Dự án đường sắt xuyên Á

19/11/2009

Kế hoạch hoàn thiện dự án đường sắt (ĐS) xuyên Á khổng lồ gặp phải trở ngại về chi phí quá cao tại Campuchia. Nhu cầu xây dựng nhiều chiếc cầu ở vùng châu thổ sông Mekong sẽ làm tăng tổng kinh phí xây dựng tuyến ĐS nối Campuchia đến biên giới với Việt Nam.

Theo những dự toán mới, thì kinh phí xây dựng cho đoạn đường từ Phnom Penh đến Việt Nam là khoảng 600 triệu USD. Theo phúc trình nghiên cứu về kỹ thuật sơ khởi thì hai chiếc cầu lớn - một chiếc dài một ngàn mét bắc qua sông Mekong, và một chiếc dài 1.500 mét bắc qua biển hồ Tonle Sap - sẽ là hai hạng mục lớn. Cuộc nghiên cứu do Trung Quốc tài trợ sắp được phổ biến, ước tính kính phí xây hai cầu này vào khoảng 262 triệu USD.

Hơn 100 triệu USD sẽ được dùng để xây dựng những chiếc cầu nhỏ hơn để bảo đảm việc di chuyển an toàn trên khắp vùng châu thổ sông Mekong.

Campuchia chia mạng lưới ĐS của nước này thành hai hệ thống. Tập đoàn ĐS Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến ĐS mới hoàn toàn dài 255 km ở miền đông, trong khi đó công ty Toll Holdings của Úc sẽ đảm nhận việc kiểm soát và tái thiết những tuyến đường sắt cũ do Pháp xây dựng ở miền tây.

Dịch vụ ĐS cung cấp giá vận tải rẻ mà còn an toàn hơn đường bộ, do đó dự án này sẽ mang lại những lợi ích kinh tế rất to lớn cho Campuchia. Những lợi ích của dự án mang lại sẽ rất lớn. Nó chắc chắn sẽ gia tăng lượng giao thông vận chuyển bằng ĐS bởi vì vận chuyển bằng đường bộ là rất tốn kém và lại khá nguy hiểm nếu xét về những góc độ an toàn giao đường bộ tại đây. Tuy nhiên, trở ngại là kinh phí ban đầu.

Ông Touch Chankosal, thứ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Vận tải Campuchia, nói rằng 600 triệu USD để thiết đặt tuyến ĐS nối Phnom Penh với Việt Nam là một số tiền khổng lồ đối với Campuchia. Có lẽ chính phủ phải tìm thêm nguồn tài trợ từ bên ngoài, có thể là từ Ngân hàng Phát triển châu Á, nếu phải hoàn thiện dự án này.

Dự án ĐS Xuyên Á dự trù sẽ sử dụng cả những tuyến ĐS đã có sẵn lẫn những tuyến đường được xây mới để nối từ châu Á đến Trung Á, Nam Á và Tây âu. Tính tổng cộng, mạng lưới ĐS này sẽ nối 28 nước với nhau, mặc dù mới chỉ có hơn một nửa trong số các quốc gia này đã phê chuẩn hiệp ước với Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc.

Tại Đông Nam Á, mạng lưới ĐS sẽ nối Singapore với Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với những tuyến đường băng qua Miến Điện, Campuchia, Thái Lan, và Việt Nam.