Tình hình tàu biển Việt nam và tàu mang cấp VR bị PSC lưu giữ năm 2010

31/12/2010

Năm 2010 là năm rất khó khăn đối với ngành công nghiệp vận tải biển Việt Nam. Do tác động nặng nề của suy thoái kinh tế, thương mại thế giới giảm sút, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển toàn cầu chưa hồi phục, đội tàu quốc tế trở nên dư thừa với rất nhiều tàu phải tạm dừng hoạt động.

Giá cước và giá thuê tàu không tăng, thậm chí còn có xu hường sụt giảm. Giá nhiên liệu thay đổi bất thường, có chiều hướng tăng nhanh. Các ngân hàng tăng lại suất và thắt chặt điều kiện cho vay trong ngành hàng hải. Khá nhiều chủ tàu thiếu vốn duy trì sản xuất, kinh doanh, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao trong bộ máy quản lý, bộ máy kỹ thuật cũng như các sỹ quan, thuyền viên có kinh nghiệm. Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết thay đổi bất thường, không tuân theo quy luật, khó lường và ngày càng trở nên khắc nghiệt, trong những tháng cuối năm đã xảy ra một số vụ tai nạn tàu biển đáng tiếc, gây thiệt hại lớn về người và của.

Vượt qua khó khăn và thành thức, cộng đồng hàng hải Việt Nam đã hết sức cố gắng duy trì sự hoạt động và phát triển của đội tàu. Một bằng chứng cụ thể là trong năm 2010, đội tàu biển mang cấp VR đã tăng thêm được 120 tàu với tổng dung tích là 669.446 GT; con số tăng tương ứng của năm 2009 là 235 tàu và 976.854 GT. Nếu tính về số lượng tàu, năm 2010, đội tàu VR chỉ tăng bằng 51,06% của năm 2009; nhưng nếu tính về tổng dung tích, đội tàu chúng ta tăng bằng 76,34% của năm 2009, chỉ sụt giảm khoảng trên 20%.

Tính đến nay, đội tàu biển mang cấp VR đã có 1.681 tàu với tổng dung tích 4.970.029 GT và trọng tải toàn phần 8.132.925 DWT. Đội tàu biển Việt Nam hiện có 1.636 tàu với tổng dung tích 4.415.469 GT và trọng tải toàn phần 7.182.775 DWT. Theo đánh giá của Tổ chức Hàng hải quốc tế - IMO, đội tàu biển Việt Nam có quy mô đứng vào khoảng vị trí thứ 30 trong số các quốc gia thành viên của tổ chức này. Đây là thành quả phát triển hết sức quý báu trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng của ngành hàng hải toàn cầu.

Tình hình đội tàu mang cấp VR và đội tàu Việt Nam bị lưu giữ bởi Chính quyền cảng nước ngoài (PSC) do có các khiếm khuyết liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong năm 2010 có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2009. Không có bất kỳ tàu nào của chúng ta bị lưu giữ bởi Paris-MOU, AMSA (Chính quyền Hàng hải Australia) và USCG (Tổ chức bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ), mặc dù số lượng tàu VR và tàu Việt Nam ghé vào các khu vực này tăng rất nhiều so với những năm trước đây, và đây cũng là những khu vực kiểm tra PSC khắt khe nhất trên thế giới.

Tỷ lệ tàu mang cấp VR bị lưu giữ bởi Tokyo-MOU giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ bởi tổ chức này lại tăng 0,55% (số liệu cụ thể trong bảng dưới đây). Các khu vực khác như Black Sea-MOU, Ryadh-MOU, … cũng không lưu giữ bất kỳ tàu nào của VR hay Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ tàu VR và tàu Việt Nam bị lưu giữ bởi Indian Ocean MOU lại tăng khá nhiều so với năm 2009 (31,81% đối với tàu Việt Nam và 40,81% đối với tàu VR).

Với những tiến bộ kể trên, chúng ta có thể hy vọng năm 2010 đội tàu biển Việt Nam có thể được đưa ra khỏi danh sách đen của Tokyo-MOU. Tuy nhiên, đối với khu vực Indian Ocean MOU, đòi hỏi cộng đồng hàng hải Việt Nam nói chung và VR nói riêng cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa trong năm 2011.

Bảng so sánh số liệu đội tàu Việt Nam và tàu VR bị lưu giữ PSC bởi Tokyo-MOU

  Năm 2009 Năm 2010

Số tàu bị kiểm tra

Số tàu bị lưu giữ

Tỷ lệ tàu bị lưu giữ

Số tàu bị kiểm tra

Số tàu bị lưu giữ

Tỷ lệ tàu bị lưu giữ

Tàu Việt Nam

622

37

5,95%

800

52

6,50%

Tàu VR

567

63

11,11%

748

63

8,42%