Xử lý nước thải sinh hoạt trên phương tiện thủy

03/01/2018

Vừa qua, Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ của Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất nghiệm thu đề án “Xây dựng mô hình xử lý và ứng dụng công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt biofast 3G trên phương tiện thủy” mã số: MT 163007; Cơ quan chủ trì là Cục Đăng kiểm Việt Nam.

DSC09325.JPG

Đánh giá kết quả thực hiện đại diện Hội đồng nhiệm thu cho biết; Đề án đã được thực hiện đúng tiến độ được nêu trong đề cương được duyệt với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, các sản phẩm của đề án đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Một số nét nổi bật của đề án: Đưa ra được mô hình thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt dùng trên các phương tiện thủy trên nguyên tắc công nghệ xử lý truyền thống và phù hợp với đặc điểm cấu trúc của phương tiện thủy cũng như  thói quen sử dụng nhà vệ sinh của thuyền viên. Đó là mô hình kết hợp phương pháp yếm khí và hiếu khí (bùn hoạt tính) với giá thể vi sinh di động (MBBR) gồm 04 quá trình (Nạp chứa, phản ứng, lắng, khử trùng).

Căn cứ vào chúng loại kích thước các phương tiện thủy dự kiến lắp đặt thử nghiệm, đã hoàn thiện chế tạo 03 thiết bị xử lý nước thải (sản lượng 1 m3/ngày; 1,5 m3/ngày và 2 m3/ngày) với kiểu dáng công nghiệp và vật tư, thiết bị phù hợp sử dụng trên phương tiện thủy. Đặc biệt toàn bộ quá trình hoạt động của thiết bị được thiết kế tự động hoàn toàn bằng việc ứng dụng bộ điều khiển khả trình PLC kết hợp màn hình tương tác-HMI, quá trình tự động hồi bùn theo thời gian đặt trước từ khoang lắng về khoang phản ứng làm cho quá trình xử lý nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Các thiết bị đã được thử nghiệm tại xưởng và được lắp đặt thử nghiệm trên 03 phương tiện thủy nội địa có công dụng khác nhau (bao gồm: 1.Tàu hàng khô NB 8183, mang cấp VR-S1; 2. Tàu khách ngủ đêm Vịnh Hạ long ORCHID CRUISE, mang cấp VR-SB; 3. Tàu tham quan chạy ngày (tàu tiếng) trên Vịnh Hạ Long DAYTIME ORCHID CRUISE, mang cấp VR-SI). Kết quả thử nghiệm cả trên bờ và dưới tàu cho thấy, các thiết bị hoạt động ổn định, dòng nước thải đầu ra đạt yêu cầu ở cột B của QCVN 14: 2008/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.


Đề án đã đề xuất 01 dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia "Thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt trên phương tiện thủy nội địa- Yêu cầu kỹ thuật và thử nghiệm" và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xây dựng và công bố.

Về hiệu quả bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế và hiệu quả công tác quản lý ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Quy Phạm-Cục ĐKVN, Chủ nhiệm đề án cho biết; Kết quả thử nghiệm cho thấy công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt được lựa chọn có khả năng xử lý nước thải đầu ra đạt quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, thời gian xử lý nhanh, hiệu quả loại bỏ các thông số ô nhiễm cao (~85%-95%).

Với việc lắp đặt thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn lên các phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là các tàu chở khách du lịch mang lại một giải pháp tổng thể và triệt để trong việc ngăn ngừa ô nhiễm mặt nước do nước thải sinh hoạt gây ra. Tăng cao hiệu lực quản lý liên quan đến các hoạt động bảo vệ môi trường.

Hiện tại thiết bị được chế tạo lần đầu, đơn lẻ nên giá thành tương đối cao. Tuy vậy, căn cứ khối lượng công việc và vật tư được nội địa hóa, ước tính giá thành thiết bị nếu được chế tạo hàng loạt (trên 10 thiết bị cho mỗi loại) sẽ thấp hơn thiết bị cùng loại nhập khẩu từ Hàn quốc, Trung quốc khoảng 10% đến 30% và thấp hơn nhiều so với các thiết bị nhập khẩu từ các nước phát triển khác (Nhật bản, Châu Âu).