Việt Nam tham dự khóa họp lần thứ nhất của Ủy ban Đặc biệt ba bên thành lập theo quy định của Công ước Lao động hàng hải năm 2006

14/04/2014

Các quốc gia hàng hải hàng đầu thế giới cùng với các đại diện của giới chủ tàu và thuyền viên đã tham dự khóa họp lần thứ nhất của Ủy ban Ba bên đặc biệt được thành lập theo quy định của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC), tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Geneva - Thụy Sỹ, từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 4 năm 2014.

Hai nội dung quan trọng được Hội nghị thảo luận và nhất trí thông qua dưới hình thức sửa đổi, bổ sung của Công ước MLC là: quy định về an ninh tài chính trong trường hợp thuyền viên bị chủ tàu bỏ rơi; và việc giải quyết nhanh chóng các yêu cầu bồi thường trong trường hợp thuyền viên bị chết hoặc bị tàn tật kéo dài do tai nạn nghề nghiệp, bệnh tật hoặc các mối nguy hiểm do nghề nghiệp gây ra.

Hơn 300 đại biểu là thành viên cộng đồng hàng hải quốc tế từ gặp các khu vực trên thế giới đã tham dự hội nghị để xem xét dự thảo hai nội dung nói trên do đại diện của giới chủ tàu và giới thuyền viên đồng đề xuất. Hội nghị đồng thời là diễn đàn để đại diện các chính phủ, giới chủ tàu, giới thuyền viên, các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong dây chuyền hàng hải quốc tế trao đổi các kinh nghiệm cũng như các giải pháp khắc phục các khó khăn gặp phải trong việc thực hiện Công ước MLC ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công dẫn đầu với các thành viên là cán bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giao thông vận tải), Cục Hàng hải Việt Nam, và Cục Đăng kiểm Việt Nam tham dư hội nghị.

Tại phiên họp sáng ngày 11 tháng 4 năm 2014, Hội nghị Ba bên đặc biệt đã nhất trí thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước MLC bao gồm các quy định và hướng dẫn về các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo:

  • Thuyền viên bị bỏ rơi nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và đầy đủ thông qua hệ thống an ninh tài chính được thiết lập theo quy định của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch (Tiêu chuẩn mới A2.5.2 và Hướng dẫn mới B2.5.3).
  • Các yêu cầu đòi bồi thường khi thuyền viên bị chết hoặc thương tật dài hạn do tai nạn, ốm đau hoặc các rủi ro nghề nghiệp được giải quyết một cách nhanh chóng và thích hợp thông qua hệ thống an ninh tài chính được thiết lập theo quy định của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch (Tiêu chuẩn A4.2 sửa đổi và Tiêu chuẩn mới A4.2.2; Hướng dẫn sửa đổi B4.2.1 và Hướng dẫn mới B4.2.2).

Theo quy định của Công ước MLC và kết quả thảo luận tại Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban Ba bên đặc biệt, dự kiến sửa đổi, bổ sung mới được thông qua sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.

Đến tháng 3 năm 2014, cơ sở dữ liệu quốc tế về thuyền viên bị bỏ rơi của ILO đã thống kê được tổng cộng 159 tàu biển bị chủ tàu bỏ rơi trên toàn thế giới, trong đó có những trường hợp tàu bị bỏ rơi từ năm 2006 mà không có giải pháp xử lý thỏa đáng. Nhiều thuyền viên buộc phải ở lại trên những con tàu bị bỏ rơi mà không được trả lương trong nhiều tháng, không được cung cấp lương thực, thực phẩm, không được chăm sóc y tế và không có phương tiện để hồi hương. Trong những năm vừa qua đã có một số trường hợp tàu và thuyền viên Việt Nam bị chủ tàu bỏ rơi dài ngày ở nước ngoài; các thuyền viên liên quan bị rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khi làm việc trên biển, thuyền viên phải chấp nhận các điều kiện lao động rất khó khăn và đặc biệt là các rủi ro do đặc thù nghề nghiệp. Luôn phải làm việc xa nhà, nên thuyền viên rất dễ bị tổn thương trong các trường hợp bị bỏ rơi ở nước ngoài khi mà chủ tàu không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Các sửa đổi, bổ sung nói trên vừa được Ủy ban Ba bên đặc biệt thông qua, và khi đáp ứng đủ các điều kiện để có hiệu lực, sẽ là dấu ấn trong lịch sử ngành hàng hải khi mà lần đầu tiên quy định về cam kết đối với thuyền viên bị bỏ rơi, và quy định về an ninh tài chính để bồi thường cho họ được đề cập trong luật quốc tế mang tính ràng buộc.

