Nhật giúp đào tạo nhân lực làm đường sắt cao tốc

29/04/2011

Tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Nhằm tiếp cận công nghệ đường sắt cao tốc của Nhật Bản, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Đường sắt Trung Nhật (JR Tokai) đã ký Biên bản ghi nhớ đào tạo học viên năm 2011.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ gửi 4 học viên học tập và làm việc tại các cơ sở của Công ty Đường sắt Trung Nhật về các chuyên ngành như thông tin tín hiệu, đường, toa xe.

Theo “Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đến năm 2020 sẽ đưa một số đoạn đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào khai thác. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này gặp nhiều khó khăn nhất là việc huy động vốn bởi đầu tư đường sắt cao tốc đòi hỏi cần số vốn rất lớn và không thể dễ dàng huy động ngay được.



Ảnh minh hoạ (Internet)

Ngoài ra, nguồn nhân lực để thực hiện dự án cũng là một thách thức lớn đối với ngành đường sắt Việt Nam. Tàu cao tốc là lĩnh vực sử dụng công nghệ cao (tàu chạy từ 300 km/giờ trở lên và sử dụng công nghệ tự động, điện khí hóa), trong khi đó nguồn nhân lực của ta chưa sẵn sàng và phải mất một quá trình để đào tạo và chuẩn bị các điều kiện.

Để cán bộ, kỹ sư và công nhân đường sắt Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ làm đường sắt cao tốc của Nhật Bản, trong 2 năm qua (từ năm 2009-2010), phía Nhật Bản đã giúp Đường sắt Việt Nam đào tạo 14 cán bộ về công nghệ đường sắt cao tốc.

Ngoài việc giúp Việt Nam đào tạo nhân lực, vào đầu tháng 11/2010, phía Nhật Bản còn có công hàm đề xuất với Việt Nam chương trình hợp tác nghiên cứu lập dự án đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.

Phía Nhật Bản đã đề xuất bổ sung chương trình hợp tác kỹ thuật Nghiên cứu lập dự án đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang vào các Chương trình trong năm tài khóa 2010 của Nhật Bản. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng có công hàm gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng ý tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật bổ sung của Nhật Bản.