Các quốc gia là thành viên của Hội đồng IMO, nhiệm kỳ 2016-2017

03/12/2015

Hiện tại, IMO có 171 thành viên chính thức và 3 quan sát viên là Hồng Kông, Ma Cao và Faroe Islands. Việt Nam là thành viên chính thức của IMO từ năm 1984.

Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) là cơ quan chuyên môn trực thuộc Liên hợp quốc và là tổ chức quốc tế đầu tiên chăm lo đến vấn đề hàng hải. Vào năm 1948, một hội nghị quốc tế tổ chức tại Geneva đã thông qua Công ước quốc tế về thành lập Tổ chức tư vấn về hàng hải liên chính phủ (IMCO) (đến năm 1982, Tổ chức IMCO được đổi tên thành Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)). Công ước này có hiệu lực vào năm 1958 và IMO (khi đó là IMCO) đã tổ chức khoá họp đầu tiên vào năm 1959. Năm 1959 được xem là năm thành lập IMO. IMO có trụ sở tại thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh).

Từ khi mới thành lập, mục tiêu quan trọng nhất của IMO là tăng cường an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Trách nhiệm của IMO là xây dựng các quy định và quy trình mới cho ngành hàng hải, hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định và quy trình hiện có. Các quy định và quy trình của IMO được các quốc gia thành viên hợp nhất vào các văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia. Hiện tại IMO có 171 thành viên chính thức và 3 quan sát viên là Hồng Kông, Ma Cao và Faroe Islands. Việt Nam là thành viên chính thức của IMO từ năm 1984.

Cơ quan điều hành cao nhất của IMO là Đại hội đồng (Assembly), được nhóm họp hai năm một lần. Trong khoảng thời gian giữa hai khoá họp của Đại hội đồng, việc điều hành IMO được giao cho Hội đồng (Council).

Hội đồng (Council) là tổ chức điều hành của IMO và chịu trách nhiệm giám sát các công việc của Tổ chức. Giữa các kỳ họp của Đại hội đồng, Hội đồng thực hiện các chức năng của Đại hội đồng, ngoại trừ việc đưa ra các khuyến nghị tới các Chính phủ thành viên về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.

Tại kỳ họp lần thứ 29 của Đại hội đồng IMO diễn ra từ ngày 23/11/2015 đến ngày 02/12/2015, 158 quốc gia thành viên tham dự đã bầu ra các quốc gia sau đây là Thành viên của Hội đồng IMO cho nhiệm kỳ 2016-2017:

a) Nhóm A gồm 10 quốc gia có quyền lợi lớn nhất về cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế:

Trung quốc, Hy lạp, Ý, Nhật bản, Na Uy, Panama, Hàn Quốc, CHLB Nga, Vương quốc Anh, Mỹ.

b) Nhóm B gồm 10 quốc gia có quyền lợi lớn nhất về thương mại biển quốc tế:

Argentina, Bangladesh, Brazil, Canada, Pháp, CHLB Đức, Ấn độ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy điển.

c) Nhóm C gồm 20 quốc gia (không thuộc hai nhóm A và B) là các quốc gia có quyền lợi đặc biệt về vận tải biển, hoặc hàng hải; và các quốc gia được bầu vào Hội đồng để đảm bảo đại diện cho các vùng địa lý chính của thế giới:

Australia, Bahamas, Bỉ, Chile, CH Síp, Đan Mạch, Ai cập, Indonesia, Kenya, Liberia, Malaysia, Malta, Mexico, Ma rốc, Peru, Philippines, Singapore, Nam phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp 29 của Đại hội đồng IMO, Hội đồng mới được bầu sẽ nhóm họp (kỳ họp lần thứ 115) từ ngày 03/12/2015 để bầu ra chủ tịch và phó chủ tịch cho nhiệm kỳ 2016-2017.