Kỳ họp lần thứ 67 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển của IMO tại Luân Đôn

16/10/2014

Ủy ban bảo vệ môi trường biển (MEPC) của tổ chức hàng hải thế giới (IMO) đã nhóm họp kỳ họp lần thứ 67 từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 10 năm 2014 tại trụ sở của IMO tại thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh.


Tham dự kỳ họp có các đoàn đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên chính phủ. Theo ủy quyền của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cử ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển tham dự kỳ họp này.

Chương trình làm việc tại kỳ họp này bao gồm: xem xét lại các điều khoản về môi trường trong Bộ luật bắt buộc đối với các tàu hoạt động tại vung cực của trái đất (gọi tắt là Polar Code) và dự thảo các bổ sung sửa đổi Công ước MARPOL để làm cho Bộ luật có hiệu lực bắt buộc; thực thi Công ước quản lý nước dằn; xem xét các bổ sung sửa đổi MARPOL đã được đề xuất; xem xét kết quả nghiên cứu về khí gây hiệu ứng nhà kính và các công việc tiếp tục để thực thi các quy định sử dụng năng lượng hiệu quả.

Các nội dung thảo luận chính tại kỳ họp này sẽ bao gồm:

1. Dự thảo các điều khoản về môi trường của Bộ luật vùng cực (Polar Code)

MEPC dự kiến sẽ xem xét lại các yêu cầu về môi trường trong dự thảoBộ luật quốc tế bắt buộc đối với các tàu hoạt động trong vùng cực (Bộ luật vùng cực), và các bổ sung sửa đổi MARPOL liên quan để làm cho Bộ luật trở thành bắt buộc với định hướng sẽ phê duyệt tại kỳ họp này và sẽ thông qua tại kỳ họp sau (MEPC 68 dự kiến vào tháng 5 năm 2015). Một nhóm công tác liên lĩnh vực sẽ họp trước kỳ họp của MEPC để xem xét các yêu cầu và sẽ báo cáo kết quả tới MEPC.


Ảnh: Kỳ họp lần thứ 67 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển của IMO tại Luân Đôn Vương quốc Anh

Dự thảo Bộ luật vùng cực sẽ bao trùm đầy đủ các vấn đề liên quan đến thiết kế, đóng tàu, trang thiết bị, khai thác tàu, đào tạo, tìm kiếm và cứu nạn, và bảo vệ môi trường đối với các tàu hoạt động tại các vùng nước bao quanh hai cực của trái đất. Dự thảo các điều khoản về môi trường bao gồm các yêu cầu ngăn ngừa ô nhiễm do dầu, do chất lỏng độc, nước thải sinh hoạt, và rác thải.

2. Tình hình Công ước BWM và công nghệ xử lý nước dằn

MEPC sẽ xem xét tình hình tham gia Công ước Quốc tế về Kiểm soát và Quản lý nước dằn và cặn nước dằn (Công ước BWM), 2004. Điều kiện có hiệu lực của Công ước đã gần được đáp ứng về tổng dung tích đội tàu. Số các quốc gia phê chuẩn tham gia Công ước hiện tại là 41 chiếm 30,25% tổng dung tích đội tàu thế giới.

Công ước BWM sẽ có hiệu lực sau 12 tháng khi có không ít hơn 30 quốc gia phê chuẩn tham gia có tổng dung tích đội tàu không nhỏ hơn 35% tổng dung tích đội tàu thế giới.

MEPC sẽ xem xét một số đề xuất nhằm mục đích hỗ trợ thực thi Công ước BWM. Dự thảo hướng dẫn cho PSC theo Công ước BWM mà đã được phê chuẩn bởi Tiểu ban về Thực thi các văn kiện của IMO (III) sẽ được xem xét với quan điểm để thông qua. MEPC đã được yêu cầu quyết định về các phần của dự thảo hướng dẫn liên quan đến lấy mẫu và phân tích để xác nhận tuân thủ/ không tuân thủ công ước.

MEPC cũng sẽ xem xét các tài liệu đệ trình liên quan đến nghị quyết được đề xuất về biện pháp phải thực hiện để thúc đẩy Công ước BWM có hiệu lực cũng như dự thảo và các điều khoản tham chiếu cho một nghiên cứu được đề xuất về thực thi tiêu chuẩn nước dằn được nêu trong Quy định D-2 của Công ước.

Dự thảo hướng dẫn về hoạt động hút vét sử dụng bơm phụt cũng sẽ được MEPC xem xét.

Các hệ thống xử lý nước thải có sử dụng hoạt chất sẽ được xem xét để Phê duyệt cơ bản (1 hệ thống) và Phê duyệt lần cuối (3 hệ thống), MEPC xem xét các báo cáo kỳ họp lần thứ 28 và 29 của Nhóm chuyên gia về các lĩnh vực khoa học của Bảo vệ Môi trường biển (GESAMP), Nhóm công tác về nước dằn.

