Sau một thời gian dài chờ đợi, công nghiệp ô tô và sản xuất phụ tùng đã được lựa chọn để nhận hỗ trợ từ Nhật Bản. Đây là tin vui cho công nghiệp ô tô Việt Nam, hy vọng với hỗ trợ từ quốc gia có công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới, sản xuất Việt Nam sẽ khá lên và giá sẽ rẻ đi.
Sức ép xe giá rẻ từ Asean
Để thúc đẩy quá trình này, Phía Nhật Bản đề nghị Việt Nam cùng xây dựng một kế hoạch hành động phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Trong đó, vấn đề quan trọng là xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút các DN đầu tư lớn cho ngành công nghiệp này.
Mới đây Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản cùng các DN ô tô Việt Nam và Nhật Bản đã nhóm họp để bàn về vấn đề này.
Để phát triển công nghiệp ô tô, hai bên thống nhất trước hết phải có thị trường. Nhà sản xuất có đầu tư vào Việt Nam hay không trước hết căn cứ vào mức tiêu thụ. Tức là phải có thị trường đủ lớn cùng các định hướng phát triển ô tô dài hạn để từ đó nhà sản xuất dự báo được thị trường và đi tới quyết định sản xuất.
Phía Nhật Bản cho rằng, cần phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam qua 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến 2018, tập trung ban hành các chính sách để giữ chân nhà sản xuất.
Bởi vì, đến 2018, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước Asean về Việt Nam giảm xuống còn 0% thì xe nhập khẩu sẽ rẻ hơn xe lắp ráp trong nước. Do vậy các chính sách cần ưu đãi để giữ chân các nhà sản xuất ô tô lớn ở lại Việt Nam. Nếu tất cả các DN ô tô rút đi thì công nghiệp ô tô chẳng thể nào phát triển.
Giai đoạn sau 2018, Việt Nam bước vào giai đoạn ô tô hóa với nhu cầu về xe tăng cao và DN sẽ thúc đẩy sản xuất cũng như đẩy mạnh nội đại hóa.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn khó khăn bởi thuế nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% thì chính sách phải làm thế nào để thúc đẩy được sản xuất trong nước là điều quan trọng. Đến nay phía Việt Nam chưa hề có kế hoạch nào cho giai đoạn này.
Theo công ty Nissan Techno Việt Nam, dù mới đầu tư vào Việt và sắp đi vào sản xuất, nhưng để duy trì sản xuất sau năm 2018 hay không còn đang được xem xét và phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ. Các DN ô tô khác như Toyota, Ford, Honda… cho biết, nếu chính sách ổn định thì họ vẫn ở lại chờ thời kỳ ô tô hóa thay chưa rõ đi hay ở như hiện nay.
Đồng loạt giảm thuế
Đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp ô tô, đặc biệt là về các mức thuế.
Theo đó, Bộ này đề nghị giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L, hoặc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược.
Bên cạnh đó áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc mức sàn với các linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Giữ mức thuế nhập khẩu cao với xe nguyên chiếc cho tới 2018 mới hạ về 0%.
Trước các đề xuất của Bộ Công thương, các cơ quan chức năng đang nghiêng về phương án giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược.
Tuy nhiên, một số DN cho rằng khoảng cách này không có sự chênh lệch lớn sẽ không giúp thúc đẩy các DN đầu tư vào phát triển dòng xe chiến lược. Theo đó, nên chọn phương án giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe dưới 2.0L và giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược.
Dự kiến cho tới kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 thì Quốc hội mới bàn về việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, các chính sách về công nghiệp ô tô sẽ được xây dựng và có hiệu lực từ 2015.
Về dòng xe chiến lược, các DN cho rằng dù được cân nhắc đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Làm rõ về dòng xe chiến lược sẽ giúp các nhà sản xuất lập kế hoạch hỗ trợ Chính phủ một cách kịp thời.
Bộ Công thương cho biết, dòng xe chiến lược được xây dựng trên các tiêu chí như tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 4, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đang là thách thức lớn. Ngày 24/2/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo các DN, chính sách này khó đi vào thực tế vì các quy định rất chung chung không thể thực hiện được nên nó không đem lại tác dụng. Những ưu đãi đưa ra không đủ lớn, điều kiện yêu cầu rất khó khăn, mất thời gian nên ra đời hơn 2 năm nay mới chỉ có 2 DN đang đề xuất mà chưa được phê duyệt.
Để khắc phục điều này, Nhật Bản cũng đề nghị phải xây dựng cơ chế giám sát cụ thể để biết: ai làm cái gì, làm như thế nào, cần những gì và khi nào làm xong… bởi chính sách của Việt Nam đi vào thực tế rất yếu.
Lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực AFTA:
Năm 2014 giảm còn 50%, 2015 còn 35%, 2016 còn 20%, 2017 còn 10% và 2018 còn 0%.
Đề nghị Bộ Tài chính giữ nhịp cao đến năm 2017:
Năm 2014 giảm còn 50%, 2015 giữ 50%, 2016 còn 40%, 2017 còn 30% và 2018 còn 0%.