Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu hội tụ đủ điều kiện có hiệu lực

18/04/2014

Ngày 14 tháng 4 năm 2014, Đan Mạch là quốc gia thứ 10 đệ trình văn bản phê chuẩn Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu lên Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tạo thành dấu mốc để công ước này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14 tháng 4 năm 2015.


Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu đưa ra quy tắc quốc tế đồng nhất nhằm đảm bảo việc di rời nhanh chóng và hiệu quả xác tàu đắm. Công ước cũng bao gồm điều khoản cho phép các quốc gia thành viên được lựa chọn trong việc áp dụng một số quy định nhất định trong lãnh thổ của mình, bao gồm cả lãnh hải quốc gia.

Công ước tạo ra cơ sở pháp lý thích hợp đối với các quốc gia trong việc di dời xác tàu đắm có thể tạo ra các tác động bất lợi đối với an toàn sinh mạng con người, hàng hóa và tài sản trên biển, cũng như môi trường biển và môi trường ven bờ biển. Theo quy định của công ước, chủ tàu phải chịu trách nhiệm tài chính và yêu cầu họ phải mua bảo hiểm hoặc có biện pháp an ninh tài chính khác để bù đắp các chi phí phát sinh trong việc di rời xác tàu. Công ước cũng cho phép các quốc gia có quyền hành động trực tiếp đối với các nhà bảo hiểm.

Các điều khoản của Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu bao gồm các quy định về:

  • Báo cáo và xác định vị trí tàu và xác tàu, bao gồm báo cáo tai nạn cho quốc gia ven bờ biển gần nhất; cảnh báo cho người đi biển và các quốc gia ven bờ về xác tàu đắm; và hành động của quốc gia ven bờ để xác định vị trí tàu và xác tàu;
  • Các tiêu chí để xác định các nguy hại do xác tàu tạo ra, bao gồm chiều sâu nước ở trên xác tàu, khoảng cách đến các tuyến hành hải, mật độ và tần suất giao thông, loại giao thông và tính dễ bị tổn thương của cảng biển. Các tiêu chí môi trường, chẳng hạn như các thiệt hại có thể xảy ra do hàng hóa hoặc dầu từ tàu bị thoát ra ngoài, cũng được quy định cụ thể trong Công ước.
  • Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh thải xác tà, bao gồm quyền và nghĩa vụ trong việc di rời tàu và xác tàu nguy hại, được thực hiện khi chủ tàu chịu trách nhiệm thanh thải xác tàu và khi một quốc gia có thể can thiệp vào công việc này.
  • Trách nhiệm của chủ tàu đối với các chi phí liên quan đến việc xác định vị trí, đánh dấu và thanh thải tàu và xác tàu. Chủ tàu đăng ký chịu trách nhiệm duy trì bảo hiểm bắt buộc hoặc hình thức an ninh tài chính khác để bảo hiểm trách nhiệm theo quy định của Công ước.
  • Việc giải quyết các tranh cấp, bất đồng liên quan đến thanh thải xác tàu.

Mặc dù các tại nạn hàng hải đã giảm trong những năm gần đây nhờ vào hoạt động của IMO và các nỗ lực bền bỉ của các chính phủ cũng như ngành công nghiệp hàng hải quốc tế nhằm tăng cường an toàn trong khai thác tàu biển; tuy nhiên, số lượng xác tàu bị bỏ rơi trên thế giới được báo cáo vẫn đang tăng lên. Thực trạng này làm cho các vấn đề liên quan đến xác tàu đắm đối với các quốc gia và ngành vận tải biển nói chung trở lên trầm trọng hơn.

Các vấn đề do xác tàu đắm gây ra có thể bao gồm: thứ nhất, tùy thuộc vào vị trí, xác tàu có thể tạo ra nguy hiểm đối với hành hải, gây nguy hiểm tiềm tàng cho các tàu khác và thuyền viên làm việc trên tàu; thứ hai, cũng tạo ra sự quan ngại tương tự, hàng hóa vận chuyển trên tàu và dầu thoát ra có thể gây nguy hại đối với môi trường biển và môi trường ven bờ biển; thứ ba, trong thời đại hàng hóa và dịch vụ ngày càng trở lên đắt đỏ, là vấn đề chí phí liên quan đến việc đánh dấu và thanh thải xác tàu nguy hiểm; và thứ tư, hầu hết các xác tàu nguy hiểm đều nằm ở vùng nước nông ven bờ biển, thuộc lãnh hải của quốc gia, nơi mà quốc gia ven bờ có các quyền không hạn chế trong việc thanh thải xác tàu mà không có sự tham gia của chủ tàu. Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu nhằm mục đích giải quyết bốn vấn đề nói trên và các vấn đề liên quan khác.

Công ước quốc tế Nairobi về thanh thải xác tàu được IMO thông qua tại hội nghị quốc tế kéo dài năm ngày tổ chức tại văn phòng của Liên hợp quốc ở Nairobi, Kênia, năm 2007.