Một số điểm liên quan đến công tác Đăng kiểm xe cơ giới trong Nghị định 152/2005/NĐ-CP

20/01/2006

Ngày 10/01/2006, Nghị định 152/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định 15/2003/NĐ-CP Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực đã điều chỉnh mức xử phạt các vi phạm hợp lý hơn, có tính răn đe hơn. Các quy định liên quan đến lỗi vi phạm về kỹ thuật của phương tiện tham gia giao được quy định tại Điều 23 Chương IV có nhiều điểm mới đáng lưu ý.

Tại Chương IV: Xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông:

Điểm d) khoản 4 Điều 23 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hoặc có nhưng đã hết hạn, hoặc có nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Điểm c) khoản 8 Điều 23 quy định: Vi phạm trên ngoài bị phạt tiền còn bị thu hồi giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bị đánh dấu số lần vi phạm (bấm lỗ trên giấy phép lái xe).

Điểm b) khoản 5 Điều 23 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông. Điểm d) khoản 8 Điều 23 quy định: Vi phạm trên ngoài bị phạt tiền còn bị thu hồi biển số, giấy đăng ký phương tiện, sổ đăng kiểm và tịch thu phương tiện, đồng thời bị đánh dấu số lần vi phạm (bấm lỗ trên giấy phép lái xe).

Về thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhất là vi phạm vào Điểm d) khoản 4 Điều 23, ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ cũng có quyền xử lý vi phạm này.

Một trong những vấn đề đặt còn bỏ ngỏ: các xe ôtô có giấy chứng nhận, tem kiểm định ATKT & BVMT nhưng đã hết hạn hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy, tem giả) tham gia giao thông chưa bị lực lượng Cảnh sát giao thông hoặc Thanh tra giao thông phát hiện xử lý, các cơ quan chức năng liên quan khác như ngành Thuế, các Trung tâm Đăng kiểm… có được thực hiện hay không nghiệp vụ của mình khi phát hiện vi phạm này?. Nếu các cơ quan này thực hiện nghiệp vụ của mình khi các vi phạm này chưa bị xử lý thì sẽ không tạo ra ý thức chấp hành luật pháp của các chủ phương tiện, nhưng nếu yêu cầu xử lý vi phạm trước khi các cơ quan này thực hiện nghiệp vụ của mình thì rất cần làm rõ trách nhiệm, phương pháp xử lý của các cơ quan khi phát hiện vi phạm trong các hướng dẫn thực hiện nghị định của Bộ ngành liên quan.