3. Các dự thảo bổ sung sửa đổi MARPOL được đưa ra để thông qua

MEPC sẽ xem xét để thông qua các dự thảo bổ sung sửa đổi:

- Quy định 43 Phụ lục I MARPOL (các yêu cầu đặc biệt đối với việc sử dụng hoặc chuyên chở dầu trong khu vực Nam cực), để nghiêm cấm các tàu chở dầu nặng như là nước dằn;

- Phụ lục VI MARPOL liên quan đến quy định 2 (Định nghĩa), quy định 13 (Ô xít nitơ (NOx)) và Phụ bản giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm không khí (GCN IAPP), để bao gồm cả các động cơ sử dụng khí và khí-nhiên liệu;

- Phụ lục III MARPOL liên quan đến phụ bản về tiêu chí xác định các chất nguy hiểm ở dạng bao gói;

- Phụ lục V MARPOL để thay thế Nhật ký đổ rác bằng phiên bản mới cập nhật.

    4. Nghiên cứu năm 2014 của IMO về khí gây hiệu ứng nhà kính

    MEPC sẽ xem xét nghiên cứu cập nhật về khí gây hiệu ứng nhà kính phát thải từ tàu. Kết quả nghiên cứu lần thứ 3 của IMO về khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) đã ước tính rằng ngành vận tải biển quốc tế đã thải ra 769 triệu tấn khí CO2 và năm 2012 so với 847 triệu tấn vào năm 2007 (theo kết quả nghiên cứu lần thứ 2 vào năm 2009). Lượng phát thải này chiếm 2,2% tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu vào năm 2012 và 2,7% vào năm 2007.

    Tuy nhiên viễn cảnh vì phát triển kinh tế tiếp tục chỉ ra rằng các phát thải tiếp tục tăng từ 50% đến 250% trong giai đoạn đến năm 2050 tùy theo mức độ phát triển kinh tế và năng lượng trong tương lai.

    5. Các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng đối với tàu

    MEPC tiếp tục công việc xây dựng các hướng dẫn để hỗ trợ việc thực thi thống nhất các quy định về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với tàu đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

    Tại kỳ họp này MEPC sẽ xem xét dự thảo sửa đổi bổ sung Hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) và dự thảo bổ sung sửa đổi Hướng dẫn tạm thời 2013 để xác định công suất đẩy tối thiểu để duy trì khả năng điều động của tàu trong điều kiện xấu.

    MEPC cũng xem xét báo cáo của nhóm công tác qua thư, nhóm được thành lập để xây dựng một hệ thống thu thập dự liệu về tiêu thụ nhiên liệu của tàu bao gồm cả xác định các yếu tố chủ chốt của hệ thống.

    6. Sửa đổi phiếu giao nhận nhiên liệu

    MEPC sẽ xem xét đề xuất dự thảo sửa đổi đối với các thông tin phải có trong phiếu giao nhận nhiên liệu (phụ bản V của Phụ lục VI MARPOL) để có thể bao trùm cả việc sử dụng phương pháp tuân thủ tương đương được phê duyệt.

    7. Phương pháp xem xét phát thải lưu huỳnh

    MEPC sẽ xem xét một báo cáo tạm thời từ nhóm công tác qua thư về xây dựng phương pháp và các điều khoản tham chiếu để xem xét về sẵn sàng của nhiên liệu để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong quy định. (theo yêu cầu của Quy định 14 Phụ lục VI MARPOL (SOx, PM)).

    Hàm lượng lưu huỳnh (tính bằng % m/n - về khối lượng) có trong nhiên liệu sử dụng trên tàu phải không vượt quá 3,5% m/m (ngoài vùng kiểm soát phát thải (ECA)) sẽ giảm xuống 0,50% m/m từ ngày 01/01/2020 trở đi. Tùy theo kết quả xem xét sẽ được hoàn thành vào năm 2018 về sự sẵn có của nhiên liệu phù hợp với quy định, yêu cầu này có thể được lùi đến ngày01/01/2025.

    Trong khu vực kiểm soát phát thải hàm lượng lưu huỳnh không vượt quá 1,0% sẽ giảm xuống 0,10% vào và sau ngày 01/01/2015.

    8. Chất lượng nhiên liệu

    MEPC sẽ xem xét các đề xuất xây dựng các biện pháp khả thi kiểm soát chất lượng nhiên liệu trước khi được cấp cho tàu.

    9. Xem xét định nghĩa về muội than (Black Carbon)

    MEPC sẽ xem xét định nghĩa phát thải "black carbon" từ ngành vận tải biển quốc tế, có tính tời báo cáo của Tiểu ban về Ứng phó và Ngăn ngừa ô nhiễm (PPR 1) với quan điểm để xác định các phương pháp đo phát thải muội than từ vận tải biển quốc tế.

    10. Công ước tái sinh tàu

    MEPC sẽ xem xét báo cáo của nhóm công tác qua thư được giao nhiệm vụ xây dựng các giá trị ngưỡng, các miễn giảm áp dụng đối với các vật liệu phải được liệt kê trong Danh mục các vật liệu nguy hiểm theo yêu cầu của Công ước tái sinh tàu (Công ước Hong Kong 2009)