Công ước MLC sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2011

26/07/2010

Ngày 23/02/2006 Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã thông qua một tiêu chuẩn mới, mang tính toàn diện đối với lĩnh vực lao động hàng hải thế giới với tên gọi "Công ước Lao động hàng hải, 2006 " (Maritime Labor Convention) được gọi tắt là "MLC ".

Công ước đưa ra các yêu cầu tối thiểu về điều kiện tuyển dụng thuyền viên, số giờ làm việc và nghỉ ngơi trên tàu, khu vực sinh hoạt, phương tiện giải trí, việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho thuyền viên, bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế cho thuyền viên, phúc lợi và an sinh xã hội cho thuyền viên, quy định đối với dịch vụ tuyển dụng và thay thế thuyền viên, việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho tàu, và việc kiểm tra/ thanh tra của Chính quyền tàu mang cờ/ Chính quyền cảng liên quan đến lao động hàng hải trên tàu.

Công ước MLC sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có ít nhất 30 Thành viên chiếm 33% tổng dung tích đội tàu thế giới đăng ký phê chuẩn. Đến nay, Công ước MLC đã được 10 quốc gia là Bahamas, Bosnia and Herzegovina, Bungary, Canada, Croatia, Liberia, Marshall Islands, Na Uy, Panama và Tây Ban Nha với đội tàu chiếm trên 50% tổng dung tích đội tàu thế giới phê chuẩn. Các quốc gia thành viên Cộng đồng châu Âu (EU) còn lại đang chuẩn bị để phê chuẩn Công ước trong năm 2010. Như vậy, Công ước MLC có thể có hiệu lực vào tháng 12 năm 2011, sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu.

Thời gian để đội tàu biển triển khai áp dụng Công ước MLC không còn nhiều, và khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các chủ tàu Việt Nam đều chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng, mà có tâm lý chờ đợi cho đến khi Công ước có hiệu lực mới bắt tay vào việc.

Để giúp cho các công ty vận tải biển Việt Nam nắm bắt được các quy định của Công ước MLC và chuẩn bị triển khai áp dụng, từ năm 2007, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành biên dịch, biên soạn và in ấn Công ước MLC và các hướng dẫn thực hiện bằng song ngữ Việt - Anh, phổ biến đến các bên liên quan thông qua các hội thảo kỹ thuật. Đồng thời, VR đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các công ty vận tải biển và sỹ quan, thuyền viên tàu về cách thức triển khai thực hiện Công ước.

Như đã trình bày ở trên, thời gian để Công ước MLC có hiệu lực không còn nhiều, các chủ tàu cần có sự quan tâm thoả đáng đến việc triển khai thực hiện, để tránh việc đội tàu của chúng ta gặp phải rắc rối khi hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế.