Ủy ban Bảo vệ môi trường biển phê chuẩn Bộ luật về tàu hoạt động tại các vùng nước thuộc cực trái đất

23/10/2014

Tại khóa họp thứ 67, diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ở thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh, từ ngày 13 đến 17 tháng 10 năm 2014, Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO đã phê chuẩn dự thảo Bộ luật quốc tế về tàu hoạt động tại các vùng nước thuộc cực trái đất (Polar Code), cùng với sửa đổi, bổ sung của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) nhằm quy định việc bắt buộc áp dụng Polar Code. Thừa ủy quyền Bộ Giao thông vận tải, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tham dự khoa họp này của MEPC.

Theo kế hoạch, Polar Code và sửa đổi, bổ sung đối với Công ước MARPOL vừa được phê chuẩn sẽ được MEPC xem xét để thông qua tại khóa họp thứ 68, được tổ chức trong tháng 5 năm 2015. Khi được thông qua, Polar Code cùng với sửa đổi, bổ sung của Công ước MARPOL sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

Polar Code bao trùm toàn bộ các vấn đề liên quan đến thiết kế, đóng tàu, trang thiết bị của tàu, vận hành tàu, huấn luyện thuyền viên, tìm kiếm, cứu nạn và bảo vệ môi trường của các tàu hoạt động trong các vùng nước bao quanh hai cực của trái đất. Về bảo vệ môi trường, Polar Code đưa ra các quy định bổ sung đối với các các yêu cầu đã được nêu trong Công ước MARPOL, áp dụng cho các tàu hoạt động trong các vùng nước thuộc Bắc cực và Nam cực. Theo Phụ lục I và V của Công ước MARPOL, vùng nước Nam cực đã được thiết lập là Khu vực đặc biệt với những hạn chế ngặt nghèo về xả các chất thải từ tàu. Polar Code nhắc lại nhiều yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với vùng nước Nam cực đã được quy định trong Công ước MARPOL.

Tại khóa họp thứ 67, MEPC đã phê chuẩn lời nói đầu, phần giới thiệu và phần II của Polar Code. Các chương trong phần II-A của Polar Code bao gồm các quy định bắt buộc bao trùm các vấn đề sau đây:

  • Ngăn ngừa ô nhiễm do dầu: cấm thải dầu hoặc hỗn hợp có chứa dầu từ bất kỳ tàu nào xuống biển; các quy định về kết cấu tàu, bao gồm cả yêu cầu đối với việc bảo vệ các két chứa dầu nhiên liệu dùng cho bản thân tàu và dầu hàng do tàu vận chuyển;
  • Kiểm soát ô nhiễm do chất lỏng độc được tàu chở xô: cấm thải các chất lỏng độc hoặc hỗn hợp có chưa chất lỏng độc từ tàu xuống biển;
  • Ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải: cấm thải xuống biển nước thải của tàu, ngoại trừ nước thải đã được nghiền và khử trùng trong các trường hợp đặc biệt;
  • Ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải: quy định các hạn chế bổ sung trong các trường hợp được phép thải rác từ tàu so với các yêu cầu của Phụ lục V của Công ước MARPOL; không được phép thải đồ ăn thừa lên bề mặt băng; đồ ăn thừa đã được nghiền nhỏ và mài chỉ được phép thải trong các trường hợp được quy định cụ thể, và việc thải phải thực hiện cách bờ hoặc dải băng gần nhất không dưới 12 hải lý; chỉ một số loại cặn hàng nhất định được phân loại là không gây hại môi trường biển mới được phép thải ra biển.

Liên quan đến việc quy định bắt buộc áp dụng phần giới thiệu và các chương tương ứng thuộc phần II-A của Polar Code, MEPC đã phê chuẩn các sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục I (Ngăn ngừa ô nhiễm do dầu từ tàu), Phụ lục II (Ngăn ngừa ô nhiễm do chất lỏng độc được tàu chở xô), Phụ lục IV (Ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải từ tàu) và Phụ lục V (Ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải từ tàu) của Công ước MARPOL.

MEPC cũng đã phê các khuyến nghị được nêu trong phần II-B của Polar Code, với một một số lưu ý quan trọng sau:

  • Khuyến nghị việc không chở dầu nặng là hàng hóa hoặc nhiên liệu trên tàu hoạt động tại Bắc cực (theo quy định hiện hành của Phụ lục I, Công ước MARPOL, tàu không được phép chở dầu nặng như vậy khi hoạt động tại Nam cực);
  • Khuyến nghị việc áp dụng các tiêu chuẩn được nêu trong Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004 (Công ước này hiện tại chưa có hiệu lực).

Trong tháng 5 năm 2014, tại khóa họp thứ 93, Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của IMO đã phê chuẩn phần giới thiệu và chương I (Các quy định về an toàn) của Polar Code, cùng với dự thảo Chương XIV mới (Các biện pháp an toàn đối với tàu hoạt động tại các vùng nước thuộc cực trái đất) của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 (SOLAS). Tại khóa họp thứ 94, được tổ chức từ ngày 17 đến 21 tháng 11 năm 2014, MSC sẽ thông qua Polar Code và sửa đổi, bổ sung liên quan của Công ước SOLAS. Các văn kiện này, khi được thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, cùng thời điểm có hiệu lực của sửa đổi, bổ sung liên quan đối với Công ước MARPOL.