Khi hoàn thành nó sẽ lớn gấp 3 lần kênh đào Panama, với hai khu vực thương mại, một tuyến đường sắt, một tuyến đường ống dẫn dầu và một số sân bay. Dự án sẽ gây ảnh hưởng lớn về mặt chính trị - địa lý của đất nước Nicaragua.
Tuyến đường thủy mới này sâu 22m, dài 286km cho phép các siêu tàu container lưu thông qua kênh với trọng tải lên tới 250.000 tấn, gấp đôi kích thước của con tàu lớn nhất hiện đang lưu thông qua kênh Panama. Theo thỏa thuận, sau khi hoàn thành, công ty trên sẽ được quyền khai thác trong vòng 100 năm và cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama. Phát biểu với báo giới ngày 30/6, ông Ronald MacLean Abaroa, người phát ngôn của HKND, khẳng định Nicaragua sẽ được hưởng lợi sau khi kênh đào này đi vào hoạt động và có thể trở thành một trong những nước giàu nhất Trung Mỹ. Theo hợp đồng, trong 10 năm đầu công ty này sẽ trả cho chính phủ Nicaragua 10 triệu USD/năm, sau đó được chia lợi bắt đầu từ 1% và dần tăng lên. Dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm, tuy nhiên, chỉ sau 6 năm, những con tàu chở hàng đầu tiên đã có thể đi từ Thái Bình Dương tới biển Caribe và ngược lại qua con kênh mới này.
Quốc hội Nicaragua vẫn đang còn tranh cãi về vấn đề này. Các nghiên cứu xác định, đường đi của con kênh gần như chắc chắn sẽ tách đôi hồ Nicaragua có diện tích 8.265 km2 (lớn nhất Trung Mỹ) và có những tác động tiêu cực nhất định. Hồ này là nguồn nước ngọt chủ yếu không chỉ của Nicaragua mà còn cho cả các nước Trung Mỹ. Những người ủng hộ dự án thì cho rằng con kênh sẽ giúp tạo ra 40.000 việc làm và tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người. Trong khi đó, nhiều người chỉ trích dự án được thông qua một cách vội vàng, nhiều thông tin quan trọng bị thiếu như: Vị trí thi công; tác động môi trường chưa được xác định; nguồn vốn tài trợ, tỉ lệ lợi nhuận chưa rõ ràng. Một Nghị sĩ đối lập nói rằng: "Tôi không hiểu sao phải vội vàng phê chuẩn dự án này. Tôi nghĩ chính phủ nên tham khảo và lắng nghe ý kiến của người dân đối với vấn đề nhạy cảm như vậy". Cố vấn môi trường của chính phủ thì cảnh báo: "Với dự án này, chúng ta cần suy xét cặn kẽ bởi phát triển bền vững là quan trọng hơn hết". Liên minh Biến đổi khí hậu Nicaragua cũng lo ngại việc HKND được giao toàn quyền mở rộng, nạo vét, giảm khối lượng nước hồ. Tổ chức này cho rằng, vì lợi nhuận HKND có thể bất chấp thảm họa môi trường. Đại diện cho những người ủng hộ, Chủ tịch Quốc hội Nicaragua giải thích nhẹ nhàng về tính cấp bách, tầm quan trọng đối với quốc gia là lý do dự án được phê duyệt cấp bách. Nghị sỹ Jacinto Suarez ủng hộ mạnh mẽ hơn với lý do: "Một trong số những tài nguyên lớn nhất đất nước là vị trí địa lý, vì vậy, ý tưởng xây dựng kênh đào mới là khả thi. Phản đối ý tưởng này là không yêu nước".
Trung quốc đầu tư là nhằm mục đích kinh tế hay chính trị ? Nhiều chuyên gia cho rằng với dự án này, Trung Quốc có động cơ địa chính trị nhiều hơn là kinh tế. Chủ tịch quốc hội Nicaragua, tuyên bố dự án tạo cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng đang ngày càng lớn mạnh trong hệ thống thương mại thế giới và làm yếu vị trí thống trị của Mỹ trên tuyến vận chuyển hàng hóa giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trước đó, cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Columbia cho biết, một vị quan tòa Trung Quốc đã thiên vị đối với Nicaragua khi xử lý vụ kiện kéo dài 13 năm xoay quanh diện tích biển rộng 75.000 km2 giữa nước này với một số quốc gia khác trong đó có Columbia. Điều đó diễn ra ngay sau khi các quan chức thuộc chính phủ Nicaragua kí biên bản ghi nhớ vào tháng 9/2012 với Wang Jing, Chủ tịch Tập đoàn Xinwei Telecom và chủ tịch của doanh nghiệp mới được thành lập tại Hongkong - HK Nicaragua Canal Development Investment Co (HKND - Công ty đầu tư phát triển kênh đào HK Nicaragua) về việc xây dựng và vận hành con kênh tương lai. Về phần mình, Nicaragua cũng không ngừng buộc tội Columbia và Costa Rica có những tuyên bố về chủ quyền trên phần lãnh hải dự kiến sẽ được sử dụng để xây dựng kênh đào mới, đồng thời cố gắng tìm mọi cách để ngăn cản dự án này được thực hiện.
Lưu ý rằng, năm 2011, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán để xây dựng tuyến đường sắt dài 220 km thay cho kênh Panama nối giữa bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Columbia. Dự án này trị giá 7,6 tỷ USD, có thể vận chuyển 40 triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ khu vực trung tâm kinh tế của Columbia tới Thái Bình Dương. Trong đó, mặt hàng được ưu tiên vận chuyển là than để đưa sang Trung Quốc.