Công ước MLC được ILO thông qua ngày 23 tháng 2 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 8 năm 2013. Hiện tại đã có 56 quốc gia với đội tàu tổng cộng chiếm trên 80 phần trăm tổng dung tích đội thương thuyền toàn cầu phê chuẩn Công ước này. Công ước MLC có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sống, làm việc cũng như bảo đảm các quyền cơ bản của đội ngũ thuyền viên. Chính vì vậy, ngày 22 tháng 3 năm 2013, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định việc Việt Nam gia nhập Công ước MLC. Ngày 7 tháng 5 năm 2013, văn bản phê chuẩn Công ước MLC của Bộ Ngoại Việt Nam đã được đệ trình lên Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế, và Công ước này chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 8 tháng 5 năm 2014.

Các cơ quan liên quan của Việt Nam đã rất tích cực trong viện chuẩn bị thực hiện Công ước MLC. Ngày 25 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước MLC, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành triển khai các công việc để thực hiện Công ước. Tiếp theo, ngày 12 tháng 8 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký Quyết định số 2382/QĐ-BGTVT giao nhiệm vụ cho các tổ chức trực thuộc Bộ thực hiện: nội luật hóa các quy định của Công ước MLC; áp dụng Công ước đối với đội tàu Việt Nam, thuyền viên mang quốc tịch Việt Nam, các cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức việc kiểm tra, đánh giá, phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải và Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải cho các tàu Việt Nam; thực hiện công tác kiểm tra của chính quyền cảng trong việc chấp hành Công ước MLC đối với các tàu nước ngoài ghé vào các cảng Việt Nam từ ngày 8 tháng 5 năm 2014.

Trong năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khu vực sinh hoạt và phương tiện giải trí của thuyền viên, và Thông tư quy định thủ tục cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải. Hiện nay, Dự thảo Nghị định Lao động hàng hải tích hợp toàn bộ các quy định của Công ước MLC đã được Bộ Giao thông vận tải xây dựng xong và đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn chỉnh, đệ trình lên Chính phủ phê duyệt ban hành.

Việt Nam cũng đã quyết định thiết lập cơ chế tham vấn Hội đồng ba bên để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Công ước MLC. Thành phần Hội đồng ba bên bao gồm đại diện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đại diện cho Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đại diện cho các chủ tàu, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho các thuyền viên.

Theo nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải phân công, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thành viên đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn nghiệp vụ và đang tiến hành việc kiểm tra, đánh giá, phê duyệt và cấp Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải (Phần II) và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho đội tàu hoạt động tuyến quốc tế theo quy định của Công ước MLC.

Có thể khẳng định, hiện nay Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và đang triển khai thực hiện một cách khẩn trương, tích cực Công ước MLC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội tàu biển Việt Nam và các cơ sở cung ứng, tuyển dụng thuyền viên, và đặc biệt là bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ thuyền viên Việt Nam.

Trong quá trình tham dự Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Cleopatra Doumbia-Henry, Trưởng ban Tiêu chuẩn quốc tế của ILO. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã thông báo cho đại diện ILO về tình hình triển khai thực hiện Công ước MLC tại Việt Nam; đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ đào tạo các chuyên gia về lao động hàng hải; mời bà Cleopatra Doumbia-Henry thăm Việt Nam và tham dự hội nghị quốc gia về lao động hàng hải. Bà Cleopatra Doumbia-Henry đã đánh giá cao sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Công ước MLC; đồng ý tiếp tục hỗ trợ đào tạo các chuyên gia lao động hàng hải Việt Nam tại Trung tâm Đào tạo tại Turin, Italia, của ILO; sẽ thăm Việt Nam và tham dự hội nghị về lao động hàng hải trong đầu năm 2015; hỗ trợ Việt Nam hoàn thành báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước MLC để đệ trình lên ILO trong năm 2015.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã có bài phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Ba bên đặc biệt về công tác triển khai và các kinh nghiệm trong việc thực hiện Công ước MLC tại Việt Nam; chúc mừng thành công của Hội nghị; cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước MLC nói chung và sửa đổi, bổ sung vừa mới được thông qua nói riêng.

Khóa họp lần thứ nhất của Ủy ban Đặc biệt ba bên được kỳ vọng góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cho Công ước MLC được thực thi một cách hiệu quả hơn trên phạm vi toàn cầu, mang lại điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho trên 1,5 triệu thuyền viên đang làm việc vất vả ngày đêm trên khắp mọi hải trình quốc tế để vận chuyển trên 90 phần trăm thương mại toàn cầu. Nhiệm vụ tiếp theo của các cơ quan liên quan là nội luật hóa và triển khai thực hiện các sửa đổi, bổ sung của Công ước MLC khi có hiệu lực.