Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 19 (ATM 19) và Hội nghị Cán bộ Cấp cao Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 36 (STOM 36) diễn ra tại Lào từ 16 – 20/12/2013

23/12/2013

Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 19 (ATM 19) khai mạc ngày 18/12/2013 với sự tham dự của đại biểu 10 nước ASEAN và các nước đối thoại là Nhật bản, Trung quốc và Hàn quốc. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Lào - Sommad Pholsena làm Chủ tịch.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng dẫn đầu cùng với đại diện các Vụ HTQT, Tổng Cục đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy, ... tham dự Hội nghị

Hội nghị ATM 19 đã diễn ra trong 02 ngày và tập trung vào thống nhất các biện pháp triển khai kết quả của các Hội nghị thượng đỉnh: Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 23, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc 16, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ 11, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản 16. Hội nghị ATM 19 đã tiến hành kiểm điểm tình hình triển khai các chương trình hợp tác, dự án kỹ thuật, thỏa thuận và hiệp định có liên quan của các nhóm công tác hàng hải, hàng không, đường bộ… trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Brunei (BAP) và Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC):

- Về lĩnh vực hàng không: thông qua các khuyến nghị, đề xuất của Hội nghị STOM 36, gồm: Ký Gói cam kết số 8 về dịch vụ giao thông hàng không trong Khuôn khổ AFAS; tiến độ triển khai thị trường chung về vận tải hàng không ASEAN và Kế hoạch công tác ATEC 2014-2015, ATTC 2014-2015; hợp tác với các nước đối thoại để chuẩn bị ký Nghị định thư số 2 về thương quyền vận tải tự do thứ 5 trong khuôn khổ Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN–Trung Quốc; xây dựng Hiệp định Giao thông hàng không ASEAN– Nhật Bản; ASEAN–Hàn Quốc; chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hàng không ASEAN-EU tổ chức ngày 11-12/02/2014 tại Singapore.

- Về lĩnh vực hàng hải: thông qua các khuyến nghị, đề xuất của Hội nghị quan chức cấp cao giao thông vận tải lần thứ 36 (STOM 36) gồm các nội dung liên quan đến Chiến lược thực hiện thị trường vận tải biển chung ASEAN; xây dựng chiến lược thực hiện thị trường lao động chung cho đội ngũ thuyền viên ASEAN; xây dựng chiến lược tăng cường bố trí, điều kiện làm việc trên tàu cho thuyền viên theo yêu cầu của Công ước Lao động hàng hải 2006; dự thảo Thỏa thuận chung ASEAN về hợp tác ứng phó sự cố dầu tràn; dự thảo thỏa thuận chung về hành trình gần bờ ASEAN; Chương trình hợp tác với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các nước đối thoại, các tổ chức ngành nghề liên quan.

- Về lĩnh vực đường bộ: thông qua các đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác giao thông đường bộ ASEAN, đặc biệt là xem xét Dự án kết nối đường sắt Singapore-Kunming, trong đó có đề xuất Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tiến hành nghiên cứu khả thi phát triển dự án đường sắt nối Việt Nam và Lào (Viên Chăn – Thakhek – Mụ Giạ - Tân Ấp – Vũng Áng) và Dự án về sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong vận tải bộ trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật ASEAN-Đức.

- Về tạo điều kiện thuận lợi giao thông vận tải (TFWG): Kiểm điểm và đánh giá việc triển khai Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi giao thông vận tải trong ASEAN; công tác hoàn thiện Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện vận chuyển hành khách qua biên giới (ASEAN CBTP); hoàn thiện đề cương nghiên cứu về MIEC; Dự án Logistics xanh giữa ASEAN và Nhật Bản.


Ảnh: Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị ATM 19

Hội nghị ATM 19 đã tiến hành họp với Bộ trưởng Giao thông vận tải các nước đối thoại ASEAN gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản để kiểm điểm tình hình thực hiện cũng như thống nhất các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể về giao thông vận tải với các nước đối thoại nhằm tăng cường và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các nước này đối với cộng đồng ASEAN trong năm 2014 và các năm tiếp theo, cụ thể:

- Với Trung Quốc: Xác định các lĩnh vực hợp tác trọng điểm nhằm thúc đẩy kết nối ASEAN-Trung Quốc, đặc biệt sáng kiến của Trung Quốc về nâng cao tính cạnh tranh kinh tế và tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa và thể nhân trong khu vực.

- Với Nhật Bản: Xác định các chính sách mới và đề xuất triển khai các chương trình, dự án trong khuôn khổ hợp tác GTVT ASEAN-Nhật Bản, trong đó lĩnh vực hàng hải có Chương trình thúc đẩy du lịch biển ASEAN – Nhật Bản; Dự án nghiên cứu chung về công nghệ cảng ASEAN – Nhật Bản; hợp tác về chính sách thuyền viên ASEAN – Nhật Bản; Kế hoạch hành động khu vực mới về an ninh cảng; Dự án cải thiện và hài hoà các tiêu chuẩn an toàn và thanh tra tàu thuyền đối với tàu thuyền gần bờ.

- Với Hàn Quốc: Xác định định hướng hợp tác trong tương lai, đặc biệt chú trọng tới các dự án hợp tác có tác động lớn thông qua các chương trình huấn luyện chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các bên.

Sáng ngày 20/12/2013, các Bộ trưởng tham dự Hội nghị (bộ trưởng Thái lan không có mặt) đã ký Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng GTVT ASEAN; Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng GTVT ASEAN – Trung Quốc; Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng GTVT ASEAN – Hàn Quốc; Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng GTVT ASEAN – Nhật Bản.


Ảnh: Ký Văn bản ghi nhớ giữa hai Bộ trưởng GTCC Lào và GTVT Việt Nam

Trước đó, từ ngày 16-18 tháng 12 năm 2013, cũng tại Pakse của Lào đã diễn ra Hội nghị Cán bộ Cấp cao Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 36 (STOM 36). Tham gia Hội nghị này có ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ HTQT làm trưởng đoàn cùng với đại diện các Vụ HTQT, Tổng Cục đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy, ... tham dự Hội nghị. Hội nghị này xem xét các nội dung nêu trên để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng.

Ngoài ra, nhân dịp này, hai Bộ trưởng Việt Nam và CHDCND Lào đã hội ý xem xét, đánh giá và thống nhất các biện pháp tiếp theo về các nội dung hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GTVT. Hai bên đã ký bản ghi nhớ để triển khai thực hiện.