Thắt chặt quản lý an toàn và chất lượng xe đạp điện

07/11/2013

Ngày 5/11, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện. Đây là hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng loại bỏ các xe không đảm bảo an toàn và chất lượng trước khi đến tay người sử dụng.

Trước đó, bằng Thông tư 41/2013/TT-BGTVT, bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện (QCVN 68: 2013/BGTVT) cũng đã được Bộ GTVT ban hành để áp dụng đối với xe được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.

Xe đạp điện là loại phương tiện mới xuất hiện và được người dân sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, chủ yếu được nhập khẩu từ Trung quốc. Do đó, trong Luật GTĐB mới chỉ có các quy định về xe thô sơ mà chưa có các quy định quản lý chất lượng trong sản xuất, lắp ráp cũng như nhập khẩu và quản lý xe đạp điện. Thông tư 41/2013/TT-BGTVT vừa được Bộ GTVT ban hành đưa ra những Quy định cụ thể về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện từ khâu sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh, kiểm tra, thử nghiệm, quản lý và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện này.

Cùng với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 68: 2013/BGTVT về xe đạp điện, Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 quy định rõ các bước kiểm tra từ khâu thử nghiệm mẫu, đăng ký chất lượng, kiểm tra chất lượng xe sản xuất, lắp ráp và xe nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật... sẽ giúp các cơ quan chức năng loại bỏ được loại phương tiện chưa đủ điều kiện an toàn và chất lượng.

Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt chẽ quá trình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe đạp điện. Các cơ sở sản xuất chỉ được sản xuất, lắp ráp các xe sau khi đã được cấp giấy chứng nhận và phải đảm bảo các xe này phù hợp với hồ sơ đăng ký, mẫu đã được thử nghiệm và phê duyệt. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các xe xuất xưởng. Căn cứ vào Giấy chứng nhận được cấp và kết quả kiểm tra, cơ sở sản xuất có thể nhận tem hợp quy sau 2 ngày làm việc kể từ khi nộp danh sách xe xuất xưởng. Tem hợp quy phải được dán cho từng xe xuất xưởng tại vị trí trên khung xe, phía bên phải, nơi dễ thấy và khó bị phá hủy. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý chất lượng có thể tiến hành kiểm tra, giám sát việc dán tem hợp quy cho các xe xuất xưởng. Xe đạp điện nhập khẩu cũng phải được dán tem hợp quy đúng vị trí quy định để cơ quan quản lý chất lượng dễ dàng thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Nhằm ngăn chặn và loại bỏ các loại xe tương tự như xe đạp điện nhưng tốc độ cao, không đảm bảo an toàn và chất lượng, Bộ GTVT cũng quy định cụ thể việc kiểm tra chất lượng xe lưu thông trên thị trường. Theo đó, các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chất lượng xe đang bán trên thị trường theo các tiêu chuẩn, phải phù hợp với hồ sơ đăng ký. Nếu có dấu hiệu không phù hợp thì cơ quan quản lý chất lượng lấy mẫu để thử nghiệm. Kết quả kiểm tra xe lưu thông trên thị trường là một trong những căn cứ để cơ quan quản lý chất lượng yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu triệu hồi xe nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người sử dụng.