Vận tải biển lỗ “leo thang” với nhiên liệu mới

20/02/2020

Doanh nghiệp vận tải biển còn gặp khó về chi phí phát sinh cho nhiên liệu mới sau hơn một tháng triển khai quy định của IMO.

Keyword đầu tiên có dấu

Chưa kể việc bù lỗ, hãng tàu phải mất khá nhiều chi phí thay một số phụ tùng, linh kiện để phù hợp với nhiên liệu mới

Chật vật vì quy định của IMO

Từ ngày 1/1/2020, theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), tất cả các tàu phải sử dụng nhiên liệu hàng hải với hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5% so với mức giới hạn hiện nay là 3,5%.

Ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết, tuân thủ theo quy định của IMO, Vosco đã thực hiện chuyển đổi nhiên liệu mới và thực hiện phụ thu phí nhiên liệu kể từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, mức phụ thu này chỉ là chia sẻ với hãng tàu chứ chưa thể bù đắp chi phí hoạt động.

Theo ông Hoài, mức phụ thu đối với các container có hàng và container vỏ rỗng được vận chuyển trên tất cả các tuyến nội địa hiện Vosco đang thu của chủ hàng là 300.000 đồng/container. Một chuyến đi của tàu container từ Hải Phòng vào Sài Gòn và ngược lại hết trung bình khoảng 82 tấn dầu. Giá dầu FO mới trên thế giới hiện khoảng 550 USD/tấn, tăng 230 USD/tấn so với dầu FO cũ. Mức chênh lệch giá dầu cũ/mới khoảng 18.860 USD (tương đương 433,7 triệu đồng). Tổng số hàng một chuyến tàu quay vòng khoảng 550 teus.

Tính ra chi phí vận chuyển khoảng 800.000 đồng/teus, trừ đi mức phụ thu 300.000 đồng thu từ chủ hàng, DN vẫn phải bù lỗ 500.000 đồng/teus khi sử dụng nhiên liệu mới. Chưa kể, hãng tàu phải mất khá nhiều chi phí để thay một số phụ tùng, linh kiện máy móc như: Kim phun, xéc-măng… để phù hợp với nhiên liệu mới.

Lãnh đạo Vosco cũng bày tỏ sự lo lắng khi những tháng đầu năm, hoạt động vận tải cũng ảnh hưởng nghiêm trọng từ tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến lượng hàng và giá cước giảm mạnh. “Theo tính toán, dịch bệnh khiến sản lượng hàng hóa container giảm khoảng 20%, các mặt hàng đến và đi từ Trung Quốc giảm mạnh (khoảng 50%). Giá cước hàng khô cũng tụt sâu khoảng 50%. Việc sụt giảm trên khiến hãng tàu càng lao đao khi chi phí sử dụng nhiên liệu mới khiến chi phí vận hành tàu gia tăng, mức bù lỗ cũng “leo thang”, ông Hoài chia sẻ.

Theo ông Hoàng Lê Vượng, Phó trưởng Phòng Tàu biển và Quản lý thuyền viên (Tổng công ty Hàng hải VN), khó khăn tại thời điểm chuyển đổi nhiên liệu mới với các DN vận tải biển còn đến từ việc xung đột chính trị giữa Mỹ - Iran khiến giá dầu FO cải tiến thế giới tăng vọt lên hơn 800 USD/tấn, gấp đôi so với nhiên liệu cũ và gấp khoảng 1,4 lần so với giá dầu FO cải tiến ở thời điểm bình ổn. “Dù mức giá cao ngất ngưởng đó chỉ diễn ra trong vài ngày, song nó khiến chi phí mua nhiên liệu của DN vận tải chạm mức khổng lồ, đặc biệt là DN có đội tàu hơn 70 tàu như Vinalines”, ông Vượng nói.

Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept cho biết, sau khi chuyển đổi nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,5%, Gemadept đã thực hiện thu phụ phí từ 35 - 40 USD/cont’20 để bù đắp chi phí. Song, khó khăn trong việc thực thi quy định mới của IMO là tại Việt Nam, nguồn cung ứng nhiên liệu còn ít. “Do “cõng” thêm các khoản thuế, phí nên giá dầu FO mới trong nước cũng cao hơn giá dầu thế giới. Như thời điểm hiện tại, dầu FO cải tiến trên thế giới là 550 USD/tấn thì tại Việt Nam khoảng hơn 600 USD/tấn”, ông Long nói.


Từ ngày 1/3/2020, tất cả các tàu sẽ không được chở nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 0,5% để sử dụng trên tàu

Phụ phí có tiếp tục tăng?

“Trên cơ sở Nghị quyết MEPC.305(73) ngày 26/10/2018 về sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI Công ước MarPol, ngày 20/1/2020, Tổ chức Tokyo MoU và Paris MoU đã ra thông cáo chung về “Cấm chở nhiên liệu không tuân thủ”. Theo đó, từ ngày 1/3/2020, tất cả các tàu sẽ không được chở nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 0,5% để sử dụng trên tàu. Điều này có nghĩa, từ ngày 1/3, các tàu biển phải giải phóng toàn bộ nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5% khỏi các két chứa dầu phục vụ tàu hoạt động.”

Trước thực trạng thu không đủ chi trong hoạt động vận tải, đại diện Vosco và Gemadept đều khẳng định, mức phụ phí nhiên liệu mới đối với hàng hóa chắc chắn sẽ còn tiếp tục được nâng lên.

“Thời điểm căn chỉnh phụ phí còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Mức thu trung bình của các hãng tàu để đảm bảo tính cạnh tranh hàng hóa, sự biến động của giá dầu…”, ông Bùi Việt Hoài nói.

Liên quan đến hoạt động kiểm soát phương tiện trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh 0,5% trong nhiên liệu, đại diện Phòng An toàn - An ninh hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, ngay khi quy định của IMO có hiệu lực, Cục đã yêu cầu các cảng vụ kiểm tra Nhà nước tại cảng biển đối với tàu nước ngoài đến Việt Nam thuộc diện áp dụng của Công ước.

“Việc kiểm tra sẽ được tiếp tục tiến hành theo định kỳ quy định của Tokyo MOU. Tàu nào thuộc danh sách “đen” (có mức độ rủi ro cao) sẽ kiểm tra từ 2 - 6 tháng/lần, tàu có mức độ rủi ro thấp sẽ kiểm tra từ 12 - 18 tháng/lần, tàu mức độ rủi ro bình thường sẽ được kiểm tra từ 6 - 9 tháng/lần”, đại diện này nói.

Theo đại diện Phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải VN), để đảm bảo hiệu quả thực thi quy định của IMO, Cục Hàng hải VN liên tục có văn bản thúc các cảng vụ đẩy mạnh tuyên truyền, gửi thư cảnh báo sớm về tuân thủ ngưỡng hàm lượng lưu huỳnh 0,5% cho các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu biển, thuyền trưởng của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại vùng nước cảng biển thuộc phạm vi quản lý.

Để kiểm soát mức phụ thu nhiên liệu, đảm bảo quyền lợi cho DN xuất nhập khẩu, Cục đã yêu cầu các hãng tàu/DN được ủy quyền thực hiện đúng quy định về niêm yết các thông tin theo quy định tại Nghị định số 146/2016 của Chính phủ.