVID-19.

Một số chuyên gia trong ngành vận tải biển cho rằng, điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện thay đổi thuyền viên trên tàu, để tránh tình trạng mệt mỏi về thể chất cũng như tinh thần xảy ra đối với thuyền viên, và họ phải được về với gia đình khi hết thời gian làm việc trên tàu. Các thuyền viên, nhiều người đến từ các quốc gia châu Á nghèo như Philippines, Bangladesh và Ấn Độ, thường làm việc liên tục từ 3 đến 9 tháng trên tàu, sau đó được hồi hương để sống với gia đình trong khoảng thời gian tương tự.

Ông Rajesh Unni, Giám đốc điều hành của Công ty quản lý tàu Synergy Marine Group có trụ sở tại Singapore chuyên cung cấp thuyền viên cho nhiều tàu thương mại, cho biết việc thay đổi thuyền viên "được quản lý cẩn thận" tại các cảng được chỉ định có thể giúp giải quyết khủng hoảng.

Ông Unni nói, khi mọi thứ đứng lại, hàng ngàn thuyền viên hiện đang bị mắc kẹt trên tàu không thể trở về nhà. Những vấn đề liên quan đến COVID-19 đang buộc nhiều công ty vận tải biển yêu cầu thuyền viên tiếp tục làm việc sau khi hết hạn hợp đồng, vì lý do cảng dự kiến cho thuyền viên rời tàu đã từ chối cho thuyền viên lên bờ hoặc chuyến bay dự kiến cho họ hồi hương bị hủy bỏ.

010420.6.jpg

 Hiện đang có hàng chục ngàn thuyền viên bị mắc kẹt trên bờ hoặc trên tàu bởi cuộc khủng hoảng do COVID-19

"Ở nhiều cảng, việc thay đổi thuyền viên chỉ đơn giản là bị cấm", ông Unni nói.

Chính quyền tại một số cảng đang buộc các tàu phải trải qua thời gian cách ly 14 ngày tại vùng neo trước khi vào cảng. Đồng thời, cũng có những thách thức ở nhiều nơi trong việc cung cấp thực phẩm và các đồ dự trữ cho tàu. "Đây là vấn đề an toàn và cũng là vấn đề về sức khỏe tâm thần", ông Unni bổ sung.

Một số nhà khai thác tàu đã xác định những thách thức của việc thay đổi thuyền viên là rất lớn, nên sẽ an toàn hơn khi giữ thuyền viên hiện tại trên tàu. Hãng vận tải biển Maersk Line của Đan Mạch, là nhà điều hành đội tàu container lớn nhất thế giới, cho biết vào ngày 17/3/2020 họ đã đình chỉ tất cả các thay đổi thuyền viên trong ít nhất bốn tuần để giữ an toàn cho thuyền viên. Một nhóm các thuyền viên của tàu Gjertrud Maersk của hãng này đã có kế quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngày 23/3/2020 và họ đã được đưa đến bệnh viện tại thành phố cảng Ninhbo của Trung Quốc.

Công ty khai thác tàu chở hàng rời khô Oldendorff Carrier có trụ sở tại Hamburg, Đức, cũng cho biết họ đang giữ các thuyền viên hiện có trên tàu.

Ông Henrik Jensen, Giám đốc điều hành của Công ty cung cấp thuyền viên Danica Crewing Services tại Hamburg, Đức, cho biết trong sự bùng phát của virus corona, thuyền viên sẽ phải đối mặt với ít rủi ro hơn khi ở lại trên tàu lâu hơn so với kế hoạch làm việc dự kiến.

"Điều mà tôi thực sự quan tâm là điều gì sẽ xảy ra khi có thuyền viên bị nhiễm bệnh trên tàu", ông Jensen nói, "Không có tàu thương mại nào được trang bị để đối phó với thuyền viên bị bệnh nặng từ COVID-19, người có thể cần sự trợ giúp của máy thở và sự chăm sóc y tế đặc biệt."

Tổ chức Hàng hải quốc tế, và các cơ quan khác của Liên hợp quốc giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ sức khỏe của thuyền viên trên toàn thế giới, hiện chưa đưa ra chính sách toàn diện về cách đảm bảo tàu có thể tiếp tục hoạt động trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát./.